Tin Biển Đông

 
 
 

Người con xa xứ và 80 tấm bản đồ

  • Cập nhật : 12/10/2016

Kể từ khi TS Mai Hồng (viện Nghiên cứu Hán – Nôm) công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Hoa) ấn hành năm 1904, với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, thì một người Việt khác đang sống ở Hoa Kỳ cũng bước vào cuộc tìm kiếm những tấm bản đồ tương tự ở hải ngoại. Anh là Trần Thắng, chủ tịch viện Văn hoá giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Hoa Kỳ. Cuộc tìm kiếm của anh đã thu được những thành quả ban đầu.

 

Trần Thắng và cuốn Postal Atlas of China (1933) mà anh vừa mua được. Ảnh: do nhân vật cung cấp.

Thực ra từ năm 2010, Trần Thắng đã tiếp xúc với những tấm bản đồ liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó, tôi và các đồng nghiệp ở viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng đang triển khai đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa – thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình nghiên cứu, tôi được biết một số thư viện ở Hoa Kỳ như thư viện đại học Princeton, thư viện Astor ở New York, thư viện đại học Columbia… đang lưu giữ những tấm bản đồ do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ 16 – 19, có vẽ hoặc ghi chú các quần đảo Paracel, Pracel… (Hoàng Sa) và Spartly (Trường Sa) thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Tôi nhờ Trần Thắng tìm đến những thư viện trên để xin sao chụp các bản đồ này gửi về cho tôi.

Đến ngày 25.8.2012, Trần Thắng đã mua được 80 bản đồ riêng lẻ được in ấn tại Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian 1626 – 1980. Những bản đồ này gồm hai nhóm: nhóm thứ nhất là những bản đồ Trung Quốc, trên đó, phần lãnh thổ của Trung Quốc luôn được tô khác màu hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét, để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng và chung một đặc điểm là cương giới của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam. Nhóm thứ hai là những bản đồ Việt Nam hoặc bản đồ khu vực Đông Nam Á, trên đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đặc biệt, Trần Thắng đã phát hiện ba tập atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây, rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn thứ nhất là Atlas of the Chinese Empire – Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908, in bằng tiếng Anh. Tập bản đồ này gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 31 x 41cm. Ðây là tập bản đồ chính thức, được in lần đầu tại Trung Quốc với số lượng giới hạn. Tập bản đồ này do phái bộ The China Inland Mission, có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melbourne, biên soạn và phát hành với sự giúp đỡ của tổng cục Bưu chính Thanh triều và sự trợ giúp kỹ thuật của một người Anh tên là Edward Stanford. Tập bản đồ này Trần Thắng mua từ một nhà sưu tập sách cũ ở Anh.

Cuốn thứ hai là Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ – Postal Atlas of China do tổng cục Bưu chính, thuộc bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Sách được in bằng ba thứ tiếng: Trung – Anh – Pháp. Tập bản đồ này gồm một bản đồ tổng thể và 46 bản đồ các tỉnh, đều có kích thước là 61 x 71cm. Tập bản đồ này thuộc sở hữu của một nhà sưu tập ở Ba Lan và đang được rao bán với giá 5.000 USD.

Cuốn thứ ba cũng có tên Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ – Postal Atlas of China, cũng do tổng cục Bưu chính bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào năm 1933. Tập bản đồ này cũng in bằng ba thứ tiếng Trung – Anh – Pháp, gồm một bản đồ tổng thể và 29 bản đồ các tỉnh, bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ. Các bản đồ được in với kích thước 61 x 71cm. Tấm bản đồ số 23 trong tập bản đồ này là bản đồ tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam. Vì đảo Hải Nam không nằm trọn trong bản đồ nên người ta in thêm phần đảo Hải Nam ở góc trái. Trần Thắng đã mua được tập bản đồ này từ một nhà sưu tập ở New York.

Các tập bản đồ này được đặt tên là Trung Hoa bưu chính dư đồ vì đây là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Vì thế, nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì họ không đưa vào các tập bản đồ. Đây là những tài liệu chính thống do Nhà nước Trung Quốc phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, và thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.

Hiện tại, Trần Thắng đang vận động bạn bè quyên góp tiền để mua cuốn Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ – Postal Atlas of China in năm 1919, vì đây là cuốn sách được in rất ít, có giá trị sử liệu cao.

Được biết, vào tháng 10 hoặc tháng 11 sắp tới, liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông. Vì thế, luật sư Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã đề nghị Trần Thắng đưa toàn bộ số bản đồ mà anh mua được về Việt Nam, kết hợp với nguồn bản đồ của các nhà sưu tầm và nghiên cứu ở trong nước để tổ chức cuộc triển lãm chủ đề Bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khuôn khổ hội thảo này.

 

Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Postal Atlas of China xuất bản năm 1933. Phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc trong bản đồ này chỉ đến đảo Hải Nam.

Bản đồ tổng thể vẽ đế quốc Trung Hoa trong cuốn Atlas of the Chinese Empire xuất bản năm 1908.

Bản đồ tổng quát lãnh thổ của Trung Hoa dân quốc trong cuốn Postal Atlas of China xuất bản năm 1933.

Trần Đức Anh Sơn (phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng)
Theo SGTT

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục

    • Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của các triều đại Việt Nam1

      Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của các triều đại Việt Nam

      Các thư tịch cổ Việt Nam còn lại đến nay cho thấy các triều đại phong kiến Việt Nam đã đặc biệt chú trọng tới vùng biển. Các hoạt động của triều đình Việt Nam không chỉ đơn giản là nhằm khai thác hải sản, các nguồn lợi kinh tế khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền quốc gia một cách hòa bình và liên tục trên các đảo và vùng biển liên quan. Việc khai thác, xác lập chủ quyền và quản lý lãnh thổ trên Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cha ông ta tiến hành từ rất lâu đời.

    • Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1945 -19542

      Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1945 -1954

      Chủ quyền toàn bộ lãnh thổ trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lẽ ra phải ngay lập tức thuộc về nhân dân Việt Nam. Song với nhiều "khúc quanh” của lịch sử, con đường tái lập và tái khẳng định chủ quyền thực sự của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn phải vượt qua nhiều thách thức. Mặc dù vậy, trong bất cứ tình huống nào, người Việt Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo này và luôn được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

    • Nhìn lại những điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa3

      Nhìn lại những điểm mốc chiếm hữu thực sự của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa

      Từ thế kỷ XVII, Người Việt đã liên tục khẳng định, bảo vệ, thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cho dù gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào.

    • Bản đồ cổ khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa4

      Bản đồ cổ khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

      Tòa soạn Báo NTNN vừa tiếp nhận một cuốn sách cổ được xuất bản năm 1912, trong đó có đính kèm bản đồ khoáng sản cổ do chính người Trung Quốc xây dựng. Bản đồ đính kèm trong cuốn sách được xuất bản năm 1911, do nhà Xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) ấn hành, trong đó, phần lãnh thổ của Trung Quốc được giới hạn bằng đường kẻ viền (để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng) chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.

    • Biển Đông, giải quyết từ chuyện cái tên5

      Biển Đông, giải quyết từ chuyện cái tên

      Trong hai hướng tiếp cận, giữ lại tên gọi “Nam Trung Hoa” tạo ra những hiểu lầm địa dư, lẫn pháp lý. Các tên biển đã xuất hiện từ thời xa xưa (như “biển Nhật Bản” hay “biển Nam Trung Hoa”...) có thể tạo lợi thế cho các nước có tên liên quan, nếu các quốc gia này dựa vào đó tự hợp pháp hoá các lợi ích của mình và xem đó như “các chứng cứ lịch sử”, bất chấp sự thật rằng những cái tên ấy chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải.

    • Đại Nam Nhất Thống toàn đồ6

      Đại Nam Nhất Thống toàn đồ

      Đây là bản đồ nước Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838. Trên bản đồ có ghi hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam.

    • Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa (1933)7

      Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa (1933)

      Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm hai đảo (Song Tử Đông, Song Tư Tây), Loại ta, Thị Tú và các đảo phụ thuộc các đảo này vào tỉnh Bà Rịa (Bulletin Administratif de Cochinchine, số 1, 1934).

    • Sự thật về sự kiện Hoàng Sa 19748

      Sự thật về sự kiện Hoàng Sa 1974

      Cách đây hơn 3 thập kỷ, ngày 19/01/1974, quân đội Trung Quốc đã tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc này đang do chính quyền Sài Gòn quản lý.