Tập đoàn Uralvagonzavod có thể trang bị pháo 152 mm bắn đạn hạt nhân chiến thuật cho tăng chủ lực thế hệ ba T-14 Armata của Nga.
Cuộc chạy đua hiện đại hóa vũ khí tên lửa
- Cập nhật : 12/10/2016
Năm 2012, hầu khắp các nước Á-Âu ra sức phát triển vũ khí tên lửa và phòng thủ tên lửa.
Nói chung, một quốc gia muốn tự chủ và an toàn về quốc phòng, không thể chỉ đi mua vũ khí. Nhất là tên lửa là loại vũ khí được xem là “thông thường” trong phòng thủ và chiến tranh hiện đại. Việc Hàn Quốc đạt được thỏa thuận với Mỹ mở rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc lên 800 km là một thành công của việc nước này theo đuổi nguyên tắc “quốc phòng tự chủ”.
Đó chỉ là những tin mới nhất của cuộc chạy đua hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa đã diễn ra tại châu Á từ nhiều năm nay. Trong cuộc chiến tranh hiện đại, tên lửa đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Dù là tàu nổi, tàu ngầm, chiến đấu cơ hiện đại đến mấy thì vũ khí trang bị chủ yếu vẫn là tên lửa. Trên mặt đất, các hệ thống tên lửa cố định hoặc cơ động, chiến lược, chiến thuật, hay chiến trường cũng đang được hiện đại hóa. Các chiến xa ngày nay cũng được trang bị các loại tên lửa với các tầm bắn thích hợp.
Trung Quốc công bố bước nhảy vọt trong công nghệ tên lửa
Mạng Báo cáo Tình báo Hàng ngày (Mỹ) ngày 12/9/2012 cho biết, mấy tháng gần đây quân đội Trung Quốc (PLA) liên tiếp thử nghiệm các loại tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, như một phần của chương trình nâng cấp và phát triển kho vũ khí hạt nhân. Theo mạng tin trên, ngày 24/7, Quân đoàn Pháo binh số II của quân đội Trung Quốc đã tiến hành phóng thử loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân kiểu mới “Đông Phương-41” (DF-41) ở khu vực phía Tây Trung Quốc. Mục đích của vụ thử nhằm kiểm tra công nghệ tên lửa có khả năng tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) cùng một thời điểm. Công nghệ mới sẽ cho phép quân đội Trung Quốc lắp đặt số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều hơn trên mỗi tên lửa, từ đó biến chúng thành loại vũ khí hủy diệt lớn hơn. Các tên lửa DF-41 có bệ phóng trên các xe tải cơ động, do đó đối phương khó phát hiện và phá hủy trong đòn tiến công đầu tiên. Các tên lửa DF-41 của Trung Quốc có thể vươn tới tất cả các mục tiêu trên khắp nước Mỹ.
Tên lửa liên lục địa DF-41
Tiếp đó, ngày 20 và 30/8, Quân đoàn Pháo binh số II của quân đội Trung Quốc tiếp tục thử tên lửa “Đông Phương-5” (DF-5) có bệ phóng đặt dưới hầm sâu trong lòng đất và “Đông Phương-31A” (DF-31A) có bệ phóng trên các xe tải cơ động. Ngoài ra, ngày 16/8 PLA thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới mang tên “JL-2”. Sau cuộc thử nghiệm này, Hải quân Trung Quốc sẽ được cung cấp loại tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm hiệu quả đầu tiên.
Hiện nay kho vũ khí quân sự của Trung Quốc nhỏ và yếu hơn nhiều so với Mỹ hay Nga. Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc hiện có khoảng 55-65 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 2 tàu ngầm - mỗi chiếc trang bị 12 tên lửa. Trong khi đó, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết năm 2011, Nga có 322 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với 1.090 đầu đạn hạt nhân và 144 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) với 528 đầu đạn hạt nhân. Mỹ có 448 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với 500 đầu đạn hạt nhân và 249 SLBM với 1.200 đầu đạn hạt nhân. Cả Mỹ và Nga vẫn duy trì nhiều máy bay ném bom chiến lược mang vũ khí hạt nhân; nhưng Trung Quốc chỉ có 140 tên lửa hạt nhân có bệ phóng trên đất liền và mỗi tên lửa chỉ trang bị một đầu đạn và không có SLBM. Rõ ràng Trung Quốc đang tụt hậu về công nghệ vũ khí hạt nhân so với Mỹ và Nga.
Nhà phân tích quân sự Andrei Chang thuộc Tạp chí Quốc phòng Hán hòa (Canada) nói rằng chưa chắc hiện nay Pháo binh II của PLA đã đủ khả năng tiến hành một vụ thử nghiệm toàn bộ hành trình của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ ba. Ông Chang nhận định: “Những thách thức và khó khăn giữa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba rất phức tạp. Những thông tin mà tôi vừa thu thập được cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng khắc phục nhiều vấn đề, mặc dù họ đã mất hơn 20 năm để phát triển nó”.
Báo cáo của IHS Jane dẫn lời cựu quan chức tình báo quân đội Mỹ Larry Wortzel nói rằng thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc có thể đánh bại các lực lượng phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Trong khi đó, Giáo sư Phillip Karber thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) - chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các chương trình hạt nhân của Trung Quốc - cũng nói thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc - loại tên lửa có khả năng mang tới 10 đầu đạn MIRV - “sẽ đủ để Trung Quốc nhằm mục tiêu vào tất cả các thành phố có dân số hơn 50.000 dân” với 32 quả tên lửa loại này.
Nga sản xuất tên lửa có khả năng chống mọi radar
Đài Tiếng nói nước Nga đêm 10/9/2012 dẫn nguồn tin từ Tổng công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga, cho biết nước này đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa Kh-31PD, có tính năng kỹ thuật vượt trội so với tên lửa Kh-31P và có khả năng chống lại mọi loại radar.
Các chuyên gia cho biết tên lửa mới Kh-31PD có thể bay xa hơn Kh-31. Đặc biệt, theo thiết kế, thay cho ba loại đầu đạn cần thiết để bắn vào các loại radar khác nhau, Kh-31PD có một đầu tự dẫn vạn năng. Như vậy, một tên lửa có thể được sử dụng chống tất cả các loại radar mà không cần thay đổi hoặc cài đặt thêm.
Tên lửa chống radar là loại vũ khí quan trọng được trang bị cho các máy bay chiến đấu hiện đại để tấn công vào trạm radar của đối phương. Nếu không có tên lửa chống radar thì lực lượng không quân không thể thực hiện nhiệm vụ chế ngự hệ thống phòng không đối phương.
Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tên lửa Kh-31 đã được Nga đưa vào sản xuất hàng loạt. Đây là tên lửa hàng không đầu tiên trên thế giới được trang bị động cơ “dòng thẳng” (ramjet) nên có khả năng bay ở độ cao thấp, với tốc độ nhanh gấp hai lần tốc độ âm thanh. Nhờ đó, tên lửa Kh-31 gần như bất khả chiến bại trước hệ thống phòng không của đối phương. Với tầm bắn xa hơn 110 km, ngoài việc thủ tiêu các hệ thống radar trên mặt đất, loại tên lửa này cũng có thể được sử dụng để bắn vào các tàu chiến với trạm radar. Không quân Nga đã sử dụng thành công các tên lửa như vậy trong cuộc xung đột với Grudia năm 2008. Một chiếc máy bay ném bom Su-34 đã phóng tên lửa Kh-31 xuống trạm radar chính của Grudia ở khu vực Gori, khiến toàn bộ hệ thống phòng không của nước này ngừng hoạt động.
Nga cũng sắp cho ra lò hệ thống tên lửa phòng không S-500 đầu tiên. Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev ngày 27/6/2012 cho biết Nga sẽ đưa các hệ thống này vào hoạt động từ năm 2013. Đồng thời lực lượng Không quân Nga hàng năm vẫn sẽ nhận được các hệ thống phòng không S-400 Triumf thế hệ mới. Ông cho biết thêm hệ thống S-500 có thời gian phản ứng (mục tiêu) chỉ từ 3-4 giây, trong khi phiên bản trước mất từ 9-10 giây. Tên lửa S-500, tầm bắn lên tới 600km, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa và có khả năng đồng thời đánh chặn 10 mục tiêu. S-500 được chờ đợi sẽ hoạt độnghiệu quả hơn hệ thống S-400 của Nga và hệ thống tên lửa PAC-3 của Mỹ./.
Nguyễn Nguyên
Theo Tổ Quốc