Các thư tịch cổ Việt Nam còn lại đến nay cho thấy các triều đại phong kiến Việt Nam đã đặc biệt chú trọng tới vùng biển. Các hoạt động của triều đình Việt Nam không chỉ đơn giản là nhằm khai thác hải sản, các nguồn lợi kinh tế khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền quốc gia một cách hòa bình và liên tục trên các đảo và vùng biển liên quan. Việc khai thác, xác lập chủ quyền và quản lý lãnh thổ trên Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cha ông ta tiến hành từ rất lâu đời.
Tủ sách biển Đông: Hoàng Sa – Trường Sa, luận cứ & sự kiện
- Cập nhật : 12/10/2016
“Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ và sự kiện” tập hợp những bài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.
Ông từng tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử và hiện công tác tại với tư cách nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, trường ĐH học Mở TP.HCM.
Cuốn sách gồm 4 vấn đề, được ông nghiên cứu chuyên sâu và NXB Thời Đại tập hợp ấn hành vào 1/2012:
- Vấn đề tên gọi Biển Đông
- Từ “Bãi Cát Vàng”, “Vạn lý Trường Sa” đến Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay
- Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam
- Thử tìm một giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Trao đổi với Đất Việt, ông cho biết, công trình nghiên cứu có kết hợp sử dụng kết quả nghiên cứu của các chuyên gia khác như nhà nghiên cứu cổ sử Việt Nam – Trung Quốc Phạm Hoàng Quân, nhằm tạo ra sự trao đổi và liên kết cao hơn giữa các nhà nghiên cứu Biển Đông.
Tác giả cũng nghiên cứu nguồn tài liệu từ nhiều nước như Trung Quốc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, được đăng tải và lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (HSO),…
Bìa cuốn sách |
|
Trước hết đề cập về tên gọi Biển Đông, mà quốc tế thường gọi là South China Sea (Biển Nam Trung Hoa), theo quy định của Ủy ban quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn nhất, gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi theo cách thứ nhất.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, những biển có tên lục địa nguyên không có nghĩa thuộc quyền sở hữu của quốc gia nó mang tên, như một số người ngộ nhận.
Trong tình hình tranh chấp chủ quyền phức tạp hiện nay, Trung Quốc có thể cố tình gây ngộ nhận hoặc người đọc có thể bị ngộ nhận khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc. Đúc kết lại, tác giả đặt ra vấn đề là “một mặt chúng ta phải tuyên truyền để cộng đồng quốc tế hiểu rằng biển Nam Trung Hoa là tên gọi chứ không phải là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, chúng ta nên tiến hành đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế ngay từ bây giờ để có thể đổi tên biển Nam Trung Hoa thành một tên gọi khác hợp lý hơn trong các quan hệ quốc tế”.
Đi sâu vào vấn đề, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chứng minh cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, kèm theo các bản đồ do nhà hàng hải phương Tây và chính người Trung Quốc vẽ trong lịch sử.
Các nhà nghiên cứu TS Nguyễn Nhã, Phạm Hoàng Quân, Đinh Kim Phúc đều nhấn mạnh rằng, tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước do người Trung Quốc vẽ, không có bản đồ nào có bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong đó.
Tác giả cho rằng “Trung Quốc đã viện dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang biển Đông…không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này”.
Ngược lại, sách sử Việt Nam và bản đồ của nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà trước kia thường được gọi chung là “Bãi Cát Vàng” hay “Vạn Lý Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa”…
Các tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam, triều đình Việt Nam có ghi nhận chủ quyền Hoàng Sa, mà tác giả liệt kê và trích dẫn như Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam hội điển sự lệ, Châu bản triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí. Ngoài ra, một số sử gia Việt Nam như Đỗ Bá, Lê Quý Đôn cũng ghi nhận “Bãi Cát Vàng” là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam trong Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư, Phủ biên tạp lục…
"An Nam Đại Quốc Họa Đồ" do giám mục Taberd vẽ ghi chú rõ |
Khác biệt với các công trình nghiên cứu về lịch sử - chủ quyền khác, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc còn dẫn ra Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam mà Trung Quốc bám vào để khăng khăng mộng tưởng về chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Trong thế giới hiện đại, Hoàng Sa và Trường Sa từng bị Nhật, Pháp chiếm đóng khi xâm lược Việt Nam. Do đó, khi kết thúc quá trình bảo hộ, các hiệp định được ký kết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Phúc khẳng định: “Bản Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập tới vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản đã chiếm đóng vào đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai…chúng ta có thể hiểu rằng các nhà lãnh đạo Tam cường đã không quan niệm hai quần đảo nào thuộc lãnh thổ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, để hiểu cặn kẽ vấn đề mà tác giả đã đề ra trên đây, cần nghiền ngẫm nghiên cứu từng dòng chữ, không thể đọc khơi khơi như một kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, phải như thế, chúng ta mới có cơ sở cho lòng tin vững chắc, tìm được cái nhìn toàn diện của vấn đề để xây dựng giải pháp cho vấn đề iển Đông.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, tác giả nhấn mạnh các mối quan hệ tranh chấp cần phân biệt: tranh chấp song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa; tranh chấp đa phương trên quần đảo Trường Sa và yêu sách đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích Biển Đông hòng độc chiếm Biển Đông, từ đó mới xác định được nội dung và lộ trình cho các biện pháp đấu tranh.
Cuốn sách tổng hợp và cung cấp đầy đủ kiến thức về mặt lịch sử, luật pháp quốc tế và quá trình tranh chấp chủ quyền.
Ưu điểm nổi bật là các bản đồ đều được in màu, giá cả phù hợp với bạn đọc, kể cả sinh viên. Sách có thể được tìm thấy ở tất cả các nhà sách trên toàn quốc hoặc hệ thống của NXB Thời Đại.
Đài Trang ( theo ĐVO)