Tin Biển Đông

 
 
 

Trung Quốc: Máy bay ném bom chiến lược H-20 sẽ bay thử cuối năm nay?

  • Cập nhật : 25/04/2017

Máy bay ném bom H-20 sẽ ra đời chậm nhất là cuối năm 2017, sẽ được công bố vào thời điểm đặc biệt. H-20 được thiết kế dựa trên cơ sở công nghệ tích lũy từ lâu, có điểm giống với máy bay B-2 của Mỹ, sẽ có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.

may bay nem bom chien luoc tuong lai cua trung quoc do cong dong mang ve. anh: sohu

Máy bay ném bom chiến lược tương lai của Trung Quốc do cộng động mạng vẽ. Ảnh: Sohu

Tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) và Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mấy ngày gần đây đã có một số bài viết về khả năng Trung Quốc sắp cho ra đời máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới.
Báo Singapore dẫn lời bình luận viên quân sự Trung Quốc Trần Quang Văn, dựa trên kinh nghiệm cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư J-20 đã tiến hành bay thử lần đầu tiên chỉ 14 tháng sau khi Phó Tư lệnh Không quân Trung Quốc tuyên bố đang nghiên cứu phát triển. 
Lần này, thời gian từ khi Tư lệnh Không quân Trung Quốc tuyên bố đang nghiên cứu phát triển máy bay ném bom chiến lược, đã được 7 tháng, do đó có thể dự báo, “đã nhanh chóng đến lúc máy bay H-20 ra đời”, “chậm nhất là cuối năm”.
Theo Trần Quang Văn, trước đây, J-20 bay thử lần đầu tiên đúng lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates thăm Trung Quốc, vì vậy lần này, thời điểm để máy bay ném bom H-20  bay thử cũng có thể là một “thời khắc đặc biệt”. 
Tờ Aviation Week & Space Technology (Mỹ) ngày 18/4 cho rằng Trung Quốc vẫn rất quan tâm đến lực lượng đường không tầm xa. Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An, nhà chế tạo máy bay quân dụng lớn chủ yếu của quân đội Trung Quốc rất có thể là nhà thầu chính của máy bay ném bom mới.
H-20 sẽ là máy bay ném bom tầm xa có khả năng sống sót cao, chủ yếu trang bị tên lửa hành trình, có thể được sử dụng phối hợp với máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
Giống như máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của Mỹ và Nga, H-20 có thể áp dụng kết cấu “kiểu cánh bay” có khả năng dò tìm thấp, tốc độ cận âm. Nếu áp dụng kết cấu này thì H-20 cơ bản “có điểm giống nhất định” với máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ.

ten lua hanh trinh cj-20 do trung quoc trung bay tai trien lam hang khong chu hai. anh: sohu

Tên lửa hành trình CJ-20 do Trung Quốc trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: Sohu

Theo Trần Quang Văn, sứ mệnh then chốt của H-20 là xây dựng lực lượng răn đe chiến lược xuyên lục địa tin cậy, tận dụng khả năng siêu tàng hình và hành trình không dưới 12.000 km (thực hiện một lần tiếp dầu có thể đạt 18.000 km) và khả năng có thể mang theo khoảng 12 quả tên lửa hành trình CJ-20, hình thành khả năng vươn tới Bắc Mỹ, đạt mục đích răn đe lực lượng quân sự Mỹ.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 22/4, Trung Quốc là một trong số ít nước lớn hạt nhân trên thế giới có khả năng tấn công hạt nhân “tam vị nhất thể” mạnh, nhưng lực lượng hạt nhân đường không còn tương đối yếu so với Mỹ và Nga.
Từ lâu, Trung Quốc luôn dựa vào máy bay ném bom H-6 để tiến hành nhiệm vụ tấn công hạt nhân, nhưng bản thân H-6 tồn tại nhiều điểm yếu, không phải là một trang bị thật tốt. Trong khi đó, B-2, B-1 và B-52 của Mỹ đều là những máy bay ném bom chiến lược tính năng cao; còn Nga sở hữu các máy bay ném bom như Tu-95 và Tu-160.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã nắm được công nghệ tàng hình sau khi nghiên cứu phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình như J-20; đồng thời đã nắm được các công nghệ quan trọng như công nghệ thiết kế khí động học của máy bay cỡ lớn khi nghiên cứu phát triển các máy bay như Y-20 và C919. Đây là những tích lũy công nghệ không thể thiếu đối với nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom tàng hình.

Ngày 1/9/2016, Tư lệnh Không quân Trung Quốc, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên cũng đã cho biết khả năng tấn công tầm xa hiện nay của Không quân Trung Quốc đã được nâng lên rất lớn, nhưng còn có khoảng cách nhất định với một số nước phát triển. Vì vậy, trong tương lai còn phải được cải thiện lớn hơn.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới của Trung Quốc sẽ ra đời, vấn đề còn lại chính là thời gian. 

Phong Vân
Theo Viettimes.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục