Trung Quốc và ASEAN đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận hải quân đầu tiên; Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Nga, Mỹ và Trung Quốc; tàu sân bay Mỹ Theodore Rooservelt tới châu Á - TBD... là những tin tức nóng nhất về Biển Đông.
Vì sao Đông Nam Á chưa thể hợp sức ngăn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông?
- Cập nhật : 21/03/2017
Bất đồng quan điểm hợp tác đảm bảo quyền tự do hàng hải cùng những tuyên bố chủ quyền đảo và vùng biển chồng lấn đang ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á đồng lòng ngăn chặn Trung Quốc mở rộng bành trướng ở Biển Đông.
Theo Viện Nghiên cứu Lowy ở Australia, trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cân nhắc các giải pháp đối phó với những thách thức chiến lược mà Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông, Mỹ cũng đang phải đau đầu giải quyết mớ rắc rối pháp lý, chính trị liên quan tới quyền tự do hàng hải.
Trong khi đó, những bất đồng quan điểm về tự do hàng hải và hàng không ở Đông Nam Á cũng đang cản trở các nước hợp sức cũng như nhận thêm được sự hỗ trợ để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.
Trung Quốc đã không ít lần ngăn cản hoặc tiếp cận lực lượng máy bay và tàu thuyền của Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (của Việt Nam) ở Biển Đông. Mặc dù, Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra này là nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và tuân thủ quy định của Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) song Trung Quốc vẫn lên tiếng chỉ trích và khẳng định đây là hành động phi pháp.
Hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông chưa thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục mở rộng bành trướng chủ quyền.
Kể từ tháng 10/2015, Mỹ đã tiến hành 4 cuộc tuần tra ở Biển Đông. Nhưng theo giới chuyên gia, hoạt động tuần tra của Mỹ chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi khi mà Trung Quốc vẫn tiếp tục xây đảo nhân tạo trái phép. Nhiều báo cáo còn chỉ ra rằng Trung Quốc đang có ý định sửa đổi luật để tăng thêm các rào cản ngăn lực lượng tàu chiến nước ngoài "không mời mà đến" vùng lãnh hải mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Hồi tháng 7/2016, Tòa trọng tài quốc tế tại The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông song Bắc Kinh vẫn ngang nhiên phủ nhận tuân thủ phán quyết. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa nguôi tham vọng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Theo Viện Lowy, không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia Đông Nam Á vẫn tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông. Nói cách khác, hoạt động tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông không chỉ thách thức Trung Quốc mà còn cả một số quốc gia Đông Nam Á.
Ngoài Singapore và Brunei, các nước lớn hay nhỏ ở Đông Nam Á đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Về phần mình, Singapore cho rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản ở Biển Đông. Do đó, đảo quốc này cũng nhanh chóng rút lui tham gia tuần tra cùng với Mỹ.
Trong khi đó, giống như Philippines, Indonesia cũng là một quốc đảo. Theo quy định của UNCLOS, các quốc đảo hoàn toàn không giới hạn hoạt động tiếp cận của các tàu thuyền và máy bay hoạt động trên các tuyến biển bao quanh. Song cả Jakarta và Manila chỉ công nhận một phần của quy định này.
Liên quan tới hoạt động tuần tra ở Biển Đông gần đây của hải quân Mỹ, ban đầu Indonesia tỏ ra khá thờ ơ song vẫn lo ngại về hoạt động của quân đội nước ngoài bên trong khu vực lãnh hải quốc gia. Do đó, nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo mới đây đã thảo luận về hoạt động tuần tra ở Biển Đông với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull dù hai nước vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc. Lâu nay, Jakarta từng không ít lần cản trở các máy bay nước ngoài hoạt động trên không phận nước này kể cả máy bay phi dân sự. Còn hồi năm ngoái, Indonesia được cho có ý định thiết lập ADIZ quốc gia.
Tính tới nay, Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất chính thức có ADIZ. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, Manila lại không có máy bay thể giám sát các quy định ở ADIZ. Điều này có thể sẽ xảy ra tương tự nếu như Indonesia muốn lập ADIZ.
Điều đáng nói, một khi Indonesia thiết lập ADIZ, hành động này sẽ kéo theo những hệ lụy chính trị nghiêm trọng ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng của Indonesia trong đó có cả Australia cũng như tổn hại tới lợi ích lớn của Mỹ trong việc điều phối các chiến đấu cơ từ khu vực Bắc Australia. Nguy hiểm hơn, đây cũng sẽ là thời cơ để Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên toàn khu vực Biển Đông.
Trong khi đó, Singapore là một trong những quốc gia quan ngại nhiều nhất về những giới hạn tiềm năng liên quan tới hoạt động đi lại trên không và trên biển của các máy bay và tàu thuyền quân sự dưới sự áp đặt của Malaysia. Dù là một bên tham gia UNCLOS, Kuala Lumpur được cho vẫn thiết lập các quy định mập mờ về việc hạn chế hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia (EEZ) cũng như giới hạn hoạt động quân sự tiếp cận không phận nước này. Điều này không chỉ khiến Singapore mà còn cả các đối tác của Malaysia trong Thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) phải quan ngại. Bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là Australia, quốc gia thường xuyên thực hiện các chuyến bay trinh thám đường biển cũng như tham gia tập trận với FPDA kéo dài tới khu vực Biển Đông.
Theo Viện Lowy, Mỹ và các đối tác đang phải đối mặt với thách thức chồng chất thách thức trong nỗ lực tập hợp sự ủng hộ nhằm thiết lập một trật tự chung trong khu vực. Trật tự này sẽ chú trọng tới việc mở rộng hoạt động tiếp cận hàng không và hàng hải đối với các lực lượng quân sự nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á.
Nhưng dù có chung mối quan ngại về hoạt động mở rộng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, quan điểm của các nước Đông Nam Á vẫn bị chia rẽ trong hoạt động hợp tác đảm bảo quyền tự do hàng hải cũng như nỗi lo không nguôi từ sự can thiệp ngày càng lớn của các cường quốc hàng hải phương Tây. Một nguyên nhân khác còn là bởi các nước ven Biển Đông đều tuyên bố chủ quyền đảo và vùng biển chồng lấn nhau.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn