Qua cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1/2012 và cuốn "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" (NXB Sự thật, 1979), người ta càng hiểu rõ việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa là kết quả của một sự mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam!
Một phần Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm như thế nào?
- Cập nhật : 12/10/2016
Bất chấp luật pháp quốc tế, sau khi chiếm đóng Hoàng Sa, Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực xâm lược một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Khúc ca bi tráng…
Tháng 01 năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 năm 1988, nấp dưới luận điệu quen thuộc “phản công để tự vệ”.
Bức tranh vẽ lại cuộc chiến đấu anh dũng của Thiếu úy Trần Văn Phương chống lại rất đông quân Trung Quốc trên bãi đá Gạc- Ma. Bức tranh được treo trang trọng tại phòng truyền thống Vùng 4 Hải quân Việt Nam. |
Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã sử dụng một liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu hộ vệ số 502, 509, 531 trang bị tên lửa và pháo 100mm, các tàu này đã tấn công, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn đang do Việt Nam quản lý.
Bãi đá Cô Lin, nơi tàu HQ- 505 ủi bãi giữ chủ quyền. Hiện tại Hải quân Việt Nam vẫn ngày đêm canh giữ. |
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và đồng đội trên tàu HQ- 505 đã anh dũng, mưu trí giữ được bãi đá Cô Lin: Trong lúc tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma bị tấn công dữ dội thì bên đảo Len Đao và Cô Lin, tàu HQ-605 và HQ-505 cũng đồng thời bị bắn. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ cho tàu lùi ra lấy đà và ủi lên đảo Cô Lin. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Thủy thủ tàu vừa dập lửa vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604. Nguồn Vietnamnet |
Trong cuộc xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực bãi đá ở Trường Sa, tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam dù bị động trước số lượng áp đảo của tàu chiến Trung Quốc vẫn chiến đấu anh dũng, hy sinh, bảo vệ được chủ quyền tại đá Cô Lin và Len Đao |
Năm 1988, Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập tỉnh Hải Nam).
Vòng hoa thả trôi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988 |
Việt Nam tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền
Tháng 4/1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và luật pháp quốc tế”
Ngày 01 tháng 7 năm 1988, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh : Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 4 tháng 3 năm 1992, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm phản đối “Pháp lệnh về lãnh hải , vùng tiếp giáp lãnh hải của CHND Trung Hoa”. Công hàm khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 22 tháng 01 năm 1994, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam có quyền kiểm soát đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu và quản lý nhà nước hai quần đảo này từ thế kỉ XVII.
Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, trong đó có đoạn ghi: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các hành động khác có liên quan về Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 về Luật Biển của Liên Hợp quốc, tôn trọng quyền chủ quyền về kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán đề tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực”.
Hải quân Việt Nam, vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương |
Danh sách 64 chiến sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa: 1- Vũ Phi Trừ, quê Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hóa. 2- Nguyễn Văn Thắng, quê Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình. 3- Phạm Gia Thiều, quê Hưng Đạo, Trung Đồng, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam) 4- Lê Đức Hoàng, quê Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. 5- Trần Văn Minh, quê Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An). 6- Đoàn Đắc Hoạch, quê 163 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng 7- Tạ Trần Văn Chức, quê Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình 8- Hán Văn Khoa, quê Văn Lương, Tam Thanh, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). 9 - Trần Văn Phong, quê Hải Tây, Hải Hậu, Hà Nam Ninh (Nam Định). 10- Nguyễn Văn Hải, quê Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng. 11- Nguyễn Tất Nam, quê Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ Tĩnh. 12- Trần Đức Bảy, quê Phương Phượng, Lê Hòa, Kim Bảng, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam). 13- Đỗ Việt Thắng, quê Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hóa 14- Nguyễn Văn Thủy, quê Phú Linh, Phương Đình, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam). 15- Phạm Hữu Đoan, quê Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình16- Bùi Duy Hiền, quê Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. 17- Nguyễn Bá Cường, quê Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam). 18- Kiều Văn Lập, quê Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội. 19- Lê Đình Thơ, quê Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 20- Cao Xuân Minh, quê Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 21- Nguyễn Mậu Phong, quê Duy Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình). 22- Trần Văn Phương, quê Quảng Phúc, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 23- Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Khang, Hoa Lư, Hà Nam Ninh (Ninh BÌnh). 24- Hồ Công Đệ, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. 25- Đậu Xuân Tư, quê Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An). 26- Bùi Bá Kiên, quê Văn Phong, Cát Hải, Hải Phòng. 27- Đào Kim Cương, quê Vương Lộc, Can Lộc, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh). 28- Phan Tấn Dư, quê Hòa Phong, Tuy hòa, Phú Khánh (Phú Yên). 29- Nguyễn Văn Phương, quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình. 30- Võ Đình Tuấn, quê Ninh Ích, Ninh Hòa, Phú Khánh (Khánh Hòa). 31- Nguyễn Văn Thành, quê Hương Điền, Hương Khê, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh). 32- Phan Huy Sơn, quê Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh (Nghệ An). 33- Lê Bá Giang, quê Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ Tĩnh (Nghệ An). 34- Nguyễn Thắng Hải, quê Sơn Kim, Hương Sơn, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh). 35- Phan Văn Dương, quê Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ Tĩnh (Nghệ An). 36- Hồ Văn Nuôi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An). 37- Vũ Đình Lương, quê Trung Thành, Yên Thành, Nghệ Tĩnh. 38- Trương Văn Thinh, quê Bình Kiên, Tuy Hòa, Phú Khánh (Phú Yên). 39- Trần Đức Thông, quê Minh Hòa, Hưng Hà, Thái Bình. 40- Trần Văn Phong, quê Minh Tâm, Kiến Xương, Thái Bình. 41- Trần Quốc Trị, quê Đông Thạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình) 43 - Lê Thế, quê tổ 29, An Trung Tây, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). 44- Trần Đức Hóa, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 45- Phan Văn Thiềng, quê Đông Trạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 46- Tống Sĩ Bái, quê phường 1, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị). 47- Hoàng Ánh Đông, quê phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị). 48- Trương Minh Phương, quê Quảng Sơn, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 49- Nguyễn Minh Tâm, quê Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình. 50- Trần Mạnh Viết, quê tổ 36, Bình Hiên, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) 51- Hoàng Văn Túy, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 52- Võ Minh Đức, quê Liên Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 53- Võ Văn Tứ, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 54- Trương Văn Hướng, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 55- Nguyễn Tiến Doãn, quê Ngư Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 56- Phạm Hữu Tý, quê Phong Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 57- Nguyễn Hữu Lộc, quê tổ 22, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). 58- Trương Quốc Hùng, quê tổ 5, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). 59- Nguyễn Phú Đoàn, quê tổ 47, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). 60- Nguyễn Trung Kiên, quê Nam Tiến, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (Nam Định) 61- Phạm Văn Lợi, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình). 62- Trần Văn Quyết, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Q. Bình). 63- Phạm Văn Sửu, quê tổ 7, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP Đà Nẵng). 64- Trần Tài, quê tổ 12, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) Nguồn: Vietnamnet |
Hồng Chuyên // Theo InfoNet
(Lược trích từ sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông)