Tin Biển Đông

 
 
 

Trung Quốc quay lưng, Triều Tiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá

  • Cập nhật : 17/04/2017

Lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Trung Quốc khiến nền kinh tế Triều Tiên rơi vào cảnh lao đao. Nhưng trên hết, Bình Nhưỡng vẫn sẽ quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá bởi sức mạnh quân sự được xem là nền tảng tồn tại của Triều Tiên.

Trong những tháng gần đây, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc liên tục rơi vào sóng gió. Đầu tiên là cái chết của anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam ở Malaysia hồi tháng Hai. Nhiều nguồn tin cho hay ông Kim Jong-nam từng nhận được sự bảo vệ của chính quyền Bắc Kinh khi sinh sống ở Macau.

Tiếp đó, các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng không chỉ khiến Seoul và Tokyo lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ mà còn khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng. Gần nhất, hôm 16/4, Triều Tiên được cho đã cho phóng thêm một quả tên lửa nhưng thất bại. Thông tin này dường như bị chìm hẳn sau các hoạt động liên quan tới sự kiện kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành 15/4 ở Bình Nhưỡng. 

nha lanh dao trieu tien kim jong-un co the se quyet tam phat trien vu khi hat nhan bang moi gia bat chap su phan doi tu trung quoc. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc. 

Cùng lúc đó, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson với các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đi tới quyết định Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong năm nay. Động thái của Bắc Kinh khiến Bình Nhưỡng không khỏi quan ngại về khả năng Mỹ và Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ để đối phó với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trước đó, ông Tillerson từng nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc "hoàn toàn có thể kiểm soát chính quyền Triều Tiên".

Theo Foreign Policy, trên thực tế, dù Bắc Kinh có khả năng gây ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng thì Trung Quốc cũng không thể buộc Triều Tiên từ bỏ những chính sách ưu tiên hàng đầu đảm bảo sự tồn tại của quốc gia này như phát triển vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên không chỉ cảm thấy mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ Mỹ mà còn cả những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới nền kinh tế và địa chính trị từ Trung Quốc.  

Câu hỏi đặt ra là mối quan hệ hiện thời giữa Trung – Triều là như thế nào? Lệnh trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên có ý nghĩa gì?

Có thể nói, mối quan hệ tay ba giữa Trung – Triều – Mỹ đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong giai đoạn thập niên 70 và 80. Đây là lúc Trung Quốc nối lại các mối quan hệ với Mỹ và bắt tay kinh doanh với Hàn Quốc đồng thời giảm dần sự tập trung cho Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc còn rộng mở cánh cửa "cải tiến và du nhập" các nền văn hóa nước ngoài. Về phần mình, Triều Tiên vẫn giữ quan điểm ủng hộ Trung Quốc kể cả sau sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc (LHQ), Triều Tiên cũng luôn ủng hộ Trung Quốc bảo vệ các chính sách đối với khu vực Tây Tạng và Đài Loan. Với Trung Quốc, mối quan hệ đồng minh giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng gây ra khá nhiều rắc rối nhưng khó lòng từ bỏ. 

Điều quan trọng, Trung Quốc không hề muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này được chứng minh qua việc không có bất cứ phản ứng nào được Trung Quốc đưa ra, sau khi có thông tin Nhật Bản đang tính tới chuyện sơ tán công dân khỏi Hàn Quốc nếu không may bán đảo Triều Tiên có chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không muốn Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích Hàn Quốc và các binh sĩ Mỹ đang đóng quân trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, việc liên tiếp ủng hộ các lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt với Triều Tiên cũng cho thấy Trung Quốc đang tức giận với quốc gia láng giềng. Nói cách khác, theo Foreign Policy, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang trong cảnh sóng gió là hoàn toàn có thật nhưng lại có thể giải quyết được.

Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson từng nói Trung Quốc có thể gây áp lực kinh tế lớn để buộc Triều Tiên phải kiềm chế hành động. Bởi khi mà hoạt động hợp tác kinh tế và trao đổi giữa Hàn – Triều trong cảnh tuột dốc không phanh thì các nhà sản xuất, các nhà máy công nghiệp và cả những doanh nghiệp nhỏ lẻ của Trung Quốc cũng trở thành cứu cánh cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Nhưng hiện nay, dường như Trung Quốc đang thi hành các chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên thay vì đẩy mạnh hợp tác. Cụ thể, sáng kiến kinh tế quy mô lớn "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đang triển khai lại hoàn toàn vắng bóng Triều Tiên. Thông qua "Một vành đai, một con đường", Trung Quốc muốn thiết lập một mạng lưới liên kết toàn cầu bằng việc tạo ra hoạt động kết nối thương mại và giao thông vận tải như các chuyến tàu cao tốc. Ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc còn tăng cường trao đổi văn hóa như xây dựng thêm các viện nghiên cứu dạy tiếng Trung Quốc, đưa thêm công dân ra nước ngoài sinh sống. 

trieu tien dieu binh hom 15/4 nhan dip ky niem lan thu 105 ngay sinh co chu tich kim nhat thanh.

Triều Tiên diễu binh hôm 15/4 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

Sáng kiến này của Trung Quốc lại hoàn toàn đi ngược với mô hình kinh tế mà Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thiết lập kể từ cuối thập niên 50 là tự cung tự cấp và đóng cửa với các mối quan hệ nước ngoài để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng thặng dư thương mại của Trung Quốc. Về phần mình, Triều Tiên đã có những động thái nhằm chứng minh quốc gia này quyết duy trì chính sách tự cung tự cấp, khiến Trung Quốc không khỏi bị sốc. Điển hình, Triều Tiên đã cho ngừng hoạt động của công ty Haicheng, một tập đoàn sản xuất thép lớn của Trung Quốc vào năm 2012.

Dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un, hoạt động đầu tư từ Trung Quốc cũng đã có nhiều hạn chế. Theo đó, chỉ một số dự án của Trung Quốc được phép thi hành ở Triều Tiên. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn có những động thái ngừng tiếp cận các cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cụ thể, trong trận lụt lịch sử hồi tháng Chín năm ngoái, Triều Tiên cho phép Trung Quốc gửi hàng cứu trợ nhưng lại không cho các kỹ sư quân sự Trung Quốc xây cầu phao để tiếp cận các thành phố biên giới của Triều Tiên như Musan và Hoeryong. 

Trước đó, không thể phủ nhận vào năm 2009, Triều Tiên đã chấp nhận "chính sách ánh sáng Mặt trời" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, hoạt động thương mại song phương mở rộng một cách nhanh chóng. Các khu đặc quyền kinh tế cũng liên tiếp được thành lập ở khu vực biên giới hai nước. Một cây cầu mới nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với Sinuiju của Triều Tiên cũng đã được xây dựng. Hoạt động kinh doanh của Triều Tiên ở phía đông bắc Trung Quốc và quan hệ kinh tế liên tỉnh bao gồm tỉnh Jiangsu của Trung Quốc cũng đã nở rộ. Toàn bộ hoạt động kinh doanh này đi kèm với việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Chi phí mà Trung Quốc đã dùng để nâng cấp hệ thống cở sở hạ tầng kết nối với Triều Tiên vào khoảng 300 triệu USD bao gồm cả việc xây một cây cầu mới, nhưng đến nay, những công trình này vẫn chưa được sử dụng.

Việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong năm 2017 sẽ khiến Bình Nhưỡng buộc phải thay đổi chính sách kinh tế. Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ không thể làm thay đổi toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước.

Theo Foreign Policy, trong bối cảnh, Trung Quốc vẫn đang để ngỏ cánh cửa quan hệ với phương Tây và Triều Tiên, hoạt động thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có thể trở thành áp lực lớn nhất tạo ra những thay đổi chính trị. Song, viễn cảnh chính quyền Triều Tiên thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại như bớt đối đầu với Mỹ - Hàn là điều sẽ không thể xảy ra. Thay vào đó, Bình Nhưỡng sẽ phớt lờ Bắc Kinh để tiếp tục có những hành động chứng minh khả năng tự cung tự cấp cũng như sức mạnh quân sự dù phải trả giá đắt. 

Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục