Sáng ngày 28/8 tại TPHCM, Ban Văn Hóa Trung ương GHPGVN đã tổ chức công bố tập sách “Địa dư đồ khảo” - đây là một tài liệu cổ liên quan đến vấn để lãnh hải hai nước Việt Nam và Trung Quốc do nhà nguyên cứu Trần Đình Sơn lưu giữ.
Biển Đông, giải quyết từ chuyện cái tên
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong hai hướng tiếp cận, giữ lại tên gọi “Nam Trung Hoa” tạo ra những hiểu lầm địa dư, lẫn pháp lý. Các tên biển đã xuất hiện từ thời xa xưa (như “biển Nhật Bản” hay “biển Nam Trung Hoa”...) có thể tạo lợi thế cho các nước có tên liên quan, nếu các quốc gia này dựa vào đó tự hợp pháp hoá các lợi ích của mình và xem đó như “các chứng cứ lịch sử”, bất chấp sự thật rằng những cái tên ấy chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải.
Mốc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Dân Trí |
Khoảng một năm trở lại đây, cuộc tranh luận về tên gọi quốc tế của Biển Đông Việt Nam trở nên nóng hơn với ba đề nghị khác nhau. Trung Quốc vẫn muốn giữ nguyên tên hiện nay là “biển Nam Trung Hoa”, Philippines lại muốn gọi là “biển Tây Philippines” (West Philippines Sea), còn Việt Nam thì quan điểm của một số học giả – sử gia đề nghị đổi tên thành “biển Đông Nam Á” (“Southeast Asia Sea”). Ngày 12.9 vừa qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết đã thông qua Lệnh hành chính 29 (AO) chính thức gọi đây là “biển Tây Philippines” trên bản đồ hành chính của nước này. Còn phía Trung Quốc, từ lâu chính phủ nước này vẫn ưu tiên tên gọi “biển Nam Trung Hoa” (South China Sea) – được sử dụng phổ biến trong các văn bản chính thức xuất phát từ những thuỷ thủ người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, trong quá trình tìm kiếm cơ hội giao thương với Trung Hoa và sau đó được tổ chức Thuỷ văn quốc tế (International Hydrographic Organization – IHO) sử dụng.
Trong hai hướng tiếp cận, giữ lại tên gọi “Nam Trung Hoa” tạo ra những hiểu lầm địa dư, lẫn pháp lý. Các tên biển đã xuất hiện từ thời xa xưa (như “biển Nhật Bản” hay “biển Nam Trung Hoa”...) có thể tạo lợi thế cho các nước có tên liên quan, nếu các quốc gia này dựa vào đó tự hợp pháp hoá các lợi ích của mình và xem đó như “các chứng cứ lịch sử”, bất chấp sự thật rằng những cái tên ấy chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải. Bởi thực tế, nếu chỉ dựa vào tên biển để khẳng định chủ quyền sẽ không ổn, vì Ấn Độ Dương (India Ocean) có thể sẽ là của Ấn Độ và Mexico có thể tuyên bố vịnh Mexico (Gulf of Mexico) thuộc về mình!
Trên góc nhìn thông lệ quốc tế, không tồn tại một nguyên tắc thống nhất. Việc đặt tên thường dựa vào ý chí chủ quan của một người hay một nhóm người, khi họ sử dụng những đặc điểm hay tính chất của vùng biển đó. Tên gọi của một vùng biển hay đại dương nào đó thông thường căn cứ vào vị trí của chúng so với vùng đất gần đó cho dễ nhận biết và không có ý xác định chủ quyền. Một vài ví dụ như Ấn Độ Dương ở phía nam Ấn Độ, biển Nhật Bản được bao quanh bởi nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hay Nga. Nếu xét về địa dư, Đông Nam Á bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của Biển Đông với tổng chiều dài bờ biển vào khoảng 130.000km trong khi đường bờ biển của các tỉnh duyên hải phía nam Trung Quốc chỉ vào khoảng 2.800km.
Việc đổi tên của Philippines sẽ chẳng thay đổi gì hiện trạng hiện nay mà chỉ tạo thêm những tranh cãi. Việc đổi tên này, theo phía Philippines, nhằm khẳng định lại vùng lãnh hải mà Nhà nước Cộng hòa Philippines nắm chủ quyền và có quyền tài phán. Nhưng cũng chỉ là khẳng định đơn phương, khó được chấp nhận từ bên ngoài.“Biển Tây Philippines” không phải là tên trung lập, trong khi điều các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cần là một tên biển mang tính không phụ thuộc vào địa lý của một quốc gia. Biện pháp đổi tên theo đề nghị từ phía các học giả Việt Nam có thể đáp ứng được những tiêu chí này. Biển Đông Nam Á là một cái tên trung lập hơn, cũng như tên biển Carribean hay biển Arập. Việc đặt tên biển thành tên khu vực đất liền bao xung quanh bờ biển không chỉ thể hiện vị trí địa lý của biển, quyền lợi của các quốc gia trong khu vực mà còn “nói lên tính quốc tế của vấn đề tranh chấp, đụng chạm đến trung tâm lợi ích về an ninh và kinh tế của các nước trong khu vực”, tạo ra cơ hội xây dựng các cuộc đối thoại đa phương nếu có những tranh chấp về chủ quyền.
Kiến nghị thay đổi tên gọi thành biển Đông Nam Á cần đặt trong bối cảnh như vậy. Đây không chỉ là vấn đề cái tên, mà là một khẳng định về danh từ chung đang và sẽ được dùng trong việc xác định một khu vực đang tranh chấp. Xuất phát từ sự khác biệt về quan niệm có thể dẫn đến sự chấp nhận cùng một lúc nhiều mô thức khác nhau về cảm nhận, cách diễn dịch, thậm chí hành vi ứng xử của các nước tham gia và những nước quan sát bên ngoài. Trong thế cờ Biển Đông hiện nay, Việt Nam đang rất cần nhiều tiếng nói ủng hộ, cũng như phản đối từ cộng đồng quốc tế trước những hành vi nước bạn đi ngược lại các giá trị chung. Một trong số đó là việc áp đặt quan điểm của nước lớn, nước mạnh mà không thông qua lập luận hay lý lẽ.
Thông qua con đường ngoại giao, mà cụ thể là thuyết phục các nước ASEAN đi đến đồng thuận về một tên gọi thống nhất. Biển Đông Nam Á là tên gọi khả dĩ nhất, vì khẳng định tính trung lập (so với “Nam Trung Hoa” của Trung Quốc hay “biển Tây Philippines” như đề nghị của Philippines) và tiệm cận gần hơn với cấu trúc địa lý của vùng. |
Trên căn bản, cuộc vận động đổi tên có thể được khởi động bằng hai kênh chính. Một là thông qua con đường ngoại giao, mà cụ thể là thuyết phục các nước ASEAN đi đến đồng thuận về một tên gọi thống nhất. Biển Đông Nam Á là tên gọi khả dĩ nhất, vì khẳng định tính trung lập (so với “Nam Trung Hoa” của Trung Quốc hay “biển Tây Philippines” như đề nghị của Philippines) và tiệm cận gần hơn với cấu trúc địa lý của vùng. Quá trình tác động nên được tiến hành thận trọng, theo từng bước đi cụ thể, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thiện chí của tất cả các bên. Trong mọi tính toán chiến thuật, cũng như chiến lược, cần đi tìm phương thức tồn tại, hơn là loại trừ. Sự thay đổi tên gọi sang biển Đông Nam Á, thay vì biển Tây Philippines, có thể xem như một giải pháp chính trị thực dụng, dung hoà ý kiến giữa Manila và chính phủ các nước ASEAN còn lại.
Kênh thứ hai là đẩy mạnh con đường “học thuật hoá”. Thắng lợi gần đây của Việt Nam trong việc cho thế giới thấy về sự xuất hiện phi lý của “đường lưỡi bò” qua các bài viết khoa học của tác giả Trung Quốc, có công đầu thuộc về giới học giả, trí thức. Hai tạp chí danh tiếng Nature và Science đã cùng đưa ra quan điểm phản đối hành động phản khoa học từ phía Trung Quốc. Trong các tác phẩm xuất bản trên các tạp chí (đặc biệt là tạp chí nước ngoài), các nhà khoa học nước nhà nên bắt đầu sử dụng biển Đông Nam Á như một tên gọi thống nhất từ phía Việt Nam, trước khi tiếp tục vận động các học giả khác từ các nước khu vực Đông Nam Á đồng tình với việc sử dụng tên gọi này. Có thể ban đầu một số trở ngại sẽ xuất hiện, do thông lệ vẫn dùng tên gọi biển Nam Trung Hoa, nhưng đó sẽ không là việc khó nếu đồng ý rằng khoa học là quá trình trao đổi và nhận thức (cũng như là nhận thức lại). Thêm vài dòng chú giải, thêm một ít biện dẫn hay thêm một số thông tin cập nhật tình hình chắc chắn sẽ không làm bài viết mất đi giá trị hàn lâm ban đầu. Quan trọng hơn, nó sẽ (ít nhất) đánh động cho cộng đồng khoa học thế giới về sự tồn tại song song của nhiều cái tên (cũng như những câu chuyện đằng sau đó) cùng nói về một vùng biển đang tranh chấp.
Thêm một cánh én về, mùa xuân càng sớm đến...
Nguyễn Chính Tâm – Vũ Thành Công
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị