Tàu chiến Kaga dự kiến sẽ cập cảng một số nước Đông Nam Á cũng như các hải cảng của Ấn Độ, Sri Lanka và tham gia tập trận trong khu vực.
Nhật Bản và biển Đông: Không nói suông
- Cập nhật : 26/03/2017
Trung Quốc trong tuần này nói họ “báo động cao” trước các động thái quân sự và ý định đằng sau đó của Nhật Bản
Chỉ một ngày trước phản ứng có phần khẩn trương của Bắc Kinh là sự kiện Tokyo biên chế tàu sân bay trực thăng thứ hai mang tên Kaga.
Không khó lý giải thái độ của Trung Quốc bởi ngay trong lễ biên chế Kaga, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takayuki Kobayashi nói thẳng: “Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng các căn cứ và hành động gây áp lực”, qua đó “gây lo ngại về an ninh trong cộng đồng quốc tế”. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thậm chí nhân danh cả “các quốc gia khác quanh biển Đông” cảnh báo sẽ không để Nhật Bản “gây sóng gió” trong khu vực.
Có vẻ nói là chuyện của Trung Quốc, còn tiếp tục tăng cường sức mạnh hải quân là việc của Nhật Bản. Không lâu trước khi Kaga được biên chế, Reuters đưa tin độc quyền nói Nhật Bản có kế hoạch phái tàu sân bay trực thăng đầu tiên Izumo thực hiện chuyến hải trình kéo dài 3 tháng qua biển Đông - được xem là lần phô diễn sức mạnh hải quân lớn nhất của họ trong khu vực kể từ Thế chiến thứ hai.
Bắt đầu từ tháng 5, Izumo sẽ dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, tham gia huấn luyện với hải quân Mỹ trên biển Đông và cuối cùng là tập trận hải quân Malabar với Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương. Ngoài ra, theo Newsweek, hải quân Nhật còn cùng Pháp, Anh và Mỹ tập trận ở Tây Thái Bình Dương vào tháng 5 tới.
Tàu sân bay trực thăng Izumo tại căn cứ ở Yokosuka Ảnh: REUTERS
Tờ China Daily dẫn lời ông Lyu Yaodong, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Học viện Nghiên cứu xã hội Trung Quốc, nói Tokyo lấy Bắc Kinh làm cái cớ để mở rộng hoạt động quân sự. Ngược lại, trang Daily Caller cho rằng việc Trung Quốc lấn dần ra Tây Thái Bình Dương khiến Nhật Bản không thể ngồi im.
Dù lý do có là gì thì ai cũng nhận ra Tokyo đang triển khai chiến lược dài hạn nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. “Cũng như Trung Quốc và Mỹ, Nhật muốn củng cố vai trò lãnh đạo trong khu vực. Để thể hiện điều này, Nhật phải chứng tỏ họ có năng lực thực hiện các chiến dịch cách xa nước mình” - ông Jonathan Spangler, chuyên gia về biển Đông, phân tích với đài VOA.
Cụ thể hơn ở khu vực Đông Nam Á, theo GS Carl Thayer (Trường ĐH New South Wales - Úc), Nhật muốn hình thành một “mặt trận thống nhất” chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Ông Thayer nói kỹ hơn: “Nhật không muốn Senkaku (nhóm đảo trên biển Hoa Đông do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền) trở thành vấn đề biệt lập. Họ muốn mở rộng vấn đề thành sự lấn lướt của Trung Quốc trên các vùng biển châu Á”.
Một khi giới lãnh đạo Nhật Bản quyết thay đổi hiến pháp hòa bình - vốn giữ chân quân đội họ ở trong nước từ sau Thế chiến thứ hai, Trung Quốc có nhiều lý do để bất an. Dù lâu nay tự hạn chế hoạt động nhưng hải quân Nhật vẫn được đánh giá là mạnh hàng đầu châu Á, theo báo Business Standard. Và dù chỉ được chi 1% GDP cho quốc phòng, ngân sách quân sự Nhật Bản trong năm 2017 cũng đạt mức 43,6 tỉ USD.
Chỉ nói riêng “tân binh” Kaga, chiếc tàu giá 1 tỉ USD này có thể chở theo 14 trực thăng, có khả năng săn tìm tàu ngầm Trung Quốc và hỗ trợ các loại chiến đấu cơ cất cánh thẳng đứng như F-35B Tia chớp II, theo báo Asahi. Nhờ Kaga và “người chị” Izumo, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất sở hữu 2 tàu chiến có kích cỡ tàu sân bay.
MỸ NHUNG
Theo nld.com.vn