Philippines sẽ mở biên giới để Malaysia, Indonesia truy lùng khủng bố; Báo Mỹ: Nga không viển vông khi chế tạo MiG-41 bay Mach.4; Khói lửa bạo lực tại tây bắc Myanmar; Tiêm kích Su-30SM bắn hạ tên lửa hành trình
Vai trò của Indonesia trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
- Cập nhật : 22/04/2017
Về lâu dài, chỉ có phương thức ngoại giao nguyên tắc và bền bỉ của Indonesia mới có thể thúc đẩy những thay đổi lối hành xử của Trung Quốc. Đây cũng là cách để đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ và ổn định khu vực của Indonesia.
Những năm gần đây, việc Trung Quốc tích cực cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông đã khiến cho dư luận thế giới cũng như khu vực, trong đó có Indonesia rất quan ngại. Trong thế kỷ qua, Indonesia đã tìm cách đóng vai trò một nhà trung gian hòa giải trong các tranh chấp ở Biển Đông. Indonesia tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tổ chức các cuộc hội thảo về các vấn đề kỹ thuật cũng như những rào cản khác trong hợp tác. Những nỗ lực này của Indonesia là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, điều đó không thể theo kịp với những thách thức bắt nguồn từ các hành động của Trung Quốc hiện nay.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ giúp quốc gia này thực thi các yêu sách biển. Ví dụ như gây áp lực đối với những quốc gia có yêu sách khác để cho phép các đội tàu Trung Quốc đánh cá trong vùng biển đang tranh chấp hoặc hạn chế hoạt động của các tàu khảo sát nước ngoài trong vùng biển quốc tế.
Những hành động leo thang của Trung Quốc có liên quan đến an ninh của Indonesia. Sân bay mới của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa được xây dựng để chứa máy bay phản lực quân sự, cách lục địa Trung Quốc ở Hải Nam 1.000 km, nhưng chỉ cách lãnh thổ Indonesia (quần đảo Natuna) khoảng 750 km. Các hành động va chạm giữa các tàu cá của Trung Quốc, được các tàu hải cảnh hộ tống, với các lực lượng bảo vệ bờ biển của Indonesia trong vùng biển thuộc quần đảo Natuna đã gia tăng trong thời gian gần đây khi các tàu cá Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển này.
Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi), Indonesia đã phản ứng lại những hành động này của Trung Quốc một cách mạnh mẽ, chẳng hạn như Indonesia tích cực củng cố căn cứ quân sự ở đảo Natuna Besar, tịch thu hai tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia hồi năm ngoái, thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna. Năm 2016, việc Tổng thống Jokowi hai lần đến thị sát quần đảo Natuna, động thái này cho thấy lập trường, quan điểm rõ ràng của Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với quần đảo Natuna.
Đây là những bước quan trọng giúp bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi biển của Indonesia trong ngắn hạn. Tuy nhiên, không rõ Indonesia sẽ thể hiện được sức mạnh của mình trong bao lâu khi Hải quân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ so với các lực lượng Hải quân nhỏ hơn của Indonesia. Hơn nữa, các biện pháp này của Indonesia sẽ khó có thể ngăn cản được các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với vấn đề Biển Đông luôn được mô tả bằng hình thức "vừa đàm vừa hành động", đây là chiến lược đã được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Orlando Mercado nêu ra cách đây hai thập niên.
Kể từ năm 2013 đến nay, người ta chứng kiến việc Trung Quốc hành động nhiều hơn là đàm phán. Trung Quốc đã tiến hành các hành động quyết đoán của mình, với một số nước ủng hộ chẳng hạn như Campuchia, để ngăn chặn những phản ứng của nhiều quốc gia thuộc. Lối hành xử của Bắc Kinh, phớt lờ luật pháp quốc tế và từ chối đàm phán một cách thiện chí việc giải quyết hòa bình các tranh chấp có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Như đánh giá của tác giả trong Báo cáo phân tích của Viện Lowy (bằng tiếng Anh và tiếng Indonesia), đã đến lúc Indonesia xác định các mối quan tâm của mình ở Biển Đông rộng hơn so với trước đây để không chỉ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia trong thời gian ngắn hạn mà còn để lãnh đạo khu vực đối phó với các hành vi của Trung Quốc về lâu dài. Indonesia không cần phải từ bỏ vị thế không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông, hoặc vai trò trung gian, quốc gia này cần đứng vững, cương quyết hơn để ủng hộ luật pháp quốc tế.
Tổng thống Jokowi và Bộ trưởng Ngoại giao Retno LP Marsudi có thể tái khẳng định quan điểm rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) và chấm dứt sử dụng yêu sách "Đường 9 đoạn". Làm như vậy sẽ giúp Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết, đấu tranh với các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người dân Indonesia có thể hỏi tại sao trách nhiệm này lại thuộc về họ. Họ cũng lo lắng làm như vậy sẽ dẫn đến nhận thức rằng Indonesia đang tranh thủ việc tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ. Indonesia có thể đứng sau và tạo thuận lợi để những nước ở tuyến đầu như Philippines và Việt Nam cũng như các cường quốc khác đi đầu trong những vấn đề này. Những cách làm hiện nay có thể dẫn đến những căng thẳng với Bắc Kinh trong ngắn hạn, Indonesia có thể tự quyết và hướng đến một khu vực ổn định và hòa bình hơn trong tương lai.
Hơn nữa, điều đó sẽ không trái với tinh thần của chính sách đối ngoại (độc lập và chủ động) mà Indonesia đã đề ra và thực hiện trong nhiều năm qua, đồng thời sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Indonesia trong ASEAN như họ đã từng làm trong nhiều năm qua. Về lâu dài, chỉ có phương thức ngoại giao có nguyên tắc và bền bỉ của Indonesia mới có thể thúc đẩy những thay đổi lối hành xử của Trung Quốc, đồng thời đây cũng là cách để đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ và ổn định khu vực của Indonesia.
Tác giả Aaron L. Connelly là nhà nghiên cứu thuộc Viện Lowy, Úc. Bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta”.
Anh Thư (gt)
Nguồn: nghiencuubiendong.vn