Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Tiểu ban đối ngoại Hạ viện về châu Á-Thái Bình Dương mới đây đã triệu tập một phiên điều trần để thảo luận chính sách đối phó của Mỹ với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc hiện vẫn chưa phải hứng chịu hậu quả gì cho những hành vi gây bất ổn trên các vùng biển này.
Ngày càng nhiều các nghị sĩ Mỹ muốn kiểm soát tham vọng của Bắc Kinh. Theo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, sự hung hăng của Trung Quốc đã làm mất lòng tin giữa các nước và cho thấy Trung Quốc khao khát đạt được “quyền phủ quyết đối với các vấn đề ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng”.
Theo National Interest, phiên điều trần nhấn mạnh rằng các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ đang bị đe dọa, đồng thời cũng gợi ý Mỹ còn nhiều công cụ có thể thực hiện một cách đơn phương để bắt Trung Quốc phải trả giá cho các hành vi gây bất ổn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc có phải là đối thủ chiến lược của Mỹ?
Tạp chí Mỹ đánh giá, Trung Quốc đang ngày càng chứng tỏ mình không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược mà đích thực là kẻ đối thủ chiến lược của Mỹ. Nước này luôn sử dụng sức mạnh và sự hăm dọa để củng cố sự kiểm soát trong các khu vực hàng hải đang tranh chấp, trong khi các vùng biển này đều là những con đường chiến lược tối quan trọng.
Mỗi năm có hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông, trong đó bao gồm phần lớn nguồn cung năng lượng của các đối tác then chốt của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tám trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới tập trung ở châu Á- Thái Bình Dương, và gần 1/3 khối lượng hàng hóa thế giới vận chuyển qua Biển Đông.
Kể từ Thế chiến II, quân đội Mỹ đã hỗ trợ các tuyến giao thương và sự ổn định kinh tế trong khu vực bằng cách duy trì an ninh ở Đông Á.
Ngược lại, Trung Quốc từ năm 2013 đã tiến hành bồi lấp các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông đến 3.200 ha, xây dựng các đường băng, hải cảng, lắp đặt các vũ khí chống máy bay và hệ thống tên lửa đất đối không tại Biển Đông, gây căng thẳng khu vực.
Cận cảnh Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố
Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc liên tục gây áp lực cho Lực lượng phòng vệ và Cảnh sát biển Nhật Bản bằng cách triển khai các tàu cỡ lớn và thực hiện nhiều chuyến bay quân sự khiêu khích một cách thường xuyên hơn.
Trung Quốc cũng thực hiện quá trình tái tổ chức và xây dựng quân đội một cách mạnh mẽ, tập trung phát triển các vũ khí chống tiếp cận. Những động thái này chắc chắn sẽ tăng cường khả năng triển khai sức mạnh và khả năng kiểm soát lãnh thổ, điều này chứng tỏ tham vọng của Trung Quốc muốn trục xuất tàu thuyền nước ngoài ra khỏi các vùng biển gần nước này bất cứ lúc nào.
Cho dù những động thái phát triển năng lực hàng hải của Trung Quốc chưa gây hại gì đến lợi ích của Mỹ, nhưng những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi pháp của nước này cùng sự hung hăng trong việc thực thi các tuyên bố này và ý định kiềm chế hoạt động hải quân Mỹ trong khu vực đã gây ra thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ.
Xung đột và sự đảm bảo an ninh của Mỹ
Theo National Interest, hành vi của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển có liên quan thiết thân tới lợi ích của Mỹ và đòi hỏi phản ứng mạnh tay từ Mỹ vì ba lý do sau.
Thứ nhất, những hành vi này nếu quản lý không tốt gây ra nguy cơ lớn dẫn đến xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước đây, Trung Quốc đã châm ngòi một số cuộc chạm trán nguy hiểm với tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế. Mới đây, nước này lại ngang nhiên tịch thu một chiếc tàu lặn không người lái của Mỹ chỉ cách tàu Mỹ vài trăm feet khi chiếc tàu này đang cố tìm kiếm chiếc tàu lặn, đây rõ ràng là cố tình gây ra một sự cố quốc tế.
Thứ hai, tạp chí Mỹ nhận định hành vi của Trung Quốc gây nguy hiểm đến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ đã bảo đảm an ninh cho khu vực này từ năm 1945 đến nay, dựa vào sự tự do hàng hải được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế. Sự tự do hoạt động của Mỹ có lợi cho khu vực, cho Mỹ và cả thế giới vì đã thúc đẩy các động lực kinh tế của châu Á.
Thứ ba, nếu không được kiểm soát, các hành vi của Trung Quốc sẽ phá hoại những dàn xếp an ninh của Mỹ trên thế giới, đồng thời phá hoại trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Theo National Interest, trật tự này đã giúp ngăn cản các cuộc xung đột giữa các nước từ sau Thế chiến II đến nay. Nhượng bộ trước những hành vi phi pháp và hung hăng của Trung Quốc cũng sẽ tác động xấu đến luật pháp quốc tế, và việc hải quân Mỹ bị hất ra khỏi các vùng biển trong khu vực cũng sẽ có tác động không tốt đến sự đảm bảo an ninh của Mỹ.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn