Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố
Theo Sputnik, trong những ngày gần đây, lãnh đạo của một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đưa ra những tuyên bố về tình hình an ninh khu vực..
Thủ tướng Thái Lan và Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Philippines đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo họ, tự do hàng hải là nền tảng cho sự thịnh vượng và hòa bình trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh nước này bác bỏ cái gọi là "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Và Bộ trưởng Tư pháp Philippines nói thêm rằng, nước ông có thể nối lại quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch xây dựng phi pháp một trạm radar trên bãi cạn Scarborough.
Trả lời phỏng vấn của hãng Sputnik, nhà chính trị học Nga, GS.TS Vladimir Kolotov là Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, bình luận về vấn đề này như sau:
"Rõ ràng là, cuộc cạnh tranh về địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đã bước vào giai đoạn mới. Điều đáng chú ý là các ông lãnh đạo mà chúng tôi vừa nói ở trên đều là đại diện của các nước có căn cứ quân sự Mỹ hoặc thuộc ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ đang tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Australia, còn Trung Quốc bố trí các tiền đồn trên các hòn đảo và rạn san hô, kể cả trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng cách xa bờ biển Trung Quốc. Hiện nay đây là loạt trạm radar, nhưng sau đó chắc chắn sẽ xuất hiện các tên lửa đánh chặn. Tình hình diễn biến rất đáng lo ngại, ở đây nói về việc "chia sẻ lại" vùng ảnh hưởng".
Theo giáo sư Kolotov, đáng tiếc trong tình hình hiện nay, các nước ASEAN biểu hiện sự yếu kém trong chính sách của mình. Họ cố gắng tổ chức những cuộc đàm phán song phương, một số nước với Trung Quốc, những nước khác với Mỹ, có cả những nước đang đàm phán với cả hai cường quốc. Đã từ lâu Trung Quốc khuyến nghị rằng, các thành viên ASEAN nên giải quyết các tranh chấp bằng định dạng song phương.
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận
Bây giờ cả chính quyền ông Trump cũng nghiêng về phía đàm phán song phương. Sau khi từ bỏ bất kỳ sơ đồ khối, và ngay cả dự án TPP được coi là "con đẻ" của chính quyền cũ, Washington bắt đầu gây sức ép với từng nước ASEAN riêng rẽ. Trong điều kiện này, không có khả năng khiến nước khác quan tâm về quyền lợi của các thành viên Hiệp hội. Họ ở thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc.
Giáo sư Kolotov tin chắc rằng, điều duy nhất có thể mang lại những thay đổi tích cực cho ASEAN, là phương châm của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã qua thử thách của lịch sử: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết". Chỉ có sự đoàn kết của các nước trong khu vực, đặc biệt các thành viên ASEAN, một mặt trận thống nhất đối phó với những tham vọng của cả Trung quốc và Mỹ, mới có thể giúp các nước này ngăn chặn kịch bản nguy hiểm, đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Nếu không có sự đoàn kết thì trong tương lai Trung Quốc và Mỹ sẽ chỉ đơn giản xé lẻ bản đồ chính trị của ASEAN, bởi vì hai cường quốc này thường giải quyết các vấn đề của mình trên lưng các quốc gia bé nhỏ.
An Công
Theo Viettimes.vn