Tin Biển Đông

 
 
 

Vì sao thời kỳ 'trăng mật' của Trung Quốc - Hàn Quốc quá ngắn ngủi?

  • Cập nhật : 21/03/2017

Năm 2017 đánh dấu 25 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa Trung QuốcHàn Quốc. Thay vì các chuyến thăm cấp cao và các buổi lễ hoành tráng, lễ kỷ niệm năm nay đã bị “lu mờ” bởi những đối đầu và mâu thuẫn chưa từng có trong lịch sử hai nước.

Theo phân tích từ chuyên gia của Diplomat, từ quan điểm của Bắc Kinh, sự tụt dốc không phanh trong mối quan hệ song phương Trung – Hàn là kết quả từ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc tháng 7/2016 của cựu Tổng thống Park Geun-hye. Trong khi Seoul biện minh quyết định của mình bằng cách chỉ ra mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng thì Bắc Kinh cũng có lý do để phản đối việc triển khai này, đó là “sẽ gây tổn thất cho các lợi ích an ninh và chiến lược của các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nga, cũng như gây rối loạn cho sự cân bằng chiến lược trong khu vực”.

Và khi tin tức về việc Tập đoàn Lotte đồng ý nhường đất cho chính phủ để triển khai THAAD được đưa ra hôm 28/2 thì căng thẳng giữa hai nước lại có dịp bùng nổ. Tức giận trước động thái trên, một số hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Lotte trên toàn quốc. Tập đoàn này vốn đang đầu tư rất mạnh vào Trung Quốc. Thậm chí, một vị tướng trong quân đội Trung Quốc đã “thất vọng” đến mức đưa ra 10 biện pháp trả đũa Seoul đăng trên Thời báo Hoàn cầu, một trong số đó là tiến hành “tấn công trực tiếp” vào khu vực đặt THAAD.

trung quoc va han quoc vua trai qua hai nam quan he nong am truoc khi cang thang nhu hien nay. nguon: korea.net

Trung Quốc và Hàn Quốc vừa trải qua hai năm quan hệ nồng ấm trước khi căng thẳng như hiện nay. Nguồn: Korea.net

Thế nhưng, chưa đầy hai năm trước, rất nhiều quan chức và học giả Trung Quốc lại đang ăn mừng giai đoạn khởi đầu của “kỳ trăng mật hoàn toàn mới” trong mối quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc khi bà Park tham dự lễ duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn năm 2015, lãnh đạo duy nhất của đồng minh Trung Quốc có mặt tại sự kiện này.

Trong số 23 lãnh đạo quốc gia và chính phủ nước ngoài tham dự buổi lễ, bà Park là người duy nhất dùng bữa với Chủ tịch Tập Cận Bình sau buổi họp giữa hai nhà lãnh đạo và buổi hội đàm đó cũng đã kéo dài thời gian từ 20 phút dự kiến lên thành 30 phút. Thông thường những bữa tiệc trưa như vậy được dành cho nguyên thủ các nước như Nga và Mỹ, điều đó cho thấy sự tiếp đón của Bắc Kinh dành cho bà Park là một ngoại lệ đặc biệt.

Trong buổi lễ đó, Chủ tịch Trung Quốc đứng giữa với bên phải là Tổng thống Nga Putin và bên trái là Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi ba nhà lãnh đạo cùng bước lên lễ đài. Và khi theo dõi lễ diễu binh, bà Park đứng bên cạnh ông Putin, bên tay phải của ông Tập còn bên trái là các cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Thông điệp ngầm qua vị trí này đã được truyền tải, đó là quan hệ Bắc Kinh – Seoul đang trong thời kỳ đỉnh cao của lịch sử.

Thế nhưng, kỳ trăng mật mới giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại có tuổi thọ quá ngắn ngủi. Tại sao Bắc Kinh lại sẵn sàng “hy sinh” mối quan hệ với Seoul để ngăn chặn việc triển khai THAAD?

Kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã coi sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là một mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao gần một triệu binh lính Trung Quốc đã vượt sông Yalu năm 1950 để chiến đấu chống lại các lực lượng Hoa Kỳ. Về THAAD, nhiều người Trung Quốc coi đây là “một bước quan trọng để Mỹ xây dựng một NATO phiên bản châu Á, đồng thời là bước tiến trọng yếu để Mỹ phát triển một hệ thống phòng vệ tên lửa ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương”.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng việc triển khai THAAD có thể chuyển thế cân bằng chiến lược sang cán cân của Washington khi hệ thống này giúp cảnh báo sớm và theo dõi các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh dường như có lý lẽ để biện minh cho sự phản đối của mình.

Thay vì đối đầu trực tiếp với Washington, Bắc Kinh lại chuốc sự phẫn nộ của mình lên Seoul. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang chơi trò chơi “giết gà” (Hàn Quốc) để “dọa khỉ” (Mỹ). Nhưng liệu “con gà” này có đáng bị giết? Và hậu quả của việc đó là gì? Liệu tiêu diệt “con gà” có thực sự khiến “con khỉ” sợ hãi được không?

Phải mất đến 25 năm quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc mới đạt được thành tựu như bây giờ: 350 tỷ USD thặng dư thương mại song phương cùng với dòng chảy của hàng triệu người dân di chuyển qua biên giới hai nước. Việc đảo ngược mối quan hệ này, dù chỉ là tạm thời, cũng sẽ gây một tổn thất không thể đo đếm được cho cả hai nước, dù Seoul có thể phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hơn Bắc Kinh.

Thêm vào đó, việc thay đổi quan hệ như vậy sẽ đẩy Seoul lại gần Washington và Tokyo, một viễn cảnh mà cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều không thực sự muốn. Quyết định tham gia sự kiện năm 2015 của bà Park cho thấy “quyết tâm của bà là tìm kiếm một mối quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh đồng thời tách Seoul khỏi Washington và Tokyo”.

Cuối cùng, quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh đối với Seoul hiện nay không chỉ là tín hiệu gửi tới Washington mà còn đồng thời “đánh tiếng” cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á về một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, kết quả sau nhiều năm nỗ lực gặt hái “mối quan hệ hàng xóm tốt, hợp tác thân thiện” với các nước láng giềng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh mềm cũng như thuyết phục quốc tế về sự trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh chắc chắn sẽ không thể nhanh chóng “đổ hết xuống sông xuống bể”.

Gần 200.000 binh lính Trung Quốc thiệt mạng trong một cuộc chiến mà Bắc Kinh ra mặt giúp Bình Nhưỡng, song sự hy sinh và tình bạn này của Trung Quốc lại được đền đáp bằng sự vô ơn và tức giận. Với mối quan hệ ngoại giao nảy sinh mâu thuẫn như hiện nay giữa Bắc Kinh và Seoul thì dường như Bình Nhưỡng lại một lần nữa là người giành phần thắng lớn nhất. Đây được xem là sự “châm biếm” đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Lịch sự đang lặp lại và đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi tại sao.

Tuệ Minh (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục