Tin Biển Đông

 
 
 

Lý do Trung Quốc sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải

  • Cập nhật : 23/03/2017

Chiến dịch dài hơi của Trung Quốc nhằm biến Biển Đông thành lãnh thổ của mình đang được tiến hành khẩn trương. Vì vậy, những quốc gia tôn trọng quyền tự do hàng hải cần bác bỏ chiến dịch này dưới mọi hình thức.

 

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh có kế hoạch sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải (1984) để trao quyền cho giới chức biển của nước này được phép "xác định các khu vực cụ thể và tạm thời ngăn không cho các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của Trung Quốc nếu phát hiện các tàu này có thể ảnh hưởng tới an ninh và trật tự hàng hải". Dự thảo luật sửa đổi bổ sung thêm quy định: các tàu lặn nước ngoài đi qua "vùng biển của Trung Quốc" phải nổi lên mặt nước và cho thấy quốc kỳ để xác định danh tính.

Trung Quốc đang cố gắng thực hiện tham vọng biến Biển Đông thành "lãnh hải của Trung Quốc". Văn phòng lập pháp của Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục tuyên bố rằng những sửa đổi đó phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - thường được gọi là một "Hiến pháp về Đại dương". Ví dụ, Điều 20 của UNCLOS nói rõ: "Trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện dưới nước khác phải nổi lên mặt nước và cho thấy quốc kỳ của mình". Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại phải kết nối với luật nội bộ? Có hai khả năng: Một là, Trung Quốc đang thực hiện một thay đổi nhỏ để luật trong nước phù hợp với luật biển; Hai là, Bắc Kinh có động cơ ẩn chứa. Nếu khả năng đầu tiên xảy ra, đó chỉ là hoạt động bình thường. Nhưng nếu khả năng thứ hai xảy ra thì có nghĩa Bắc Kinh đang thực hiện thêm một nỗ lực nữa nhằm mở rộng lãnh hải của mình thông qua "cuộc chiến pháp lý". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dùng chiếc mặt nạ an toàn hàng hải để thực hiện chiến lược mở rộng trên biển.

Trường hợp thứ hai là "rất có khả năng xảy ra" và chìa khóa giải quyết vấn đề là phải hiểu được các động cơ của Bắc Kinh. Ý định của Trung Quốc đã được định hình trong những năm gần đây rằng: tất cả mọi thứ đều hướng đến mục đích chính trị. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng pháp luật để có được vùng lãnh hải 12 hải lý.

Vậy Trung Quốc sẽ làm gì? Trung Quốc có thể áp dụng pháp luật này trên các vùng biển xung quanh các đá mà nước này đã xây dựng các tiền đồn kiên cố, thậm chí bất chấp việc các thực thể này (theo công ước) không có lãnh hải. Bên cạnh đó, việc nạo vét cải tạo đáy biển cũng là hoạt động bất hợp pháp. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cố gắng thực thi pháp luật trên khắp Biển Đông, và có lẽ ở những nơi khác nữa trong Biển Đông. Nếu Bắc Kinh không có biểu hiện gì thay đổi ý định này, dư luận nên coi động thái mới nhất này của Trung Quốc là một nỗ lực để áp dụng luật trong nước của Trung Quốc trên khắp các vùng biển và bầu trời bên trong yêu sách "Đường 9 đoạn". Do đó, việc sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải chính là phần nhỏ trong một nỗ lực lớn hơn để "bãi bỏ" chứ không phải "củng cố" luật biển trong một khu vực chiếm tới 80-90% đường thủy quan trọng trên thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ biến khu vực Biển Đông - vùng biển chung, các vùng đặc quyền kinh tế - thành lãnh hải của mình.

Sau cùng, nếu Trung Quốc tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với "Đường 9 đoạn", như người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này không ngừng khẳng định, thì họ sẽ nói rằng Trung Quốc mới chính là người đưa ra luật tại đây. Tạo ra quy tắc để thu phục người khác là điều mà các vua chúa ngày xưa vẫn làm nhưng dùng luật biển để phá vỡ luật là một chiêu trò và chiến thuật này sẽ không chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng quy tắc an toàn hàng hải này áp dụng cho giao thông trong vùng biển chồng lấn ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nếu Bắc Kinh coi quần đảo này là tài sản hợp pháp của mình - mặc dù Nhật Bản đã kiểm soát đảo này từ rất lâu - thì có nghĩa rằng thẩm quyền của Trung Quốc mở rộng tới đây.

Vậy các nước liên quan cần làm gì? Trước hết các nước phải xác định được mục đích của Trung Quốc bởi không loại trừ các động thái này của Bắc Kinh là để thúc đẩy một chương trình nghị sự lớn hơn. Chính phủ các nước phải thường xuyên hành động như: theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, thận trọng để không vô tình tiếp tay cho Trung Quốc xâm lấn vùng biển chung rộng lớn này.

Thứ hai, các nước sẽ không ủng hộ Trung Quốc khi nước này vẫn tiếp tục việc mở rộng yêu sách biển làm tổn hại tới lợi ích của các bên khác. Bên cạnh đó, các nước cần gây sức ép để Bắc Kinh duy trì và kéo dài những cam kết quốc tế của họ "càng lâu càng tốt", buộc nước này phải xóa bỏ yêu sách "Đường 9 đoạn" vô lý trên bản đồ, tự nguyện tuân theo luật biển và ngừng yêu sách chủ quyền các vùng biển chung.

Thứ ba, giải pháp cho vấn đề này không nhất thiết phải xuất phát từ Bắc Kinh. Thật vậy, các nước có thể phớt lờ những yêu cầu này và tránh thể hiện ra ngoài là chấp nhận các luật đó. Bên cạnh đó, các nước cần cảnh giác và quyết tâm giữ vững quyền tự do trên biển. Giữ gìn quyền tự do sử dụng tài sản chung trên biển là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong vùng biển ở châu Á và điều này cũng cần trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia sử dụng vùng biển này.

Tác giả là Giáo sư James Holmes, nhà nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Hải chiến Mỹ. Bài viết đăng trên Tạp chí “National Interest”.

Hương Trà (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục