Trang Sina vừa đăng chùm ảnh về tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam kèm theo phân tích từ chuyên gia nước ngoài.
Lựa chọn của Việt Nam khi Nga bán thêm tàu ngầm
- Cập nhật : 01/03/2017
Theo Sputnik ngày 28/2, trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự Vladimir Kozhin cho biết, Moskva sẵn sàng bán thêm tàu ngầm, tàu nổi cho Việt Nam.
Mua thêm
Ông Vladimir Kozhin phát biểu với truyền thông Nga: "Căn cứ vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta, phía Nga đã bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho phía Việt Nam trong việc củng cố quân đội, kể cả việc cung cấp các tàu nổi và tàu ngầm hiện đại".
Tuyên bố của ông Kozhin được đưa ra cùng ngày với việc Hải quân Việt Nam tổ chức lễ thượng cờ cấp Quốc gia cho hai tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga là HQ-186 Đà Nẵng và HQ-187 Bà Rịa – Vũng Tàu tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.
"Các tàu ngầm đã được Hải quân Việt Nam chính thức đưa vào biên chế", ông Vladimir Kozhin thông báo. Hợp đồng đặt mua 6 tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam đã được hoàn thành, đưa Hải quân Việt Nam trở thành lực lượng có hạm đội tàu ngầm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Trước mắt, số lượng trên là tạm đủ đối với nhu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, từ năm 2018 trở đi các tàu ngầm sẽ lần lượt phải đưa vào bảo dưỡng định kỳ, dẫn đến việc thiếu hụt.
Từ thực tế này, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia quân sự người Úc đưa ra nhận định, thực tế Việt Nam sẽ có 2 chiếc Kilo trong tình trạng trực chiến thường xuyên, 2 chiếc dự trữ và 2 chiếc khác ở trạng thái bảo dưỡng.
Vì vậy, để thực sự đủ khả năng đương đầu với những đối thủ hùng mạnh, Hải quân Việt Nam cần được bổ sung một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại hơn. Vậy loại tàu ngầm mới nào tỏ ra phù hợp để trang bị cho lữ đoàn này khi Nga sẵn sàng bán thêm tàu ngầm cho Việt Nam?
Đâu sẽ là lựa chọn?
Theo Giáo sư Carl Thayer, ứng viên đầu tiên sẽ được nghĩ tới chắc chắn sẽ là thế hệ sau của Kilo - tàu ngầm lớp Lada với phiên bản xuất khẩu Amur 1650 hoặc Amur 950. Lada được trang bị vũ khí và hệ thống điều khiển tự động hóa tiên tiến, động cơ kiểu mới rất yên tĩnh với độ ồn nhỏ hơn Kilo nhiều lần nhằm nâng cao khả năng tàng hình.
Đặc biệt, Lada là thế hệ tàu ngầm thông thường đầu tiên của Nga được lắp đặt hệ thống động lực không cần không khí (AIP), cho thời gian hoạt động ngầm dưới biển lâu hơn hẳn Kilo. Nhưng rất tiếc sau khi chiếc Lada đầu tiên mang tên St Petersburg hoàn thành, quá trình thử nghiệm đã phát hiện vô số trục trặc về hệ thống sonar và động cơ chạy điện.
Đáng ngại nhất là hệ thống AIP vẫn chưa đảm bảo an toàn, rất dễ xảy ra cháy nổ trong quá trình vận hành, điều này thực sự là thảm họa tiềm ẩn. Thậm chí cho đến thời điểm hiện tại, Lada vẫn không đáp ứng được các yêu cầu của Hải quân Nga, khiến các nhà máy phải tiếp tục đóng tàu ngầm Kilo 636.3 để cung cấp cho các hạm đội.
Trong trường hợp Lada không đáp ứng được yêu cầu thì Việt Nam có thể lựa chọn phương án khác đó là quay sang mua tàu ngầm của phương Tây. Hiện tại hai cường quốc tàu ngầm thông thường của châu Âu là Pháp và Đức, nhưng do quan hệ quốc phòng Việt Nam - Đức chưa đủ thân thiết, nên cơ hội để tàu ngầm Đức xuất hiện trong biên chế của Hải quân Việt Nam gần như không có.
Vì vậy, tàu ngầm Scorpene của Pháp trở thành ứng cử viên sáng giá cho Hải quân Việt Nam. Scorpene là sản phẩm của Tập đoàn DCNS, tàu được ứng dụng những tiến bộ mới nhất trong cấu trúc module, sử dụng nhiều công nghệ đặc biệt giúp tăng khả năng tàng hình trước hệ thống định vị thủy âm đối phương.
Scorpene được trang bị sonar quét mảng pha thụ động song song, tích hợp dẫn đường DR3000 do hãng Thales phát triển và hệ thống sonar ứng dụng công nghệ quét mảng pha đa chiều S-Cube là TSM2233M và TSM2253 thuộc hàng tiên tiến nhất hiện nay. Vũ khí của Scorpene gồm 6 ống phóng lôi cỡ 533 mm, mang theo ngư lôi hạng nặng Black Shark và cả tên lửa đối hạm SM-39 Exocet.
Đặc biệt, hệ thống AIP lắp đặt trên Scopene có độ tin cậy rất cao, cho thời gian lặn và hoạt động liên tục lâu hơn so với tàu ngầm không có AIP. Theo nhà sản xuất, Scorpene hoạt động liên tục được tới 71 ngày trên biển, vượt xa Kilo 636 của Nga.
Chiếc tàu ngầm diesel-điện thuộc thế hệ thứ tư này còn giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tránh việc bị "bắt bài" khi hai bên đều đã quá hiểu về ưu, nhược điểm của nhau. Ngoài ra, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm vận hành hay được hỗ trợ công tác đào tạo thủy thủ từ Ấn Độ, khi hải quân nước này đã ký hợp đồng đóng theo giấy phép tới 6 chiếc Scorpene.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, rất có thể sau năm 2020, Hải quân Việt Nam sẽ được bổ sung một lữ đoàn tàu ngầm Scorpene tiên tiến, để cùng với Lữ đoàn 189 hiện tại tạo thành gọng kìm nghiền nát mọi tham vọng xâm phạm chủ quyền biển đảo của thế lực bên ngoài.
Theo Báo Đất Việt