Tin Biển Đông

 
 
 

Tàu Mỹ tập hợp về căn cứ khu vực Biển Đông

  • Cập nhật : 12/10/2016

Philippines hôm qua (8/10) cho biết, một căn cứ hướng ra Biển Đông của nước này có thể đóng vai trò quan trọng như là trung tâm cho các tàu chiến Mỹ tập hợp khi Washington thực hiện kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương. Căn cứ mà Manila nói đến ở đây chính là căn cứ hải quân Vịnh Subic.
 
Từng là căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của quân đội Mỹ, căn cứ hải quân Vịnh Subic nằm cách thủ đô Manila khoảng 80km về phía đông bắc. Sau khi Mỹ rút khỏi căn cứ này năm 1992, nó đã được chuyển đổi thành một cảng tự do và một khu du lịch.
 
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Philippines hôm qua tuyên bố, với việc Mỹ đang có kế hoạch đưa một lượng lớn hạm đội tàu chiến của nước này đến Thái Bình Dương vào năm 2020 nhằm thực hiện mục tiêu hướng vào Châu Á, cường quốc quân sự số 1 thế giới sẽ cần đến những vịnh nước sâu tự nhiên cho những chiếc tàu chiến và tàu ngầm của họ.
 
"Dựa vào thông báo chính thức của Mỹ, sẽ có một sự tái điều chỉnh chiến lược và điều đó có nghĩa là, Mỹ sẽ đưa nhiều khí tài và nhiều máy bay hơn đến Tây Thái Bình Dương. Khi Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược của mình, căn cứ Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng bởi nó là một trong những cơ sở then chốt có thể phục vụ cho sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương", ông Edilberto Adan, một cựu tướng quân đội và đang đứng đầu Ủy ban Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA) của Philippines, cho biết.
 
Theo ông Adan, căn cứ Subic có thể cung cấp những dịch vụ mà tàu chiến hoặc máy bay của hải quân Mỹ cần.
 
Những phát biểu mang đầy tính gợi ý trên được ông Adan đưa ra ngay trên tàu USS Bonhomme Richard của Mỹ. Chiếc tàu đổ bộ tấn công của Hải quân Mỹ này đang có mặt tại vịnh Subic để tham gia cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày với các lực lượng Philippines.
 
Subic cùng với căn cứ không quân Clack gần đó từng là những cơ sở quan trọng có tính then chốt của Mỹ trong khu vực. Căn cứ Clark bị đóng cửa năm 1991 sau khi Núi lửa Pinatubo gần đó phun trào, biến căn cứ này thành tro và không còn có thể sử dụng được nữa.
 
Căn cứ Subic ở phía bắc thành phố Olangapo và hướng ra Biển Đông không bị hề hấn gì trong vụ núi lửa phun trào. Tuy nhiên, trước tinh thần dân tộc trỗi lên mạnh mẽ và làn sóng biểu tình đòi Mỹ rút khỏi Philippines, Thượng viện nước này năm 1992 đã bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ Subic. Tháng 11 năm 1992, các tàu của Mỹ lần lượt rời khỏi Subic.
 
Tuy nhiên, đến năm 1999, Philippines lại thông qua một thỏa thuận về các chuyến viếng thăm quân sự với Mỹ và cho phép hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Từ đó, tàu chiến Mỹ thường xuyên đến Philippines và quân đội Mỹ hàng năm tham gia vài cuộc tập trận chung khác nhau với Philippines.
 
Ông Adan – người phụ trách ủy ban chịu trách nhiệm giám sát các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Philippines, cho biết, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Philippines có thể giúp bảo vệ các vùng lãnh hải xung quanh.
 
"Mối quan ngại của chúng tôi và của tất cả mọi người trong khu vực là về sự tự do hàng hải, về việc đảm bảo sao cho các hoạt động giao thương và các tuyến đường biển không bị cản trở”, ông Adan nói thêm.
 
Dù không nói ra nhưng việc Philippines mở rộng cửa đón tàu chiến Mỹ vào căn cứ Subic chủ yếu là nhằm đối phó với Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi Philippines và nước láng giềng khổng lồ có cuộc đối đầu kéo dài và căng thẳng vì tranh chấp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
 
Mỹ, Philippines tập trận chung nhằm vào Trung Quốc?
 
Trong một diễn biến liên quan, Mỹ và Philippines hôm qua vừa khai hỏa một cuộc tập trận ở căn cứ Subic. Tuy nhiên, một quan chức quân sự hàng đầu của Philippines khẳng định, cuộc tập trận này không liên quan gì đến cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay giữa họ với nước láng giềng Trung Quốc ở Biển  Đông.
 
Các quan chức từ lực lượng vũ trang hai nước Mỹ, Philippines đã tham dự lễ khởi động cuộc Tập trận Đổ bộ Mỹ-Philippines (Phiblex) 2013 kéo dài 10 ngày trên một tàu chiến của Mỹ. Đó là tàu USS Bonhomme Richard. Con tàu này đang đậu gần với tàu ngầm USS Olympia của Mỹ và cả hai tàu đang tham gia cuộc tập trận Phiblex cùng với những tàu khác của cả hai nước.
 
Phó Đô đốc Alexander Pama, sĩ quan chỉ huy của lực lượng  Hải quân Philippines cho biết, cuộc tập trận chung lần này với Mỹ là nhằm để “nâng cao khả năng tương tác giữa lực lượng hai nước”.
 
Khi được hỏi, cuộc tập trận đang diễn ra có liên quan gì đến các cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, ông Pama đã trả lời: “Điều này sẽ cần phải được chuẩn bị nhiều hơn và chúng tôi sẽ phải phối hợp với nhau nhiều hơn nhưng kịch bản đó không có trong kế hoạch tập trận lần này của chúng tôi”.
 
Phó Đô đốc Pama khẳng định, cuộc tập trận Phiblex là một “sự kiện thường niên và không phải là một hành động đáp trả trực tiếp nhằm vào mối đe dọa Trung Quốc đang hiền hiện ở Biển Đông”.
 
Về phía mình, người chỉ huy cuộc tập trận bên phía Mỹ - Thiếu tướng Craig Timberlake, cho biết, cuộc tập trận Phiblex là nhằm nâng cao năng lực của quân đội Mỹ, Philippines đồng thời củng cố mối quan hệ giữa hai nước.
 
Theo ông Timberlake, Philippines là “đồng minh lâu đời nhất và thân thiết nhất” của Mỹ và hai bên cùng chia sẻ một lịch sử chung. Ông Timberlake nhấn mạnh, hai nước Mỹ, Philippines đã cùng chiến đấu bên cạnh nhau trong thế chiến II.

 

Kiệt Linh - (theo Bangkok Post, Inquirer, VNmedia)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục