Tin Biển Đông

 
 
 

Indonesia triển khai F-16 ra Biển Đông để 'chống ăn trộm'

  • Cập nhật : 04/04/2017

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho hay quốc gia này sẽ triển khai 5 chiến đấu cơ F-16 ra quần đảo Natuna để ngăn chặn "kẻ trộm". Tuyên bố này được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau sự kiện các tàu hải cảnh Trung Quốc đụng độ với một tàu Indonesia.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, kế hoạch triển khai 5 chiến đấu cơ F-16 là một phần trong chương trình xây dựng năng lực quân sự của Indonesia ở quần đảo Natuna nằm trên Biển Đông.

Ngoài ra, Indonesia còn tiến hành tân trang lại đường băng và xây một cảng biển mới tại quần đảo này. Cũng theo ông Ryacudu, Indonesia sẽ triển khai thêm lực lượng thủy quân lục chiến, các đơn vị không quân đặc nhiệm, một tiểu đoàn, 3 tàu khu trục nhỏ cùng một hệ thống radar mới và các máy bay không người lái.

chien dau co f-16 cua my.

Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Động thái này cho thấy Indonesia đang đặc biệt cảnh giác trước tình trạng Trung Quốc không ngừng có các hành động đơn phương nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Mặc dù, Indonesia không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng vụ đụng độ với các tàu hải cảnh Trung Quốc và việc Indonesia bắt giữa một tàu cá Trung Quốc cho thấy xung đột giữa hai nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

"Quần đảo Natuna được xem như một cánh cổng. Nếu cánh cổng này không được bảo vệ chắc chắn bọn trộm sẽ thâm nhập vào bên trong. Trong tình hình phức tạp hiện nay, chiếc cổng này vẫn chưa được canh gác. Vấn đề hiện này còn liên quan tới quyền lợi của một quốc gia", ông Ryacudu nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, khả năng ông sẽ đưa ra lệnh buộc tòng quân ở quần đảo Natuna và các khu vực xa xôi khác của đảo quốc có tới 17.000 hòn đảo lớn nhỏ này. Bởi theo ông này, "nếu không may có chuyện xảy ra, mọi người sẽ không tỏ ra sợ hãi và biết cần phải làm gì". 

Lâu nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 5 ngàn tỷ USD/năm. 

Hồi tháng 7/2016, tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích và khẳng định không công nhận phán quyết này. 

Thậm chí, trong các tấm hộ chiếu được Trung Quốc phát hành hồi năm 2012, Bắc Kinh đã ngang nhiên tự nhận vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này ở Biển Đông được tính từ quần đảo Natuna của Indonesia.

Trong thời gian qua, việc các tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát cũng như tấn công các tàu của nhiều quốc gia trong khu vực, đã khiến Malaysia không khỏi lo lắng. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu hồi đại sứ Trung Quốc Huang Huikang để bày tỏ mối quan ngại về hoạt động xâm phạm của các tàu cá treo cờ Trung Quốc ở Biển Đông. 

Nhà nghiên cứu Aaron Connelly tại Viện Chính sách quốc tế Lowy ở Sydney đặt ra câu hỏi liệu việc Indonesia điều động các chiến đấu cơ F-16 ra quần đảo Natuna được xem là một biện pháp phòng thủ hay là công cụ để ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép. 

"Đây được xem là một hành động nhằm phô trương sức mạnh nhưng dường như nó cũng trở nên vô nghĩa. Indonesia có sức mạnh ngoại giao nhưng sức mạnh quân sự thì không. Hành động triển khai các chiến đấu cơ F-16 của Indonesia ra quần đảo Natuna không thể khiến quân đội Trung Quốc sợ hãi", ông Connelly chia sẻ. 

Còn theo ông Ryacudu, Indonesia hy vọng sẽ hoàn tất thương vụ mua từ 8 – 10 chiếc Sukhoi Su-35 của Nga trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tới Nga vào đầu tháng này. 

Trước đó, Indonesia từng cân nhắc mua các chiến đấu cơ F-16V của tập đoàn Lockheed Martin, Eurofighter Typhoon của BAE Systems Plc và Gripen của Saab AB. 

Khi được hỏi về việc Indonesia có ý định mua thêm chiến đấu cơ F-16V bên cạnh các Su-35, ông Ryacudu cho biết "hiện chúng tôi đã có đủ". 

"Chúng tôi sẽ mua thêm vũ khí từ châu Âu và Mỹ cũng như từ Nga. Chúng tôi không ưu tiên ai cả. Chúng tôi đang thay các máy bay đã quá lỗi thời chứ không phải là mua thêm", ông Ryacudu nói thêm. 

Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục