Vấn đề biển Đông trở thành chủ đề nóng trong cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Canberra ngày 24-3.
Ông Trump lơ Úc, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi'
- Cập nhật : 25/03/2017
Chuyến công du đến Úc của ông Lý Khắc Cường nhằm gửi thông điệp: Bắc Kinh mới là ngọn cờ đầu của thương mại tự do.
Ngày 22-3, Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lý Khắc Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức Úc kéo dài năm ngày. Mục đích chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và mở rộng thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước, đặc biệt là tập trung vào tuyến đường thương mại mang tên “Một vành đai, một con đường” mà nước này đang ráo riết thúc đẩy thành lập.
Sức cám dỗ của Bắc Kinh
Theo ABC News, để lôi kéo đồng minh thương mại, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã dẫn theo một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp hùng hậu nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Úc và mở rộng thỏa thuận tự do thương mại song phương.
Theo ABC News, trong một cuộc họp báo trước chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Trịnh Trạch Quang dành phần lớn thời gian của mình để nói về “cơ hội tuyệt vời” cho Úc trên phương diện kinh tế. Ông Trịnh “nhẹ nhàng nhắc nhở” các nhà báo rằng tốt nhất Úc không nên đề cập vấn đề biển Đông hay những vấn đề nhạy cảm của TQ trong chuyến thăm của ông Lý. Mặt khác, để chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã gặp người đồng cấp Úc Julie Bishop hồi đầu tháng này.
Úc được coi là một trong những mắt xích quan trọng của tuyến đường thương mại đầy tham vọng “Một vành đai, một con đường” của TQ. Tuy nhiên, Canberra đã nhiều lần từ chối tham gia.
CNBC ngày 22-3 dẫn ý kiến ông Merriden Varrall, Giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Lowy, cho biết ông Lý Khắc Cường có thể sẽ tận dụng chuyến đi này để làm rõ một số thắc mắc. “TQ bối rối tại sao Úc lại thận trọng với các dự án đầu tư của họ. Và họ cũng sẽ cố làm rõ liệu điều đó là do Úc lo ngại về sự cải cách kinh tế của TQ hay vì Canberra đang bị Mỹ gây sức ép để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh” - ông Varrall nói.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải). Ảnh: SMH
Úc sẽ ngã lòng?
Việc cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh luôn là một thách thức cho Canberra trong nhiều năm sắp tới, CNBC đánh giá. Nhiều năm qua, Úc đã làm tốt vai trò là bên ủng hộ nhiệt thành chính sách quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhưng cũng song song phát triển quan hệ kinh tế với TQ. Tuy nhiên, cuộc gọi đầy căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hồi tháng 1 có thể khiến Canberra cân nhắc lại và xích lại gần TQ hơn.
Trả lời Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), ông John Blaxland, giáo sư về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương tại ĐH Quốc gia Úc, cho rằng Canberra dù còn miễn cưỡng thay đổi quan hệ với Washington nhưng “hành vi bất thường của ông Trump đã làm cho các nhà hoạch định chính sách Úc không hài lòng”. Ông cũng đánh giá sức ép từ chính phủ Trump đã gây tổn hại tới lợi ích của Úc ở châu Á và sẽ là phép thử “liều cao” cho quan hệ hai nước.
Xu Liping, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Học viện Khoa học xã hội TQ, nhận định: “Úc trong quá khứ đã quá phụ thuộc Mỹ. Nước này cần thay đổi chính sách một chiều này để sao cho phù hợp với lợi ích của Úc”. Còn theo CNBC, Úc không thể mạo hiểm ủng hộ Mỹ nhưng lại trả giá bằng mối quan hệ với TQ.
“Có đặt vũ khí nhưng không quân sự hóa biển Đông”
Phát biểu ngày 24-3, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường nhấn mạnh TQ không quân sự hóa biển Đông, mặc dù ông thừa nhận rằng TQ có thể đặt thiết bị quốc phòng trên các đảo tranh chấp nhưng chỉ để duy trì “tự do hàng hải”, theo Reuters.
“Các cơ sở xây dựng của TQ, trên các đảo và bãi đá, chủ yếu được dùng cho mục đích dân sự và thậm chí nếu có một số lượng cơ sở hay thiết bị quốc phòng nào đó tại đây, chúng sẽ chỉ được dùng cho mục đích duy trì tự do hàng hải” - ông Lý nói trước các PV ngày 24-3 trong khuôn khổ chuyến thăm Úc.
BẢO ANH
“Bắc Kinh chưa có bước đi đáng kể để can thiệp quan hệ Mỹ-Úc nhưng đang tìm cơ hội để gây chia rẽ hai đồng minh này” - Ashley Townshend, Trung tâm nghiên cứu về Mỹ của ĐH Sydney.
NGỌC NHƯ
Theo Plo.vn