Qua cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1/2012 và cuốn "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" (NXB Sự thật, 1979), người ta càng hiểu rõ việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa là kết quả của một sự mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam!
Phát hiện 56 bản đồ cổ phương Tây vẽ Hoàng Sa của Việt Nam
- Cập nhật : 12/10/2016
56 tấm bản đồ cổ do người phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến hàng hải, giao thương, truyền giáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa được TS Trần Đức Anh Sơn (Đà Nẵng) và nhóm nghiên cứu sưu tầm, phát hiện đã tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công tác sưu tầm, phát hiện và nghiên cứu các nguồn tư liệu liên quan đến quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo trong lịch sử Việt Nam, từ đầu năm 2010, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đã triển khai nghiên cứu đề tài Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng. Đề tài do tiến sĩ lịch sử Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) làm chủ nhiệm đề tài, với nguồn kinh phí do UBND TP Đà Nẵng cấp.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được nghiệm thu vào tháng 12/2011 và chuyển giao cho UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) quản lý. Đề tài đã thiết lập một “font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, bao gồm những tư liệu đã được công bố từ trước đến nay và những tư liệu vừa được nhóm nghiên cứu tìm kiếm, sưu tầm trong thời gian thực hiện đề tài, liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong lịch sử, tập trung thành 4 thư mục: tư liệu văn bản, tư liệu hình ảnh, tư liệu bản đồ và tư liệu nghe nhìn.
Ngày 24/7, TS. Trần Đức Anh Sơn đã gửi cho báo điện tử Infonet bài viết giới thiệu những tấm bản đồ mà nhóm nghiên cứu đã sưu tầm và tập hợp trong thư mục tư liệu bản đồ của Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP Đà Nẵng:
HOÀNG SA TRÊN NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ CỔ CỦA PHƯƠNG TÂY
Trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, ngoài việc tập hợp, sưu tầm các bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa có trong các nguồn thư tịch cổ đã được các học giả trong và ngoài nước sưu tầm và công bố trong những năm gần đây, nhờ mối liên hệ với các đồng nghiệp ở nước ngoài và nhờ sự hỗ trợ tích cực của Internet, chúng tôi đã sưu tầm được nhiều bản đồ do người phương Tây vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX, có liên quan đến chủ đề này, để đưa vào “font tư liệu Hoàng Sa”.
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 |
Đây là những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải do người phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến hàng hải, giao thương, truyền giáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ghi nhận về lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong lịch sử.
Trên những tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa luôn được thể hiện bằng hình vẽ ở trong vùng biển Đông của nước ta, với kinh tuyến và vĩ tuyến khá chính xác, và được ghi danh là: Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels, Paracelso... tùy theo ngôn ngữ của từng nước phương Tây. Còn vùng bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, song song với quần đảo Hoàng Sa thì được ghi nhận là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa). “Đó là cách mặc nhiên thế giới nhận Hoàng Sa đích thực thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ 5 thế kỷ nay” (nhận xét của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu).
Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 |
Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, một chuyên gia hàng đầu về bản đồ cổ Việt Nam, thì ông đã sưu tập được 30 bản đồ cổ của phương Tây, có niên đại từ năm 1489 đến năm 1697, có thể hiện hình vẽ và địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo đó, “từ tấm bản đồ thứ 4 từ năm 1507 đều có ghi vẽ đất nước ta với biển Đông và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tùy theo cách phát âm của mỗi tác giả vẽ bản đồ mà ghi tên nước ta. Có bản đồ ghi Cauchi tức Giao Chỉ, hoặc các dạng tự khác như Cochi, Cachi, Cachu, Cochin đều biểu hiện nguyên âm Giao Chỉ. Sau thấy bên Ấn Độ có thành phố tên là Cochin, nên người ta gọi nước ta là Giao Chỉ gần Chi Na và ghi thành Cauchichina, Cauchinchina, Cachuchina, Conchinchina, Cochinchina, Cochinchine... Lần đầu tiên trên bản đồ Frères Van Langren 1595, chúng ta thấy Đại Việt chia ra 2 miền: Đàng Ngoài được Tây phương ghi là Tungkin (Đông Kinh, tên thành Thăng Long từ 1430) và Đàng Trong được ghi là Cochinchina (Giao Chỉ gần Chi Na, 1 địa danh cũ chỉ toàn quốc Đại Việt) (Nguyễn Đình Đầu, Giới thiệu một số bản đồ cổ thềm lục địa và hải đảo Việt Nam, http://www.viet-studies.info).
Bản đồ do Homann Heirs vẽ năm 1744 |
Điều này cho thấy là từ thế kỷ XVI, người phương Tây đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam khi vẽ và ghi chú các địa danh các quần đảo này trên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ.
Với 56 tấm bản đồ cổ phương Tây mà chúng tôi sưu tầm được, sự thật hiển nhiên này càng được thể hiện rất rõ. Ngoài việc thể hiện tọa độ địa lý của quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam dưới các tên gọi như Cauchi, Cochi, Cochinchina, Cochinchine..., trên một số bản đồ, địa danh Hoàng Sa còn được còn được thể hiện hoặc ghi chú rất đặc biệt. Chẳng hạn:
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838 |
- Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng;
- Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 thì quần đảo Pracel (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong);
Bản đồ do Visscher vẽ năm 1680 |
- Bản đồ do Homann Heirs vẽ năm 1744 thì hình vẽ quần đảo Hoàng Sa được ghi chú là “I. Ciampa”, viết tắt của chữ “Islands Ciampa”, nghĩa là “quần đảo (thuộc vương quốc) Ciampa”. Ciempa hay Campa là tên các nước phương Tây lúc bấy giờ gọi xứ Đàng Trong, do họ cho rằng đây là đất cũ của vương quốc Champa;
- Bản đồ do Van de Kusten vẽ năm 1754, có tên là Kaart van Cochinchine, van Tunquin (Bản đồ Đàng Trong, Đàng Ngoài), đã thể hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần lãnh thổ thuộc vương quốc Cochinchine;
Bản đồ do Mariette vẽ năm 1790 |
- Đặc biệt, tấm bản đồ mang tên An Nam đại quốc họa đồ, viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latin, do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838, có ghi hàng chữ: “Paracel seu Cát Vàng”, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng”. Cũng chính Giám mục Taberd trong bài viết in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal vào năm 1837 cũng đã khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina”. (James Prinsep, F.R.S. [Ed.], The Journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI, Calcuta, 1837, p. 745).
Theo nhiều sử liệu cổ của Việt Nam, từ trước thế kỷ XVI, người Việt đã đặt chân đến vùng đảo, đá ngầm, bãi ngầm ở giữa biển Đông, mà họ đặt tên là Bãi Cát Vàng (𡌣 葛 鐄) hay Cồn Vàng (𡑱 鐄). Còn trong các nguồn sử liệu của Việt Nam viết bằng chữ Hán thì địa danh Bãi Cát Vàng được ghi bởi nhiều chữ khác nhau như: Hoàng Sa Châu (黃 沙 洲), Hoàng Sa Chử (黃 沙 渚), Hoàng Sa (黃 沙). Đó chính là quần đảo Hoàng Sa ngày nay.
Những bản đồ cổ phương Tây do chúng tôi sưu tầm và tập hợp trong “font tư liệu Hoàng Sa” có niên đại trải dài hơn 3 thế kỷ, từ những bản đồ được vẽ rất sớm, như bản đồ do Livro da Marinharia FM Pinnto vẽ năm 1560, bản đồ do Gerard Mercator vẽ vào nửa sau thế kỷ XVI, bản đồ do Giovanni Botero vẽ vào đầu thế kỷ XVII..., cho đến những bản đồ được vẽ vào cuối thế kỷ XIX như: bản đồ Indochina vẽ năm 1886, bản đồ do Stielers Handatla vẽ năm 1891… đều có thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng chữ viết vị trí của quần đảo Hoàng Sa với nhiều tên gọi khác nhau, ở trong vùng biển của nước ta. Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và đã ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam (mà bấy giờ họ gọi là Cochinchine, Cochinchina, Annam…)
Như vậy, ngoài những sự kiện lịch sử đã được chứng thực, cùng với các nguồn tư liệu thành văn với nhiều ngôn ngữ khác nhau, thì những tấm bản đồ cổ của phương Tây nói trên đã góp phần chứng minh rằng từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa). Chủ quyền này đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý... phương Tây thừa nhận và ghi dấu lên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ.
Vì thế, những tấm bản đồ này là những tư liệu quý, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa), mà hiện nay đang có một số quốc gia trong khu vực tranh chấp chủ quyền.
56 bản đồ cổ phương Tây trong ”Font tư liệu Hoàng Sa” Bản đồ do Gerard Mercator (1512 - 1594) vẽ; Bản đồ Giovanni Botero (1540 - 1617) vẽ; Bản đồ do Giovanni Antonio (1555 - 1617) vẽ; Bản đồ do Livro da Marinharia FM Pinnto vẽ năm 1560; Bản đồ do Petrus Bertius (1565 - 1629) vẽ; Bản đồ do Abraham Ortelius vẽ năm 1580; Bản đồ do Fernao Var Dourado vẽ năm 1590; Bản đồ do Gerard de Jode vẽ năm 1593; Bản đồ do Petrus or Pieter vẽ năm 1594; Bản đồ do Van der AA vẽ năm 1594; Bản đồ do Van Lanngren vẽ năm 1595; Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613; Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613; Bản đồ do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1617; Bản đồ do John Speed vẽ năm 1626; Bản đồ do Orientalis Oceanus Mercator vẽ năm 1630; Bản đồ do Insulae Indiae vẽ năm 1632; Bản đồ do Janssouius vẽ năm 1632; Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1633; Bản đồ do Van Lochem vẽ năm 1640; Bản đồ do Janssouius vẽ năm 1645; Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645; Bản đồ do Vincenzo Maria Coronelli vẽ năm 1650; Bản đồ Oost Indien vẽ năm 1660; Bản đồ do F. De Wit vẽ năm 1662; Bản đồ do Guillaume Delisle (1675 - 1726) vẽ; Bản đồ do Visscher vẽ năm 1680; Bản đồ do Van Keulen (1680 - 1735) vẽ; Bản đồ do Emanuel Bowen (1693 - 1767); Bản đồ do Alexis Hubert Jaillot vẽ năm 1696; Bản đồ do VOC Octrooigebied vẽ năm 1700; Bản đồ do Jacques Nicolas Bellin (1703 - 1772) vẽ; Bản đồ do Jacques Nicolas Bellin (1703 - 1772) vẽ; Bản đồ do Ottens vẽ năm 1710; Bản đồ do Alexis Hubert Jaillot vẽ năm 1720; Bản đồ do Seutter vẽ năm 1720; Bản đồ do Homann Heirs vẽ năm 1744; Bản đồ do S. Van Esveldt vẽ năm 1745; Bản đồ do Jean Baptiste d'Anville vẽ năm 1752 ; Bản đồ do Van Keulen vẽ năm 1753; Bản đồ Cochinchine Tunquin do Van de Kusten vẽ năm 1754; Bản đồ l'islle de Buache vẽ năm 1779; Bản đồ do Clouet Mondahare vẽ năm 1785; Bản đồ do Mariette vẽ năm 1790; Bản đồ do Bowen & Gibson vẽ năm 1792; Bản đồ do Abbé vẽ năm 1806; Bản đồ do J. Carry vẽ năm 1811; Bản đồ do John Thomson vẽ năm 1814; Bản đồ do John Thomson vẽ năm 1817; An Nam đại quốc họa đồ do giám mục Taberd vẽ năm 1838; Bản đồ Greenleaf East India vẽ năm 1843; Bản đồ vẽ năm 1876; Bản đồ Indochina vẽ năm 1886; Bản đồ do Stielers Handatla vẽ năm 1891; Bản đồ do Bartholomen Velho vẽ (không rõ năm vẽ) và Bản đồ India Orient (không rõ tác giả và không rõ năm vẽ). |
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Theo InfoNet