Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê chuẩn kế hoạch ngân sách quốc phòng trị giá 5,6 tỉ USD.
Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 29/3 dẫn các nguồn tin cho hay ngày 27/3 ngân sách năm tài khóa 2017 của Nhật Bản đã được thông qua tại Thượng viện nước này, trong đó ngân sách quốc phòng lập kỷ lục mới, đạt 5.125,1 tỷ yên (khoảng 46,3 tỷ USD), tăng 1,4% so với cùng kỳ, là năm thứ 5 tăng trưởng liên tục.
Nguyên nhân chính tăng ngân sách quốc phòng là để ứng phó Triều Tiên tiến hành phát triển tên lửa đạn đạo và tăng cường phòng vệ các đảo tây nam, đối phó Trung Quốc.
Ngân sách quốc phòng được bố trí theo kế hoạch chỉnh đốn trang bị lực lượng phòng vệ trung hạn - kế hoạch này cứ 5 năm điều chỉnh một lần.
Trong ngân sách ban đầu năm tài khóa 2017, chi phí sửa chữa tàu chiến và máy bay của Lực lượng Phòng vệ tăng lên rõ rệt, mức tăng là 34,1 tỷ yên, đạt 206,5 tỷ yên. Do Trung Quốc mở rộng hoạt động trên biển Hoa Đông và Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo ngày càng thường xuyên, tốc độ tiêu thụ trang bị cảnh giới, giám sát của Nhật Bản tăng nhanh.
Để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, Nhật Bản đã bố trí ngân sách cải tiến trang bị để mở rộng gấp đôi phạm vi bảo vệ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3. Ngân sách còn bố trí thêm chi phí cho tên lửa SM-3 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển do Nhật - Mỹ đang hợp tác phát triển.
Trên phương diện phòng vệ các đảo tây nam khu vực lân cận đảo Okinawa, ngoài việc bắt tay chế tạo tàu ngầm mới, còn đang phát triển tên lửa chống hạm để nâng cao năng lực tấn công đối hạm. Ngân sách còn bố trí kinh phí mua sắm tên lửa đất đối không tầm trung cải tiến Type 03, dự kiến triển khai ở tỉnh Okinawa.
Tờ Chinatimes Đài Loan ngày 28/3 cũng cho rằng, đối mặt với sự trỗi dậy trên biển của Trung Quốc, an ninh đảo và mối đe dọa tên lửa liên tiếp từ Triều Tiên, Nhật Bản quyết định mua thêm nhiều tàu ngầm, tàu hộ vệ, hệ thống tên lửa đánh chặn, xe chiến đấu và máy bay chiến đấu F-35A, đồng thời thành lập mới lực lượng cảnh giới ở đảo Miyako và đảo Amami Oshima.
Nhưng, thái độ chưa rõ ràng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và vấn đề di chuyển căn cứ Okinawa vẫn sẽ là hai điểm chưa rõ ràng trong chương trình quốc phòng của Nhật Bản năm 2017.
Sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ không ngừng yêu cầu đồng minh tăng thêm “phí bảo hộ”, từng làm cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lo ngại.
Nhưng, tranh chấp biển Hoa Đông với Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền đảo Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc và mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên đều làm cho Nhật Bản từng bước đi lên con đường “trở thành quốc gia bình thường”, nhiều lần tìm cách vượt qua giới hạn về quân bị trong Hiến pháp hòa bình hiện nay, chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính thức.
Theo Viettimes.vn