Quân NATO diễu binh tại Ukraine: 'Dấu hiệu tấn công'?; Tàu ngầm Kilo cải tiến của Nga tung hoành Địa Trung Hải; Tổng thống Putin được ủng hộ nhưng cấp dưới thì không
Việt Nam sỡ hữu 6 tàu Kilo: Kỳ vọng của người dân
- Cập nhật : 02/03/2017
6 tàu ngầm Kilo mới tiếp nhận tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Hải quân Việt Nam và là ước mơ của toàn dân từ nhiều năm nay.
Sức công phá mạnh mẽ
Sáng 28/2, tại căn cứ quân sự Cam Ranh (Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ thượng cờ tàu ngầm 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa-Vũng Tàu. Như vậy đến thời điểm này, Việt Nam đã sở hữu toàn bộ 6 chiếc tàu ngầm do Nga chuyển giao.
Chia sẻ với Đất Việt, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam bày tỏ nhiều kỳ vọng vào đội ngũ tàu ngầm mới mà Hải quân Việt Nam đang làm chủ.
Theo ông Lâm, tàu ngầm là một trong những binh chủng của Hải quân hiện đại và đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh của quân đội Việt Nam.
“Hiện nay, Hải quân hiện đại bao gồm tàu chiến đấu mặt nước, tàu bổ trợ mặt nước, tàu ngầm, pháo binh tên lửa bờ biển, không quân hải quân, lực lượng bảo đảm kỹ thuật. Ở Việt Nam, có thêm đặc công nước, lính thủy đánh bộ.
Đặc biệt, Hải quân Việt Nam từ năm 2014 trở đi có thêm lực lượng tàu ngầm. Đó là một lực lượng chiến đấu trong lòng nước biển, có đặc điểm bí mật, bất ngờ và sức công phá của vũ khí mà nó sử dụng rất mạnh như: ngư lôi, thủy lôi, tên lửa. Những cái đó tạo nên sức mạnh cho Hải quân Việt Nam và là ước mơ của toàn dân”, ông Lâm nhấn mạnh.
Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam cho biết, tàu ngầm Kilo chúng ta đang sở hữu có mặt ưu việt là tiếng ồn ít, tốc độ vừa phải, độ sâu đến 300m cùng với vũ khí là ngư lôi và tên lửa. Khi được trang bị vũ khí trên, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông trước những đe dọa từ kẻ thù.
“Tàu ngầm có một sức mạnh rất lớn. Tìm ra một chiếc tàu ngầm trong nước biển sâu không phải dễ. Tôi đã từng dẫn đoàn tàu đi tìm tàu ngầm của Liên Xô ngày xưa từ Cam Ranh đưa ra Đà Nẵng.
Một ngày từ 8h sáng đến 16h chiều mà chỉ vài lần phát hiện được tàu ngầm của Liên Xô. Mà mỗi lần như vậy chỉ 2-3 phút. Vì vậy tàu ngầm hoạt động trên biển là một sự uy hiếp rất lớn với đối phương.
Nhìn lại lịch sử đại chiến thế giới thứ 2 có thể thấy rõ điều này. Đức quốc xã chỉ sử dụng 1 số tàu ngầm lớp U đã làm cho các tàu chở hàng từ Mỹ qua Anh hay từ Anh qua Mỹ giữa lòng Đại Tây Dương hoàn toàn sống trong sự đe dọa. Tàu ngầm trên cũng từng đánh đắm hàng chục triệu tấn hàng từ các tàu vận tải của Mỹ và các nước khác.
Cho nên kỳ vọng của tôi là tàu ngầm Kilo sẽ là một lực lượng có tác dụng rất lớn về mặt tác chiến. Trong thời bình chúng ta bảo vệ bờ biển, bảo vệ biển đảo. Và thời chiến, chúng ta sẵn sàng giáng trả đối phương những đòn đích đáng”, ông Lâm tin tưởng.
Chủ động khắc phục khó khăn
Là người có nhiều thời gian gắn bó với lực lượng Hải quân, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định, khi tiếp nhận 6 tàu Kilo vào thời điểm này, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi.
Đầu tiên đó là đội ngũ cán bộ được cử sang đào tạo tại Nga một thời gian khá dài và đã nắm bắt được một số yêu cầu kỹ thuật, kinh nghiệm về tàu ngầm.
Ngoài ra, điều kiện về kinh tế, công nghệ, khoa học kỹ thuật của Việt Nam đã phát triển một bước tương đối tốt so với những năm 80.
“Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo cho hoạt động của tàu ngầm. Thứ nhất, chúng ta đủ sức để nghiên cứu về thực phẩm, làm sao cho tàu ngầm ở bờ ăn uống bình thường, nhưng khi ra biển sâu hàng tháng, khi khó khăn không nấu được thì vẫn có thực phẩm đảm bảo đủ sức cho cán bộ chiến sĩ.
Thứ hai, chúng ta có đủ tiền để mua các trang thiết bị bảo đảm cho tàu ngầm hoạt động. Thực tế trước nay khi đi ra ngoài biển xa mà có vấn đề sự cố thì việc cấp cứu không phải chuyện bình thường. Việc thông tin liên lạc rất khó khăn. Tuy nhiên với hiện nay chúng ta đủ sức làm việc này. Nhờ phương tiện định vị ở dưới nước nên có thể tìm kiếm và khắc phục các sự cố.
Thứ ba, chúng ta có đầy đủ các điều kiện để vừa học tập vừa quản lý đồng thời nếu cần có thể mua thêm. Trường hợp khó khăn, có thể mời chuyên gia có kinh nghiệm của các nước đã từng hoạt động tàu ngầm hàng thế kỷ đến Việt Nam để giúp đỡ”, ông Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh những thuận lợi trên, vị Chuẩn đô đốc cũng thừa nhận, trong tác chiến của lực lượng vũ trang luôn luôn xuất hiện những tình huống khó khăn. Đi đôi với nó phải có cách xử lý những tình huống đó cho thích hợp.
“Việt Nam hiện đang sở hữu 6 tàu ngầm nhưng phải nói chúng ta chưa có kinh nghiệm về hoạt động tàu ngầm. Năm 2014 chúng ta mới cử lực lượng đi học ở Nga và bây giờ về. Ở Nga họ cũng dạy cho chúng ta những cái cơ bản nhưng biển Đông của Việt Nam và ra ngoài Thái Bình Dương điều kiện nước biển và địa lý rất khác biệt. Cho nên nước Nga dạy cho chúng ta những kinh nghiệm về mặt nguyên tắc, còn chúng ta phải nắm được thực tế của biển Đông, thực tế của biển Việt Nam để hoạt động đảm bảo an toàn, không xảy ra các sự cố.
Ngoài ra, chúng ta phải khắc phục, nghiên cứu khoa học biển vì khoa học biển rất mênh mông và nhiều thứ. Chẳng hạn như 7 chế độ thủy âm của nước biển chúng ta phải nắm vững vì nó thay đổi hàng ngày.
Ngoài ra còn những khó khăn mà đối phương trực tiếp gây cho chúng ta. Đừng nói chúng ta có 6 tàu ngầm hiện đại thì cứ thế hoạt động, không gặp vấn đề gì. Chúng ta phải biết trong khó khăn tìm ra cái tối ưu và phương pháp hay nhất để vượt qua”, ông Lâm nói.
Hoàng Hà
Theo Báo Đất Việt