RK-3 Korsar xuất hiện: Chiến sự miền Đông Ukraine sẽ có biến?; Ấn Độ cải tổ nội các với 9 gương mặt mới; Mỹ âm thầm nâng cấp M777 sau vụ diệt quân mình; Lo ngại khủng bố, Áo xây hàng rào bê tông bảo vệ các cơ quan chính phủ
Ấn Độ tập hợp lực lượng chặn Trung Quốc
- Cập nhật : 25/08/2017
Cả 3 nước tham gia cuộc tập trận Malabar do Ấn Độ làm chủ nhà đều không có mối quan hệ thân mật với Trung Quốc.
Tập hợp lực lượng
Trang eurasia.com mới đây có bài bình luận cho rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Khu vực Ấn Độ Dương (IOR) đã gây lo ngại không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho cả Mỹ, nhất là khi Washington có một căn cứ quân sự ở đảo san hô Diego Garcia ở trung tâm Ấn Độ Dương.
Nhật Bản cũng lo lắng về các hành động lấn át của hải quân Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Chính những mối quan ngại này đã khiến New Delhi, Washington và Tokyo tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Malabar hồi tháng 7 vừa qua. Ban đầu, Malabar được triển khai dưới hình thức một cuộc tập trận hải quân song phương giữa các lực lượng hải quân Ấn Độ và Mỹ.
Tuy nhiên, mối quan hệ ngày một lớn mạnh giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã đưa Tokyo trở thành một thành viên thường trực của cuộc tập trận này từ năm 2015.
Cuộc tập trận này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cả ba nước tham gia sự kiện này đều không có mối quan hệ thân mật với Trung Quốc. Trên thực tế, Nhật Bản và Ấn Độ đều vướng vào những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Trung Quốc "bắt tay" với Pakistan trong các lĩnh vực quân sự, quốc phòng và hạt nhân, cùng với sự thái độ của Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đã khiến Ấn Độ và Nhật Bản cảm thấy bất an. Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên cũng là một mối quan ngại đối với Mỹ, và Tổng thống Donald Trump đã công khai thể hiện sự bất bình với Bắc Kinh về vấn đề này.
Theo đó, tập trận hải quân giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã phát đi một tín hiệu mang tính chiến lược gửi tới Trung Quốc. Đối với Mỹ, Ấn Độ là một đối tác đáng tin cậy có thể đối trọng với Trung Quốc ở IOR. Về phần mình, New Delhi cũng hiểu rõ rằng nước này cần tăng cường tiềm lực hải quân ở IOR để ứng phó với Bắc Kinh.
Trang eurasia.com cho rằng Ấn Độ không thể dựa vào Nga tại thời điểm này vì Moscow không có đủ năng lực về mặt quân sự để gây ảnh hưởng ở khu vực châu Á.
Trong khi đó, Nga lại thể hiện mong muốn tập trung sức mạnh và gây ảnh hưởng ở châu Âu. Thêm vào đó, Moscow và Bắc Kinh có mối quan hệ thân thiết. Vì vậy, Washington là đối tác duy nhất đáng tin cậy để New Delhi dựa vào.
Những phương tiện chủ lực tham gia cuộc tập trận chung này là tàu chiến, tàu ngầm và máy bay. Tàu sân bay cũng được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc tập trận Malabar năm nay.
Cuộc tập trận này cũng trình diễn các bài tập giả định chống tàu ngầm và nâng cao năng lực do thám. Việc trình diễn những năng lực diễn tập chống tàu ngầm này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Ấn Độ, nhất là khi một tàu ngầm Trung Quốc bị phát hiện ở IOR chỉ trước khi Malabar được khởi động.
Đó là chưa kể việc New Delhi tỏ ra nghi ngại về sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, một dự án nhằm cùng cố sự hiện diện của Bắc Kinh ở IOR.
Lợi ích của các bên
Thời gian gần đây, hải quân Ấn Độ đã tăng cường hiện diện ở IOR. New Delhi có lý do để làm điều này. Hiện tại, 95% lượng hàng hóa của Ấn Độ được vận chuyển qua Ấn Độ Dương. New Delhi nhập khẩu 3,28 triệu thùng dầu thô mỗi ngày qua Ấn Độ Dương.
Trong trường hợp xảy ra xung đột, hải quân Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển năng lượng của mình. Hải quân Ấn Độ lâu nay có tham vọng phát triển "năng lực biển xanh" như đã nêu trong học thuyết biển của mình năm 2015. (Hải quân biển xanh là cụm từ chỉ lực lượng hải quân có khả năng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các vùng biển sâu ở đại dương).
Nước này cũng mong muốn tăng cường hiện diện ở Vịnh Bengal, Biển Arab, Vịnh Persia, Vịnh Oman, Vịnh Aden, Biển Đỏ cũng như ở các vị trí chiến lược khác như Eo biển Hormuz. Hải quân Ấn Độ gần đây cũng tăng cường hiện diện tại Eo biển Malacca, vốn có vị trí gần quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ hơn.
Trong khi đó, Mỹ muốn đối phó với tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Đây cũng có thể là điểm tựa để từ đó Washington dịch chuyển trọng tâm của mình sang khu vực Đông Á trong trường hợp có sự thay đổi về chi tiêu quốc phòng.
Đối với Nhật Bản, việc Tokyo "để mắt" đến Ấn Độ Dương cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Thời gian gần đây, Tokyo đã đảm nhiệm trọng trách cải tạo và xây dựng 8 cảng biển lớn ở IOR. Nhật Bản cũng đã "bơm" thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này. Đối với Tokyo, những nguồn vốn này có thể là một phương tiện để đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở IOR.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn thúc đẩy hợp tác quốc phòng hơn nữa với các nước thuộc IOR. Năm 2016, có những thông tin về việc Nhật Bản và Ấn Độ muốn tạo sự kết nối từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Để đạt được tất cả những mong muốn này, Tokyo cần sở hữu một năng lực hải quân nhất định ở IOR.
Kể từ năm 2001, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã điều các tàu khu trục và tàu tiếp liệu đồn trú ở IOR. Mối quan hệ quân sự với New Delhi đang giúp Tokyo tăng cường sự hiện diện hải quân ở IOR cũng như sẽ cho phép Nhật Bản bảo vệ các tuyến vận chuyển đường biển của mình.
Sự hiện diện của hải quân Nhật Bản ở IOR không chỉ giúp hóa giải nguy cơ bị Trung Quốc phong tỏa đường biển mà ngược lại còn "lần đầu tiên đặt các tuyến vận chuyển đường biển của Trung Quốc dưới mối đe dọa từ hành động độc lập của hải quân Nhật Bản".
Có thể nói, cuộc tập trận chung Malabar gần đây giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đem lại lợi ích cho cả ba quốc gia này bằng việc giúp các nước này gây dựng tầm ảnh hưởng lớn hơn ở IOR. Điều này có thể giúp xóa bỏ những quan ngại về vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong IOR ở mức độ đáng kể.
Đông Triều
Theo Báo Đất Việt