Việc Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay đã cho thấy sự khéo léo trong chính sách đối ngoại của Moscow.
Trong những ngày gần đây, tình hình trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày. Xét cả lời nói cũng như quyết tâm hành động của các bên có liên quan, có thể thấy nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên là hiện hữu.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới nguy cơ chiến tranh Mỹ và Triều Tiên
Như đã biết, cuộc chiến tranh Triều Tiên do Mỹ gây ra vào ngày 25/6/1950 và kết thúc bằng Hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953. Do Mỹ từ chối ký Hiệp định hòa bình, nên xét về bản chất, cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc kể từ năm 1953 tới nay.
Cũng từ đó, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền. Chính quyền CHDCND Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) kiểm soát phần lãnh thổ phía bắc, đã lựa chọn con đường phát triển theo mô hình chủ nghĩa xã hội, còn Cộng hòa Hàn Quốc kiểm soát phần lãnh thổ phía nam lựa chọn con đường phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản và trở thành đồng minh then chốt của Mỹ.
Do chiến tranh chưa kết thúc, nên Học thuyết quân sự của Triều Tiên xác định Mỹ là kẻ thù và là đối tượng tác chiến số 1. Học thuyết này còn xác định, do không thể giành chiến thắng trước một đối thủ như Mỹ nên phương thức tốt nhất là ngăn chặn chiến tranh xâm lược bằng cách đe dọa gây thiệt hại lớn nhất, khiến đối phương phải từ bỏ ý đồ phát động chiến tranh xâm lược.
Theo Học thuyết quân sự của Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là phương tiện răn đe có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, Triều Tiên không biết rằng, chiến lược răn đe của Liên Xô và Mỹ dựa trên nguyên tắc bảo đảm tiêu diệt lẫn nhau nên không bên nào dám chủ động gây hấn đối với phía bên kia. Còn Triều Tiên chỉ có khả năng răn đe nhưng không có khả năng bảo đảm tiêu diệt nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Do đó, Mỹ hoàn toàn có thể gây hấn với Triều Tiên nhưng không sợ bị tấn công trả đũa.
Vì thế, Học thuyết quân sự Triều Tiên đề ra chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân làm công cụ răn đe, theo đó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt nền kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản-hai đồng minh then chốt của Mỹ ở Đông Bắc Á. Giới lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, Mỹ lo sợ các đồng minh của họ bị tấn công hạt nhân nên sẽ không dám gây hấn với Triều Tiên. Đây chính là khiếm khuyết chí tử trong Học thuyết quân sự của Triều Tiên bởi, đối với Mỹ, lợi ích quốc gia là trên hết, là số 1, là vĩnh viễn, còn đồng minh chỉ là tạm thời. Do đó, Mỹ sẵn sàng hy sinh đồng minh để đạt mục đích chiến lược. Việc Triều Tiên đe dọa tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc hay Nhật Bản không thể làm nản lòng và ý chí của Mỹ gây chiến tranh ở Đông Bắc Á.
Mỹ theo đuổi lợi ích gì ở CHDCND Triều Tiên?
Mỹ cần và muốn biến Triều Tiên thành kho thuốc súng, đến khi cần sẽ đe dọa cho phát nổ để tàn phá toàn bộ khu vực Đông Bắc Á, trước hết là nhằm vào Trung Quốc-đối thủ lớn nhất của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược không chỉ ở châu Á mà cả trên thế giới. Chính vì thế mà Mỹ tạm “đóng băng” cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên và không ký Hiệp ước hòa bình sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
CHDCND Triều Tiên đã năm lần bảy lượt đề nghị Mỹ ký Hiệp ước hòa bình để đổi lấy việc họ ngừng phát triển vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ không chấp nhận. Thế là, trong một thời gian dài Mỹ gần như im lặng để mặc cho Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Đã có một thời gian Triều Tiên ký kết thỏa thuận tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng Washington không chỉ lần lữa trong việc thực hiện thỏa thuận này, mà còn xếp Triều Tiên vào danh mục các nước nằm trong “trục ma quỷ” hoặc “trục tội ác”, đe dọa lật đổ chính thể của Triều Tiên. Và thế là, Triều Tiên lại phải tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
Còn Mỹ gần như bỏ mặc cho Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân tới mức đủ sức xóa sổ các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á và có thể tàn phá Trung Quốc tới mức nghiêm trọng. Đến lúc này, Washington bắt đầu tìm cách châm ngòi cho Học thuyết quân sự của Triều Tiên phát huy hiệu quả trong thực tế.
Cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ đi tới đâu?
Căn cứ vào tuyên bố chính thức của chính giới Mỹ, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như thế trận đã dàn sẵn ở Đông Bắc Á thì Mỹ sẽ sẵn sàng dùng vũ khí thông thường công nghệ cao như tên lửa hành trình Tomahawk, tấn công Triều Tiên. Còn Triều Tiên tuyên bố, chỉ cần 1 quả tên lửa của Mỹ chạm tới lãnh thổ của họ thì Bình Nhưỡng sẽ giáng đón tấn công hạt nhân vào các đồng minh của Mỹ.
Trong tình thế hiện nay, Triều Tiên có hai sự lựa chọn: đầu hàng hay chiến tranh. Cả hai sự lựa chọn này, Triều Tiên đều rơi vào thế “sống dở chết dở”. Đầu hàng thì Mỹ sẽ thống nhất Triều Tiên theo mô hình Hàn Quốc. Còn nếu chọn chiến tranh thì không chỉ Triều Tiên mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nguy khốn. Mỹ cũng chẳng ngán gì chuyện để cho Hàn Quốc và Nhật Bản “chịu trận” nếu nhớ lại chuyện Mỹ đã từng ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945-một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.
Hơn nữa, nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc để đáp trả hành động gây hấn của Mỹ, thì Trung Quốc và cả Nga nữa cũng phải gánh chịu thảm họa nhân đạo vô cùng thảm khốc. Tình trạng hoảng loạn sẽ bao trùm Trung Quốc. Còn nếu Trung Quốc đứng về phía Mỹ, phản đối Triều Tiên, thì họ cũng có thể bị Triều Tiên tấn công.
Để thực hiện kich bản này, Mỹ chỉ cần sử dụng 1 quả tên lửa Tomahawk! Và lịch sử đã chứng tỏ, Mỹ sẵn sàng làm điều đó.
Chỉ có một cách duy nhất để ngăn chặn kịch bản thảm họa khủng khiếp trên bán đảo Triều Tiên. Đó là, Trung Quốc cùng với Triều Tiên và cả thế giới thống nhất hành động để phản đối và ngăn cản Mỹ phóng Tomahawk. Thật đáng buồn là thế giới ngày nay khó lòng làm được điều đó. Thế giới đang bị chia rẽ, trong đó nhà nào cũng lo giữ lấy “cái niêu cơm” của nhà ấy. Chỉ có Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov vừa lên tiếng đề nghị Mỹ không nên gây hấn ở Triều Tiên như họ vừa gây hấn như cuộc không kích ở Syria ngày 7/4/2017.
Liên quan tới câu chuyện này, thiết nghĩ cần nhớ lại nội dung bài phát biểu của Tổng thống Nga V.Putin tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007: “Trong thế giới ngày nay, an ninh của tất cả các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, không thể để xẩy ra trường hợp một quốc gia nào đó hành động vì an ninh của mình mà gây thiệt hại đối với an ninh của các quốc gia khác”. Rất đáng tiếc là hàng ngày hàng giờ đang diễn ra chuyện một quốc gia nào đó bất chấp luật pháp quốc tế để can thiệp thô bạo vào an ninh và chủ quyền của các quốc gia khác, nhưng nhiều nước vẫn vô cảm một cách khó hiểu và đáng sợ. Họ không biết rằng, rồi một ngày nào đó, chính mình cũng có thể sẽ bị lâm vào tình cảnh tương tự.
Liệu có giải pháp hòa bình hay không?
Câu trả lời là “có”. Đó là Trung Quốc phải chấp nhận điều kiện trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ để Tổng thống Mỹ Donald Trump làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc cần sử dụng ảnh hưởng của mình buộc Triều Tiên chấm dứt các vụ thử vũ khí hạt nhân, nhưng đằng sau đó là Mỹ đang gây sức ép đối với Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại đã diễn ra giữa hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dùng “con bài nguy cơ chiến tranh cận kề” ở Triều Tiên để gây sức ép đối với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Ông Donald Trump gần như đã tung ra “tối hậu thư” với Trung Quốc: hoặc là nhượng bộ trong chiến tranh thương mại, hoặc là chiến tranh Triều Tiên.
Ông Donald Trump đã từng tuyên bố rằng, với các đối tác, ông “sẵn sàng đổ máu trên bàn đàm phán” để có được các hợp đồng béo bở! Vì thế, trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập tới mối liên hệ giữa chiến tranh thương mại giữa hai nước với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Sau cuộc gặp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Giữa Mỹ và Trung Quốc có 1000 nguyên nhân để hai nước hợp tác với nhau và không có 1 nguyên nhân nào cản trở quan hệ Trung-Mỹ”.
Vậy, liệu Trung Quốc và Mỹ có thỏa hiệp được với nhau hay không? Câu trả lời còn đang được soạn thảo sau các cánh cửa các cuộc đàm phán bí mật giữa Bắc Kinh và Washington và thế giới chỉ có thể được biết trong những ngày tới.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn