Tin Biển Đông

 
 
 

Giải mã Trung Quốc đưa tên lửa ra Trường Sa

  • Cập nhật : 12/05/2018

Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là từng bước thực hiện tối đa những đòi hỏi quá đáng về vấn đề chủ quyền biển, đảo mà họ đặt ra.

Hãng CNBC hồi đầu tháng 5 vừa qua dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc (TQ) đã triển khai các tên lửa diệt hạm YJ-12B và tổ hợp phòng không HQ-9B trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (VN).

GS Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh), chuyên gia về chính trị và ngoại giao của ĐH George Mason (Mỹ), nhận định với Pháp Luật TP.HCM rằng TQ đang kiên trì thực hiện mục tiêu đòi hỏi chủ quyền một cách quá đáng, đồng thời đẩy lùi sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.

Tại sao chọn thời điểm này?

Phóng viên: Thưa giáo sư, việc TQ triển khai các hệ thống tên lửa ở ba điểm, gồm đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của VN nằm trong toan tính ngắn hạn và dài hạn nào của quốc gia này ở biển Đông?

gs nguyen manh hung

GS Nguyễn Mạnh Hùng

+ GS Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi thì động thái này trong ngắn hạn TQ nhắm đến việc tăng cường khả năng quân sự và thay đổi cán cân lực lượng ở biển Đông theo chiều hướng thuận lợi cho TQ. Mục tiêu dài hạn của TQ là từng bước thực hiện tối đa những đòi hỏi quá đáng về vấn đề chủ quyền biển, đảo mà họ đặt ra. Từ đó từng bước đẩy lùi sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ở biển Đông nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Mục tiêu này được TQ thực hiện một cách kiên trì, uyển chuyển và cơ hội.

. Tại sao TQ chọn thời điểm hiện nay để tiến hành đưa tên lửa ra Trường Sa, thưa giáo sư?

+ Về thời cơ thì đây là lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cần TQ trợ giúp trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. Vì vậy cho nên Mỹ không thể và cũng không có thế để phản ứng cứng rắn với hành động của TQ.

Vậy vì sao TQ chọn đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn là ba vị trí (trong khi TQ chiếm và cải tạo bảy đá) ở Trường Sa để đặt tên lửa?

+ Đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn tạo thành một tam giác hay thế chân vạc chiến lược đóng khung và vây quanh nhiều đảo đang bị các quốc gia tranh chấp khác kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.

Giải mã Trung Quốc đưa tên lửa ra Trường Sa - ảnh 2
Tổ hợp phòng không HQ-9B (ảnh) và tên lửa diệt hạm YJ-12B đe dọa an ninh biển Đông. Ảnh: NAVYRECOGNITION

TQ nâng cấp khả năng phòng thủ ở những cấu trúc ấy với tên lửa chống tàu chiến có tầm hoạt động 295 hải lý và tên lửa đất đối không có tầm bắn 160 hải lý nhằm mục đích tạo khả năng răn đe và vô hiệu hóa khả năng tấn công của Mỹ. Hơn nữa, TQ muốn tạo thế áp đảo đối với các quốc gia tranh chấp khác ở khu vực.

Trong bài điều trần gần đây trước Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, Đô đốc Philip S. Davidson, tư lệnh tân cử lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, đã cảnh báo “khả năng TQ thách thức Mỹ trên mọi lĩnh vực”. Đồng thời, vị này kết luận: “Ngày nay TQ có khả năng kiểm soát biển Đông trong mọi tình huống, trừ khi Mỹ chấp nhận chiến tranh với TQ”.

Ngày 8-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng cho biết: “VN đề nghị phía TQ rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của VN, tôn trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

VIỆT LINH

 

Đe dọa an ninh hàng hải

. Trong bối cảnh tương quan lực lượng giữa TQ và các nước tranh chấp tại khu vực và sự can dự được cho là thiếu mạch lạc của Mỹ ở biển Đông thời gian qua, ông dự báo như thế nào về an ninh hàng hải tại đây trong thời gian tới?

+ Như tôi đã nói ở trên, động thái leo thang quân sự của TQ là một mối đe dọa với an ninh hàng hải theo nghĩa cổ điển thông thường của nó. Nhưng tự do lưu thông hàng hải, theo quan điểm của TQ, lại là sự tự do hàng hải được thực hiện theo luật chơi của TQ đặt ra.

. VN nên làm gì trong tình thế hiện nay, thưa giáo sư?

+ Cá nhân tôi không muốn qua mặt các chiến lược gia của VN. Điều mà ai cũng biết là muốn chống lại sự lấn lướt của một nước lớn hơn thì phải tìm đối lực. Đối lực ấy phần lớn là do sức mạnh của chính mình, cộng thêm với sức mạnh của các đồng minh và đối tác. Việc đắc cử tổng thống Philippines của ông Rodrigo Duterte, kéo theo đó là chính sách xa Mỹ gần TQ của nước này đã tạo cơ hội cho TQ gia tăng khả năng áp đảo của mình, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ASEAN. Đó là những diễn biến bất lợi cho VN. Dù VN đã có nhiều cố gắng nhưng đang rơi vào thế khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ không hẳn là không có hướng ra.

. Xin cám ơn giáo sư.

Các tên lửa diệt hạm YJ-12B và tổ hợp phòng không HQ-9B được đánh giá có mức độ nguy hiểm rất cao, không chỉ với các quốc gia trong khu vực tranh chấp mà ngay cả đối với lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực. YJ-12B là biến thể của YJ-12, là tên lửa chống hạm siêu thanh có tầm bắn gần 550 km, được phóng từ máy bay chiến đấu. YJ-12B được đánh giá là tên lửa chống tàu nguy hiểm nhất mà TQ chế tạo được cho đến lúc này, có khả năng đe dọa được các tàu sân bay của Mỹ. Trong khi đó, HQ-9B là hệ thống tên lửa đất đối không, có thể nhắm mục tiêu là máy bay, máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình với tầm bắn đến gần 300 km. 


ĐỖ THIỆN thực hiện
Theo Plo.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục