Tin Biển Đông

 
 
 

"Đội quân khí cầu" của những quân đội hùng mạnh

  • Cập nhật : 12/10/2016

Trong cuộc chiến với Afghanistan, để chống lại đội quân Taliban thiện chiến, sẵn sàng tử vì đạo, quân đội Mỹ đã sử dụng hàng ngàn khinh khí cầu điều khiển được trang bị camera hồng ngoại và camera màu để do thám.

Công nghệ từ thời xa xưa

Theo những tài liệu ghi chép lại, ngay từ thời Ngũ Đại ở Trung Quốc (sau khi nhà Đường sụp đổ và trước khi thành lập nhà Tống) người ta đã phát minh ra "đèn Khổng Minh". Loại đèn này có thể bay cao nhờ lợi dụng không khí nóng, chủ yếu được sử dụng vào việc liên lạc trong quân sự.

Cuối thế kỷ XVIII, khi hai anh em nhà sáng chế người Pháp - Montgolfier phát minh ra khinh khí cầu có thể chở người đã tạo ra một cột mốc quan trọng trong việc chinh phục bầu trời của con người. Từ đó về sau, khí cầu đã được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh.

Đội quân khí cầu trinh sát tại Afghanistan.

Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ (năm 1861), cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870) và chiến tranh Áo - Ý (1894) khinh khí cầu đã phát huy tác dụng quan trọng. Dù vậy, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Trung Quốc là nước đầu tiên đầu tư mạnh để phát triển phương tiện chiến tranh này.

Năm 1905, được gợi mở từ các tư tưởng hàng không cấp tiến, Tổng đốc Hồ Quảng là Trương Chi Động đã mua từ Nhật Bản về 2 chiếc khí cầu trinh sát kiểu Yamada. Loại khí cầu này có hình e-lip, đường kính 3m, dài hơn 10m, phía dưới có giỏ treo để chỉ huy quân sĩ chiến đấu. Trong điều kiện chiến trận lúc bấy giờ, loại khí cầu trinh sát này được đánh giá là thiết bị vô cùng tiên tiến, tạo ra nhiều bước ngoặt trong chiến đấu.

Không lâu sau đó, nhờ sự thúc đẩy của phái Duy tân, quân đội các địa phương Trung Quốc lần lượt thành lập đội trinh sát khí cầu. Tháng 4/1908, lục quân ở Hồ Bắc đã thành lập đội trinh sát khí cầu đầu tiên. Đây được coi là lực lượng không quân sơ khai nhất của Trung Quốc. Để tăng cường sức chiến đấu cho đội quân này, chính quyền nhà Thanh còn ban hành "Lục quân khí cầu dự bị pháp" (Luật dự bị khí cầu lục quân), quy định về việc mua khí cầu của nước ngoài, bồi dưỡng nhân sự, cũng như các quy định về tổ chức trinh sát ở các tỉnh...

Khi thấy cờ lệnh phất, đội quân khí cầu sẽ lừng lững tiến lên bầu trời. Người lính trên giỏ treo, theo chỉ thị của tướng lĩnh, liên tục phất cờ lệnh, chỉ dẫn hoạt động của các bộ quân phía dưới.

Tuy nhiên, sau khi người Mỹ phát minh ra máy bay, nhà Thanh vẫn giữ giáo điều cũ, bỏ qua cơ hội đưa quân sự không quân chuyển từ khí cầu sang phi cơ. Đội trinh sát khí cầu nhà Thanh không lâu sau đó cũng lặng lẽ chìm vào quên lãng của lịch sử. Nhờ đi đầu trong công nghệ quân sự, người Mỹ dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng nhanh chóng soán ngôi trở thành cường quốc quân sự khi cho ra đời những đội quân khí cầu vô cùng thiện chiến.

Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, khinh khí cầu có những đặc điểm ưu việt, thời gian bay dài mà không cần tiếp nhiên liệu (có thể chinh chiến qua nhiều ngày đêm), cũng như khả năng mang hàng khối lượng lớn. Khinh khí cầu có thể mang tới 150 quân nhân cùng toàn bộ trang bị chuyên dùng. Không những thế, để hạ thấp khả năng bị vô hiệu hoá, quân đội Mỹ đã dùng hỗn hợp Heli và không khí để bơm vào các vật thể bay.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ đã sử dụng hàng trăm khinh khí cầu sử dụng bom napalm để oanh tạc mục tiêu của đối phương. Mới đây, Cơ quan Phòng chống tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, họ sẽ dành hàng trăm triệu USD để phát triển đội quân khinh khí cầu hiện đại hơn, có thể bay cao ở mức 65.000 feet (khoảng 2.200m-PV).

Loại khinh khí cầu siêu hiện đại này có thể chạy bằng năng lượng mặt trời, gió, heli, đạt vận tốc hơn 48 km/giờ, trinh sát toàn bộ một thành phố khi đứng yên một vị trí nhất định trên bầu trời.

Không những thế, siêu khí cầu còn mang theo thiết bị nặng tới 500 pound, được trang bị "hệ thống cánh tay" có thể cản được đạn pháo của đối phương. Loại khinh khí cầu này cũng được gắn súng trường, rocket sẵn sàng oanh tạc mục tiêu.

Đội quân chống khủng bố của quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ đã từng sử dụng đội quân gồm hàng trăm khinh khí cầu làm nhiệm vụ quan sát tại chiến trường Afghanistan, Iraq, dọc biên giới Mỹ - Mexico. Đặc biệt, trong cuộc chiến tại Afghanistan, hàng ngàn khí cầu điều khiển được trang bị camera hồng ngoại và camera video màu được Mỹ huy động.

Chúng dài 35,6m, thường xuyên bay lượn trên bầu trời thành phố Kabul và Kandahar, cũng như bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Đội quân này sẽ có nhiệm vụ trinh thám, đề phòng những cuộc tấn công khủng bố, cho phép giới quân sự Mỹ thường xuyên theo dõi mọi diễn biến phức tạp trên đường phố Afghanistan.

Người dân Kabul cho biết những khí cầu màu trắng xuất hiện thường xuyên trên bầu trời thành phố, cả ngày lẫn đêm. Mọi người đều biết đó là những con mắt thần ở độ cao hơn 457m của quân đội Mỹ. Khí cầu helium được sử dụng lần đầu tiên ở Iraq vào năm 2004 và bắt đầu được triển khai tại Afghanistan vào năm 2007.

Quân đội Mỹ rất chuộng khí cầu gián điệp bởi vì đội quân được trang bị hiện đại này giúp họ dễ dàng phát hiện phần tử khủng bố giữa những đường phố đông người hay những quả bom cài ven đường.

Còn đối với quân Taliban và các nhóm khủng bố thì những đội quân khí cầu này trở thành nỗi khiếp sợ mới. Quân Taliban thường cố gắng tránh né những khu vực có khí cầu bay lượn và chúng thường cải trang thành nông dân để không bị dò xét.

Theo tướng Mohammad Ayoub Salangi, những tín hiệu đội quân khí cầu thu thập giúp quản lý được 70% khu vực thành phố Kabul. Khi xảy ra biến cố, chính quyền sẽ nhanh chóng triển khai những đội cảnh sát chống bạo động đến hiện trường.

Ngoài ra, mạng lưới camera đã giúp phát hiện kịp thời một chiếc ôtô chứa chất nổ của quân phiến loạn đỗ trên khoảng sân tòa nhà đang xây dựng chuẩn bị tấn công Đại sứ quán Mỹ và Tổng hành dinh NATO vào tháng 9/2011.

Người Mỹ cũng khẳng định, các camera trên khí cầu sẽ không theo dõi phụ nữ và trẻ em, cũng như khí cầu không được thiết kế để dòm ngó cuộc sống riêng tư xuyên qua những bức tường nhà dân!

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, khí cầu trang bị camera công nghệ cao đang rất cần bởi vì những chiếc drone như Predator không thể được sản xuất đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu gián điệp cho quân đội Mỹ. Mới đây nhất, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm loại khí cầu phòng thủ tên lửa, được trang bị một radar sục sạo mục tiêu tầm xa cùng một radar điều khiển hỏa lực.

Khí cầu được cố định bằng dây neo vào trạm điều khiển mặt đất ở độ cao 3000m. Trong đó, dây neo cũng chính là thiết bị truyền và nhận tín hiệu hai chiều từ trạm điều khiển lên khí cầu và ngược lại.                

Anh Văn
Theo Người Đưa Tin


 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục