Chính sách ngoại giao thực dụng của ông Donald Trump hay thay đổi, thiếu nhất quán và khó dự đoán - cách làm "không thống nhất" này rất nguy hiểm, bởi vì mọi người sẽ không còn tin vào lời bạn nói
Sức mạnh năng lượng trong chính sách đối ngoại của Mỹ
- Cập nhật : 22/03/2017
Dường như không phải ngẫu nhiên mà cựu thống đốc bang nhiều dầu đá phiến Texas được chọn làm Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và cựu Tổng giám đốc tập đoàn dầu Exxon Mobil được chọn làm Ngoại trưởng.
Đề cử các ông Rick Perry và Rex Tillerson vào hai vị trí Bộ trưởng Năng lượng và Ngoại trưởng được Thượng viện Mỹ xác nhận trong bối cảnh Mỹ đã nổi lên là một siêu cường năng lượng, là một nhà sản xuất dầu và khí đốt toàn cầu hàng đầu.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây có khả năng củng cố năng lực năng lượng để làm lợi cho nền kinh tế và thu được lợi ích ngoại giao có ý nghĩa.
Về mặt lý thuyết, kinh nghiệm của ông Tillerson trên thị trường năng lượng toàn cầu là một tài sản đáng kể để đạt được những mục tiêu trên. Tương tự, hiểu biết của ông Perry về ngành năng lượng Mỹ khi còn là thống đốc bang Texas sẽ là một tài sản hữu ích trong hỗ trợ thực thi chính sách năng lượng Mỹ.
Tuy nhiên, với phương châm “Nước Mỹ trên hết” trong nguyên tắc chính sách đối ngoại và thông báo một kế hoạch năng lượng “Nước Mỹ trên hết”, liệu chính quyền ông Trump có sẵn sàng dẫn đầu toàn cầu và tận dụng tiềm năng ngoại giao của ngành năng lượng Mỹ để mang lại lợi ích cho Mỹ và đồng minh? Liệu chính quyền Mỹ có sẵn sàng áp dụng một chiến lược ngoại giao năng lượng mới và táo bạo để kiềm chế đối thủ?
Vị trí thống lĩnh
Vị trí của các thị trường năng lượng toàn cầu và ngành năng lượng Mỹ đã rất khác kể từ khi ông Barack Obama nhậm chức năm 2009. Sau một cuộc cạnh tranh gay gắt từ những năm 1980, Mỹ đã vượt qua Nga trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới năm 2011. Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới năm 2014.
Vị trí thống trị đó trong ngành năng lượng toàn cầu không phải đến với Mỹ một sớm một chiều. Thực tế mới của ngành cho thấy có nhiều thay đổi lớn quy mô toàn cầu. Đây là những thay đổi hiển nhiên trong quá trình chuyển đổi của các thị trường khí đốt.
Kể từ giữa những năm 2000, cuộc cách mạng đá phiến ở Bắc Mỹ đã mở ra một cuộc khai thác tài nguyên khí đốt và dầu phi truyền thống. Cuộc cách mạng đá phiến đã thúc đẩy sản xuất khí đốt nội địa Mỹ tăng hơn 1/3, đạt hơn 790 tỷ mét khối năm 2016. Trong 16 năm qua, khí đốt đá phiến đã tăng mạnh, từ chỗ chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng sản lượng khí đốt Mỹ lên hơn 50% hiện nay.
Việc kinh doanh khí đốt hóa lỏng và việc xây cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt ngày càng tăng trên toàn cầu đã thúc đẩy thị trường khí đốt thế giới phát triển. Mặc dù khí đốt từng là tài nguyên bị chính trị hóa, phụ thuộc vào các đường ống trên mặt đất để vận chuyển nhưng nhiên liệu này ngày càng được hóa lỏng nhiều hơn, có thể vận chuyển bằng tàu biển trên khắp toàn cầu.
Số quốc gia xuất, nhập khí đốt hóa lỏng ngày càng tăng nên việc giao thương mặt hàng này đã đạt mức cao mọi thời đại: 270 triệu tấn năm 2016 và khối lượng giao dịch năm 2016 dự báo sẽ còn lớn hơn.
Điều nổi bật nhất là khi quá trình sản xuất khí đốt ở Mỹ bùng nổ, xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ đã vươn lên tầm cỡ toàn cầu năm 2016.
Điều này khác hẳn với những năm 2000 khi mà các chuyên gia chính sách và công ty năng lượng lo lắng về an ninh năng lượng Mỹ và tăng tốc nhập khẩu khí đốt. Sản xuất và xuất khẩu dầu đá phiến của Mỹ cũng khả quan, thậm chí là trong bối cảnh môi trường giá năng lượng thấp như vài năm qua.
Sắp tới, có hàng chục dự án xuất khẩu khí đốt hóa lỏng nữa đang chờ được phê duyệt.
Địa chính trị năng lượng
Thị trường khí đốt thay đổi đang tạo ra những bước chuyển mới đối với tình hình địa chính trị năng lượng. Quyền lực của các nhà cung cấp độc quyền một thời như Nga đang giảm dần, trong khi quyền lực của các nước nhập khẩu như các nước châu Âu lại tăng lên.
Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích khi đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong nước và có khả năng xuất khẩu cho các đồng minh dễ bị tổn thương về năng lượng ở Liên minh châu Âu, từ đó giúp các nước này không phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump hi vọng cải thiện quan hệ với Nga, hiện chưa rõ chính quyền của ông có ưu tiên giành thị phần với tập đoàn Gazprom của Nga hay không. Cạnh tranh lợi ích năng lượng giữa Nga và Mỹ có thể làm tiêu tan hi vọng cải thiện quan hệ hai nước.
Trong khi đó, tại thị trường châu Á, vị thế của năng lượng Mỹ chưa được khẳng định, nhất là khi ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước có tiềm năng lớn tiêu thụ khí đốt hóa lỏng của Mỹ.
Bối cảnh này có ý nghĩa gì đối với Mỹ và chính sách đối ngoại mới của Mỹ? Ngoại trưởng Tillerson đã nói trong phiên điều trần tại Thượng viện: “Mỹ vẫn giữ mọi quân bài. Chúng tôi chỉ cần lật chúng trên bàn”.
Nếu chính quyền của ông Trump cùng ông Tillerson cũng như Perry khéo léo với quân bài năng lượng, Mỹ có thể giúp các đồng minh châu Âu, kiềm chế các đối thủ như Nga mà lại làm lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
Để điều đó xảy ra, Mỹ phải củng cố vị trí là nhân tố dẫn đầu thị trường năng lượng toàn cầu, thúc đẩy dòng chảy khí đốt minh bạch, an toàn.
Theo tạp chí National Interest, chính quyền Trump và Bộ Năng lượng Mỹ cần phải tận dụng sức mạnh năng lượng mới có và vai trò quan trọng của khí đốt và khí đốt hóa lỏng trong những thập kỷ tới và nhìn vào tương lai xa. Vai trò của các nguồn năng lượng phi hóa thạch sẽ tăng nhờ thay đổi thị trường, công nghệ và biến đổi khí hậu. Khi đó, Mỹ sẽ có mọi cơ hội để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về năng lượng.
Cách tiếp cận này sẽ tăng cường lợi ích chính trị và kinh tế cho Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump và những năm tới.
Thùy Dương/Báo Tin Tức