Trong tháng 3, Hải quân Nga mở nhiều cuộc diễn tập chống tàu ngầm, và trong những lần này tàu ngầm lớp Kilo nổi tiếng đều bị máy bay săn ngầm và tàu chiến Nga dò ra và “tiêu diệt”.
Cuộc đua chiến hạm săn ngầm
- Cập nhật : 26/03/2017
Tàu quân sự tự hoạt động trên biển được trang bị vũ khí và khả năng săn ngầm đang là mục tiêu chạy đua mới của nhiều bên.
Ngày 22.9.1914, chưa đầy 2 tháng sau khi Thế chiến 1 bùng nổ, châu Âu rúng động trước tin 3 tuần dương hạm đồ sộ của Anh, thế lực hải quân thống trị thời đó, bị nhấn chìm bởi tàu ngầm Đức. Kinh ngạc hơn, phía Đức chỉ triển khai đúng một chiếc U-9.
Theo BBC, tàu HMS Aboukir đang tuần tra ở gần Den Helder (Hà Lan) thì bị chiếc U-9 phát hiện và phóng ngư lôi tấn công. Thủy thủ trên tàu ngỡ bị trúng thủy lôi nên phát tín hiệu cầu cứu 2 tàu HMS Cressy và HMS Hogue gần đó. Đến khi phát hiện là ngư lôi, HMS Aboukir lập tức báo động 2 chiến hạm kia tránh xa nhưng tất cả đã quá muộn. Cả ba tàu lần lượt bị nhấn chìm chỉ bởi một chiếc U-9 đơn thương độc mã.
Theo tài liệu từ hải quân Hoàng gia Anh, trận đánh chỉ kéo dài trong vỏn vẹn 90 phút nhưng đã cướp đi tính mạng của 62 sĩ quan và 1.397 binh sĩ Anh. Đó là cú đánh choáng váng vào thể diện của hải quân Anh và cũng là bằng chứng rõ ràng đầu tiên về sự lợi hại của những cỗ máy âm thầm di chuyển trong lòng biển, sẵn sàng giáng đòn tấn công phủ đầu.
Đến năm 2015, trong cuộc tập trận chung ngoài khơi Florida (Mỹ), tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Saphir của Pháp vượt qua một loạt tàu chiến và máy bay săn ngầm của Mỹ để tiếp cận sát hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt. Kết quả này càng khiến Lầu Năm Góc nhận thức được nhu cầu ưu tiên phát triển các công nghệ săn ngầm mới, đặc biệt trong bối cảnh tàu ngầm điện/diesel cực êm đang ngày càng phổ biến.
“Dò tìm tiếng động của chiếc tàu ngầm điện/diesel ở vùng biển nhộn nhịp cũng giống như cố gắng xác định âm thanh của một chiếc xe hơi riêng biệt trong sự huyên náo của một thành phố lớn”, trang Defense One dẫn lời Phó đô đốc Frank Drennan của hải quân Mỹ nhận định.
Thợ săn Sea Hunter
Hiện Mỹ đặt hy vọng vào Chương trình Tàu săn ngầm không người lái (ACTUV) để phát triển một dạng tàu robot tự hành, đủ năng lực theo dõi các tàu ngầm điện/diesel gần như không phát ra tiếng động nhưng đáp ứng yêu cầu chi phí thấp hơn các hệ thống đã triển khai. Đến nay, dự án này đang được triển khai suôn sẻ với những cuộc thử nghiệm thành công của chiếc tàu đầu tiên Sea Hunter.
Mang một cái tên không thể rõ ràng hơn, Sea Hunter (Thợ săn biển) là tàu chiến 3 thân dài 40 m, nặng 135 tấn, tầm hoạt động 16.000 km và được thiết kế có thể chịu đựng sóng cao đến 4 m. Điều đặc biệt nhất là tàu mang trên mình đầy những cảm biến tối tân để có thể phát hiện, theo dõi những tàu ngầm chạy êm nhất suốt 3 tháng liền hoạt động trên biển mà không cần bất kỳ ai ngồi bên trong điều khiển.
Giám đốc chương trình phát triển Sea Hunter Scott Littlefield nhấn mạnh “sẽ không có chế độ lái từ xa trên con tàu này”. Thay vào đó, nó được cài đặt mệnh lệnh ban đầu là cần đi đến nơi đâu, cần phải đạt được mục tiêu gì và thế là phần mềm tự động đưa con tàu đến đích. Ngoài ra, tàu còn có khả năng dò thủy lôi và theo trang Scout, Lầu Năm Góc đang xem xét bổ sung chức năng tấn công để biến Sea Hunter thành cỗ máy chiến đấu thật sự.
Ở khía cạnh giá thành, tàu cũng đáp ứng được yêu cầu đề ra khi theo tính toán của Bộ Quốc phòng Mỹ, một chiếc Sea Hunter khi được tung ra thị trường dự kiến chỉ có giá tầm 20 triệu USD, chi phí vận hành chừng 15.000 - 20.000 USD/ngày so với 700.000 USD/ngày của tàu chiến có người lái. Nhờ vậy, viễn cảnh hàng ngàn Thợ săn biển ngang dọc khắp đại dương trong tương lai không còn là chuyện viễn tưởng.
Dự án Triton
Hiện Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong cuộc đua tàu robot săn ngầm nhưng sắp tới, nước này sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Nga khi hồi cuối năm ngoái, Moscow công bố dự án phát triển lớp tàu robot không người lái mang tên Triton.
Theo tờ Izvestia, chương trình này được giao cho nhà sản xuất vũ khí hàng đầu nước này là Kalashnikov Concern, “cái nôi” của các dòng súng trường AK nổi tiếng. Thông số kỹ thuật và thiết kế cụ thể chưa được tiết lộ nhưng Triton được kỳ vọng sẽ trở thành át chủ bài mới của hải quân Nga trong lĩnh vực trinh sát và chống ngầm nhờ được trang bị 2 loại thiết bị bay không người lái (UAV) mang tên ZALA 421-08 và ZALA 421-21.
Các chuyên gia của Kalashnikov Concern cho biết nhờ kích thước nhỏ gọn nhưng tầm hoạt động rộng và được trang bị thiết bị theo dõi tối tân, sau khi cất cánh từ boong tàu Triton, các UAV có thể vừa tránh thoát radar địch vừa định vị tàu ngầm để truyền thông tin hình trực tiếp về tàu. Chưa hết, đội ngũ phát triển dự án còn hướng tới trang bị thêm cho Triton các loại UAV có khả năng chiến đấu như phóng tên lửa hoặc tấn công cảm tử để có thể áp đảo tàu đối phương bằng chiến thuật bầy đàn.
Bản thân con tàu cũng được trang bị hệ thống camera, sonar và cảm biến hiện đại để phát hiện tàu ngầm. Về vũ khí, theo thiết kế sơ bộ thì trước mắt tàu chỉ mới gắn súng PKT 7,62 mm nhưng trong tương lai, chắc chắn Triton sẽ được vũ trang mạnh hơn. Cũng theo thiết kế hiện nay, con tàu có thể di chuyển trên quãng đường gần 1.400 km, chưa kể 30 km nối dài nếu tính luôn tầm hoạt động của UAV.
“Mục tiêu của chúng tôi là tích hợp tàu robot và UAV thành một chỉnh thể có khả năng tự tuần tra vùng duyên hải và tham gia tự động vào các chiến dịch mà không cần sự can thiệp của con người”, Izvestia dẫn lời Giám đốc điều hành Kalashnikov Concern Aleksey Krivoruchko tuyên bố.
Dự án kỳ quặc
Vào thời cao trào của Chiến tranh lạnh hồi thập niên 1960, phương Tây cực kỳ e sợ sức mạnh tàu ngầm của Liên Xô, thể hiện qua hạm đội 300 chiếc diesel/điện, chưa kể thêm một số tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Hàng loạt cuộc nghiên cứu đổ dồn vào mục tiêu vô hiệu hóa khả năng hoạt động êm tới gần như “vô hình” của tàu ngầm Liên Xô và một nhóm chuyên gia Canada đưa ra ý tưởng nghe qua thì rất khả quan.
Theo chuyên san The National Interest, họ thiết kế từng chùm nam châm thả xuống biển bằng máy bay để mai phục sẵn. Khi tàu ngầm đi qua, nam châm sẽ bị hút vào thân tàu, tạo ra những tiếng va đập lớn đủ để báo động cho các hệ thống cảm biến.
Năm 1962, NATO tổ chức tập trận để thử nghiệm hệ thống này và mục tiêu được chọn là tàu ngầm HMS Auriga của Anh. Đúng như kịch bản, nam châm đập ầm ĩ vào thân tàu và làm lộ hành tung ngay lập tức. Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh khi những chùm nam châm tiếp tục trượt đến những chỗ hõm, đường rãnh trên thân HMS Auriga, bám chặt ở đó khiến con tàu không thể tiếp tục hoạt động cho tới khi được kéo về cảng.
Sau khi mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tháo hết “những kẻ phá bĩnh” bám quanh tàu, NATO nhận ra rằng nam châm không biết phân biệt đâu là tàu ngầm Liên Xô, đâu là “người nhà”. Việc triển khai kế hoạch tỏ ra quá rắc rối nên cuối cùng NATO quyết định hủy bỏ dự án.
Kiều Oanh
Theo thanhnien.vn