Pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad có trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam từ thập niên 1980 và hiện nay đã được nâng cấp lên chuẩn BM-21M-1.
Chuyên gia Trung Quốc soi năng lực 'phòng thủ chủ động' của Việt Nam
- Cập nhật : 24/06/2018
Trang Sina vừa đăng chùm ảnh về tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam kèm theo phân tích từ chuyên gia nước ngoài.
Sina cho biết hiện nay hạm đội tàu ngầm của Việt Nam gồm có 6 chiếc Kilo 636.1 thuộc biên chế Lữ đoàn 189 đóng tại căn cứ hải quân Cam Ranh, đây là đơn vị tàu ngầm thứ hai của Việt Nam bởi vì cách đây 20 năm Việt Nam đã thành lập một đơn vị tương tự.
Tờ báo Trung Quốc dẫn nguồn từ tạp chí National Interest phát hành ngày 26/5 cho biết, Hải quân Việt Nam được xây dựng theo hướng thực hiện chiến thuật phi đối xứng, sẽ triển khai đòn tấn công thông qua tên lửa phóng từ tàu ngầm trên một địa bàn rộng lớn kéo dài dọc đường bờ biển của mình nhằm khiến cho đối phương "bị chảy máu".
Theo các nhà nghiên cứu Drake Grossman và Seng Ying, Việt Nam đang mua sắm và chế tạo vũ khí phục vụ một học thuyết quân sự riêng nhằm đối phó hiệu quả với một cuộc xung đột trong tương lai có thể xảy ra ở Biển Đông.
Mặc dù vậy, hai tác giả trên tỏ ra không chắc chắn liệu Việt Nam có đủ sức hay ý định thực hiện một trận chiến với sức mạnh không quân và hải quân tổng lực theo cách thức của phương Tây hay không, do trong lịch sử quân đội Việt Nam thường áp dụng một chiến thuật rất khác biệt.
Hai chuyên gia Grossman và Gao Ying đã viết: "Quân đội Việt Nam có xu hướng nghĩ rằng chiến lược tốt nhất là xác định các mối đe dọa và ngăn đối phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông càng sớm càng tốt" và "Cách tốt nhất để chống lại các hoạt động đổ bộ và đột kích đường không là chiến đấu với kẻ địch từ vị trí cách xa bờ biển".
Việt Nam có thể tung đòn tấn công vào các căn cứ quân sự, hải cảng, cụm đảm bảo hậu cần của kẻ địch thông qua tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm, tên lửa bờ, pháo binh tầm xa và một số lực lượng khác.
Grossman và Gao Ying cũng đã viết: "Để thực hiện chiến lược 'chiến tranh nhân dân biển', người Việt Nam sẽ tận dụng các lợi thế địa lý, đặc biệt là những vịnh và hải đảo cũng như vị trí hỗ trợ hậu cần.
Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo 636 do Nga chế tạo và tên lửa phòng thủ ven biển K-300P Bastion-P. Đồng thời họ sẽ sử dụng hàng ngàn tàu dân sự nhỏ như những tai mắt ngoài khơi để cung cấp tin tình báo sớm".
Đối với việc sử dụng không quân, hai tác giả trên đánh giá rằng các tiêm kích Su-30MK2 sẽ được triển khai một cách thận trọng và "Đáng chú ý là chúng tôi chưa thấy bất kỳ đề cập nào về hình thức tác chiến không đối không".
Còn đối với chiến tranh trên bộ, mặc dù chỉ chú trọng nghiên cứu học thuyết sử dụng không quân và hải quân của Việt Nam nhưng Grossman và Gao Ying cho rằng chiến thuật của họ sẽ tương tự như đối với 2 kẻ địch cũ là Pháp và Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đã xây dựng một chiến lược phòng thủ để chống lại các hoạt động đổ bộ đường biển và đường không.
Rõ ràng Việt Nam nghĩ rằng khả năng gặp phải các tình huống như vậy trong tương lai là cao hơn quá khứ, cho nên họ phải thử nghiệm các khả năng mới chẳng hạn như huy động lực lượng không quân và hoạt động cơ giới hóa, nhưng về cơ bản nó vẫn là "chiến tranh nhân dân" và tập trung vào phòng thủ.
Tùng Dương
Theo Baodatviet.vn