Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Mục tiêu lớn nhất của Triều Tiên là hủy diệt Hàn Quốc chứ không phải Mỹ
- Cập nhật : 01/04/2017
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, mục tiêu lớn nhất của Bình Nhưỡng là giành quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên và hủy diệt Hàn Quốc chứ không phải Mỹ.
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế cũng như những lời chỉ trích liên tiếp từ chính phủ Mỹ, Triều Tiên vẫn cho phóng thử hàng loạt tên lửa và khả năng sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 khi mà các hoạt động ở bãi thử Punggye-ri đang không ngừng gia tăng.
Thậm chí trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đang trong giai đoạn cuối cùng chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Sau tuyên bố của ông Kim, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định Triều Tiên không thể làm được việc này. Còn trong tuyên bố gần đây, ông Trump nhấn mạnh "ông Kim Jong-un đã hành động rất rất tồi".
Theo tác giả cuốn "Nuclear Showdown: North Korea takes on the World” (tạm dịch: "Tranh cãi Hạt nhân: Triều Tiên thách thức thế giới"), ông Gordon Chang, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn thấp nhất là 3.400 dặm nhưng các nước có thể cải tiến để tăng tầm bắn. Và theo ông Chang, Triều Tiên hiện đang sở hữu loại tên lửa đủ sức tấn công Mỹ.
"Triều Tiên có 3 tên lửa là Taepodong-2, KN-08 và KN04 với tầm bắn có thể vươn tới 48 bang của nước Mỹ", Fox News dẫn lời ông Chang.
Cũng theo ông này, chỉ chưa đầy 4 năm nữa, Bình Nhưỡng sẽ sở hữu năng lực tích hợp đầu đạn hạt nhân lên trên ICBM.
"Điều mà Triều Tiên cần làm là nghiên cứu động cơ phóng tên lửa. Để phóng được một loại tên lửa mới, Triều Tiên cần một động cơ phóng có sức mạnh lớn hơn so với những thế hệ động cơ trước đây. Công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng đang phát triển một cách nhanh chóng buộc chúng ta phải thay đổi chính sách", ông Chang chia sẻ.
Ông Chang còn nhấn mạnh các biện pháp nhằm cô lập Triều Tiên vẫn không đủ sức ngăn cản tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Fox News, trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Hàn Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ có tính tới phương án tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết "mọi phương án hiện đang nằm trên bàn đàm phán".
Câu hỏi đặt ra hiện nay là mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là muốn tấn công phương Tây, xâm chiếm Hàn Quốc hay đơn giản chỉ nhằm củng cố quyền lực được thừa hưởng từ cha và ông nội.
"Mục tiêu cuối cùng của chính quyền Triều Tiên là duy trì sự thống trị của gia tộc họ Kim. Trong giai đoạn cầm quyền, gia đình ông Kim đã đặt ra mục tiêu lớn nhất là giành quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên và hủy diệt Hàn Quốc", ông Chang nói.
Tuy nhiên, tương lai gia tộc họ Kim được xem là khá bấp bênh bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa có người nối ngôi. Trong bối cảnh hiện nay, người anh trai cùng mẹ của ông Kim Jong-un là Kim Jong-chul không được đánh giá cao là người có thể trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trong khi đó, ứng cử viên sáng giá nhất là em gái của ông Kim, cô Kim Yo-jong. Song theo truyền thống Triều Tiên, phụ nữ không thể lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Ngoài ra, ông Chang cho rằng thế giới còn rất nhiều điều chưa được biết về ông Kim Jong-un. Bởi ngay cả cựu lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng sang thăm Trung Quốc vài lần trong khi ông Kim Jong-un lại chưa từng rời khỏi đất nước kể từ khi lên nắm quyền. Trong khi lâu nay, Bắc Kinh được xem là đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng.
Cũng theo ông Chang, mục tiêu lâu dài của ông Kim là chia cắt mối quan hệ đồng minh quân sự Mỹ - Hàn. Bởi khi không có sự hỗ trợ từ phía Mỹ, ông Kim cho rằng Triều Tiên có thể bắt nạt và thậm chí xâm chiếm Hàn Quốc. Từ đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Chang nhận định nội bộ chính quyền Triều Tiên hiện vô cùng bất ổn bởi sau khi lên nắm quyền, ông Kim đã thanh trừng nhiều quan chức cấp cao Triều Tiên và đưa hàng trăm người khác vào các trại cải tạo chính trị.
"Động thái của Triều Tiên là dấu hiệu về một sự bất ổn. Khi nhà lãnh đạo của một đất nước tử hình một quan chức có nghĩa là tình hình không bình yên. Nếu tình hình ổn định tại sao nhà lãnh đạo lại phải xử tử quan chức? Hành động xử tử không chỉ tạo thêm kẻ địch mà còn khiến mọi người hoang mang về số phận tương lai, nên đi hay ở và có nên trung thành với nhà lãnh đạo hay không", ông Chang cho hay.
Ông Chang kết luận đây cũng chính là lý do mà Mỹ nên coi Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng. "Một chính quyền mà mọi hành động chỉ do một người đàn ông quyết định là không hề đáng tin. Đó là lý do tại sao chúng ta cần quan tâm tới chương trình vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học, tên lửa tầm xa của Triều Tiên", ông Chang nhấn mạnh.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet