Tin Biển Đông

 
 
 

Cuộc đua dầu khí Đông Nam Á

  • Cập nhật : 12/10/2016

Malaysia cấp tập đầu tư nhiều công trình trị giá tỉ USD để vượt qua Singapore trong cuộc đua trở thành trung tâm dịch vụ dầu khí châu Á.
 

Tháng 8.2006, Singapore thông báo xây dựng một cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để nhập khí đốt từ khắp thế giới, nhằm đa dạng hóa nguồn cung cho nhu cầu nội địa. LNG là dạng hóa lỏng ở nhiệt độ -160oC của khí đốt thiên nhiên, rất thuận tiện cho việc vận tải xuyên đại dương. Đến nay, 80% điện năng tiêu thụ tại đảo quốc này có nguồn gốc từ LNG do 2 láng giềng là Malaysia và Indonesia cung cấp với giá cao hơn 30% so với thị trường Mỹ.

Công trình trên trị giá 1,4 tỉ USD được khởi công vào cuối tháng 3.2010 trên đảo nhân tạo Jurong phía tây nam Singapore. Sau khi hoàn thành, đây là cảng đầu tiên trên thế giới hội tụ cả hai chức năng nhập và xuất khẩu LNG. Lâu nay, các cảng trên thế giới chỉ đảm nhiệm một trong hai công đoạn hóa lỏng ở đầu xuất hay tái khí hóa ở đầu nhập.

 

Cuộc đua dầu khí Đông Nam Á 
Singapore đang khẩn trương thi công cảng khí hóa lỏng đa năng đầu tiên trên thế giới - Ảnh: SLNG

Hiện nay, dự án của đảo quốc sư tử sắp hoàn thành giai đoạn 1 với 1 cầu cảng và 2 bồn chứa có khả năng xử lý 3,5 triệu tấn khí/năm sẽ được đưa vào sử dụng trong quý 2 2013. Giai đoạn 2 sẽ có thêm 2 cầu cảng và 1 bồn chứa. Ngày 24.10, Singapore thông báo dự định xây thêm bồn chứa thứ 4 trị giá khoảng 400 triệu USD, nâng công suất toàn bộ công trình lên 9 triệu tấn/năm vào năm 2017. Xa hơn, Singapore đang cân nhắc xây cảng LNG thứ hai.

Tham vọng của Singapore không chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu LNG đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn là chế biến và tái xuất sang các nước châu Á vốn đang tiêu thụ 80% LNG toàn cầu.

Cạnh tranh láng giềng

Trong khi đó, nước láng giềng của đảo quốc sư tử là Malaysia cũng nhận ra nhu cầu LNG tại châu Á. Thay vì tập trung xuất khẩu LNG, chính phủ của Thủ tướng Malaysia Najib Razak hồi tháng 6.2010 công bố kế hoạch xây dựng cảng tái khí hóa LNG đầu tiên ở Sungai Udang, mạn tây bang Malacca. Công trình này được thực hiện bởi liên doanh giữa tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas và Shell của Hà Lan gồm 1 cầu cảng, 2 bể chứa nổi và 3 km ống dẫn khí dưới lòng biển nối với 30 km ống dẫn khí trên bờ đã hoàn tất hồi đầu tháng 6.2012. Với tốc độ hoàn thành trước hạn 2 năm và chi phí ít hơn khoản dự toán 1 tỉ USD, công trình có công suất xử lý 3,8 triệu tấn khí/năm cho thấy tham vọng mãnh liệt của Malaysia nhằm cạnh tranh với Singapore.

Chưa hết, đầu năm nay Malaysia tiến hành xây dựng khu công nghiệp dầu khí Sipatang ở bang Sarawak trên đảo Borneo với kinh phí 1,5 tỉ USD, dự kiến hoàn thành năm 2015. Đến giữa tháng 9, nước này chính thức thông báo xây cảng thương mại LNG độc lập đầu tiên của châu Á ở bang Johor kề cận Singapore, với chi phí 1,3 tỉ USD, công suất 3,6 triệu tấn/năm. Công trình này nằm trong Tổ hợp dầu khí Pengerang, gồm cả nhà máy lọc dầu công suất 300.000 thùng/ngày trị giá 20 tỉ USD. Toàn bộ tổ hợp dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Cũng trong tháng 9, Thủ tướng Najib Razak khẳng định trước quốc hội Malaysia rằng: “Mục tiêu của chính phủ là đưa Malaysia từ một nước xuất dầu mỏ thành một trung tâm thương mại dầu khí tổng hợp”.

Chạy đua sẽ khốc liệt?

Malaysia với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào, cộng với đất đai rộng rãi là những lợi thế mà Thứ trưởng Bộ Công thương Singapore S.Iswaran phải thừa nhận. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua trở thành trung tâm dịch vụ thương mại dầu khí nói chung và LNG nói riêng, Singapore có lợi thế hơn hẳn. Là trung tâm giao dịch dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới suốt nhiều thập niên qua, đảo quốc sư tử không chỉ sở hữu cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm mà còn có hệ thống luật pháp, ngân hàng hỗ trợ rất bài bản. Singapore cũng là nơi tập trung hàng loạt nhà máy lọc dầu của các đại gia thế giới như Exxon Mobile, Shell, BP… với tổng công suất 1,3 triệu m3 dầu thô/ngày. Chưa hết, Singapore nằm ở vị trí chiến lược hơn trên hải trình vận chuyển dầu khí từ Trung Đông, Úc, Indonesia đến các thị trường lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc… Ngược lại, cách thức mà ông Najib đưa ra là Malaysia có nhiều chính sách ưu đãi khác và mức thuế thấp hơn Singapore.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanh Niên


 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục