Tin Biển Đông

 
 
 

10 vũ khí 'khủng' của Ấn Độ khiến Trung Quốc phải kiêng nể (1)

  • Cập nhật : 12/10/2016
Trong tương lai gần, Quân đội Ấn Độ sẽ được tăng cường thêm nhiều vũ khí cực kỳ hiện đại, có sức tấn công khủng khiếp, đủ làm các đối thủ phải e dè.

 

Dưới đây là top 10 vũ khí hiện đại sớm đưa vào biên chế Quân đội Ấn Độ:

Thần biển “săn ngầm” P-8I Poseidon

Ngày 4/1/2009, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Boeing mua 8 chiếc máy bay tuần tra biển tầm xa P-8i Poseidon với tổng giá trị 2,1 tỷ USD.

Ấn Độ mua P-8i Poseidon nhằm thay thế các máy bay tuần tra biển Tu-142M do Liên Xô sản xuất đang được sử dụng trong Hải quân Ấn Độ.

Ấn Độ là khách hàng đầu tiên của loại máy bay P-8 và đây cũng là sản phẩm quân sự đầu tiên mà hãng Boeing cung cấp cho phía Ấn Độ.

Ngày 12/5/2010, Boeing thông báo, những chiếc P-8I dành cho Hải quân Ấn Độ sẽ được trang bị công nghệ thông tin liên kết dữ liệu mới của hãng BEL (Bharat Electronics Limited là công ty điện tử thuộc sở hữu nhà nước, chuyên cung cấp các sản phẩm điện tử tiên tiến cho lực lượng vũ trang Ấn Độ).

 

Máy bay săn ngầm tầm xa P-8I Poseidon sẽ tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm/chống hạm của Ấn Độ trong tương lai.

Ngoài ra, BEL cũng phát triển một hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo việc trao đổi dữ liệu chiến thuật giữa máy bay với các chiến hạm và các căn cứ trên bờ.

Cũng như biến thể P-8A dành cho Hải quân Mỹ, P-8I Poseidon được phát triển trên dựa trên Boeing 737, có tầm hoạt động 3.700 km. Trên máy bay được trang bị radar đa chức năng tiên tiến AN/APY-10. P-8I thiết kế với 6 giá treo bên ngoài, 5 giá trong thân mang được tên lửa không đối hạm, ngư lôi chống ngầm hoặc thủy lôi.

P-8I Poseidon sẽ giúp Ấn Độ củng cố và nâng cao khả năng tuần tra, trinh sát điện tử, phát hiện các tầu nổi trên biển cũng như làm chủ khu vực duyên hải của mình. Theo Đô đốc Prakash thì đến năm 2020, Ấn độ có thể sở hữu đến 30 máy bay P-8I.

Tổ hợp phòng không SPYDER-SR/MR và Barak 8

Bên cạnh truyền thống sử dụng các tổ hợp phòng không của Nga, những năm gần đây Ấn Độ chuyển sang sử dụng một số tổ hợp do Israel sản xuất. Gần đây, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Israel mua 18 tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER với tổng trị giá 415 triệu USD.

SPYDER là tổ hợp phòng không tầm thấp phản ứng nhanh (còn gọi là SPYDER-SR phân biệt tổ hợp tầm trung), được phát triển bởi công ty Rafael Advanced Systems của Israel. Tổ hợp được đặt trên khung gầm cơ sở xe Tatra của Cộng hòa Czech.

Tổ hợp tên lửa có tầm bắn hình rẻ quạt và thời gian phản ứng nhỏ hơn 5 giây, tiêu diệt mục tiêu trong tầm từ 1-5km ở độ cao từ 20-9.000 m.

SPYDER có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc và tiêu diệt chúng trong mọi điều kiện thời tiết cả ban ngày và ban đêm.

 

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER-SR.

Hiện Rafael cũng phát triển biến thể phòng không tầm trung SPYDER-MR có tầm bắn 35 km ở độ cao từ 20m đến 16.000 m. Bệ phóng của SPYDER-MR trang bị được 8 tên lửa so với 4 tên lửa của SPYDER. Tên lửa dùng cho tổ hợp là tên lửa Python 5 hoặc Derby, cả hai loại tên lửa này đều được trang bị tầng tăng tốc.

Ngoài ra, tổ hợp SPYDER-MR còn  trang bị radar mới IAI/Elta MF-STAR.

Bên cạnh đó, Ấn Độ và Israel đã đồng ý cùng nhau phát triển tổ hợp phòng không tầm xa Barak nhằm thay thế S-125 Pechora đã lỗi thời. Tổ hợp mới có phạm vi đánh chặn 70km, tên lửa nhỏ hơn gần hai lần và phóng thẳng đứng, trên mỗi bệ phóng có 8 quả tên lửa.

Năm 2006, Ấn Độ - Israel còn hợp tác phát triển thêm biến thể hải quân Barak NG với tổng kinh phí 480 triệu USD.

Sát thủ trên không BrahMos – BrahMos II – BrahMos UCAV

Hiện nay, Ấn Độ đã đi tới giai đoạn cuối việc phát triển biến thể tên lửa không đối hạm siêu âm BrahMos. Biến thể tên lửa hàng không của BrahMos có kích thước nhỏ hơn và trọng lượng nhẹ hơn so với biến thể phóng trên mặt đất hoặc hạm tàu.

Một trong hai tầng tăng tốc của tên lửa bị loại bỏ đối với các biến thể hàng không nhưng quả tên lửa vẫn đạt được tốc độ Mach 2,8 vì chúng được phóng từ máy bay có tốc độ Mach 1,5. Sau khi tách khỏi máy bay, tên lửa rơi tự do 150m trước khi động cơ hoạt động và đẩy tên lửa đến mục tiêu.
 

Tầm bắn và tốc độ của biến thể hàng không cũng giống như biến thể trên biển và trên đất liền.

Để tích hợp tên lửa lên máy bay sẽ phải sử dụng hai trong số 40 máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã đặt mua từ năm 2006.

Hai chiếc này sẽ được gửi trở lại Nga để gia cố khung giá trang bị tên lửa mới. Theo dự kiến, những chiếc máy bay này sẽ ra mắt Không quân Nga và Ấn độ vào cuối năm 2012.

 

Ngoài biến thể phóng từ mặt đất, hạm tàu, trên không, Ấn Độ còn có tham vọng về biến thể tốc độ Mach 5 và BrahMos UCAV.

Hiện nay, các nhà quân sự Nga - Ấn hợp tác phát triển biến thể BrahMos có tốc độ lên đến Mach 5.

Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm nguyên mẫu đầu tiên tên lửa siêu thanh này sẽ bắt đầu vào năm 2017.
 

 

 

Theo ông A. Sivathanu Pillai, Giám đốc điều hành liên doanh Nga - Ấn, BrahMos II sẽ đạt đến tốc độ vượt trội, ông nói “BrahMos II sẽ có kích thước nhỏ hơn so với BrahMos nguyên bản, sẽ có một số cải tiến và đạt tốc độ Mach 7”.

Không dừng lại ở đó, một số nhà khoa học Ấn Độ còn kêu gọi Liên doanh BrahMos Aerospace phát triển biến thể UCAV BrahMos.

“Các bạn nên phát triển một biến thể tên lửa siêu thanh BrahMos, mà nó có thể sử dụng được như là một UCAV… điều đó có nghĩa là tên lửa có thể mang một “tải trọng” hữu ích đến một mục tiêu nhất định, tấn công mục tiêu, sau đó quay về “căn cứ”, ông Abdul Kalam – nhà khoa học ngành hàng không vũ trụ nói.

Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực nó sẽ biến tên lửa BrahMos thành tên lửa tấn công tái sử dụng, tính năng có một không hai.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni V

Ngày 19/4/2012, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo Agni V. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến vượt bậc trong chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo của Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni V thiết kế với ba tầng phóng động cơ nhiên liệu rắn với chiều cao lên tới 17,5m, đường kính thân tên lửa 2m, nặng 50 tấn. Đơn giá một quả Agni V vào khoảng 9 triệu USD.

 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni V.
 

Tên lửa Agni V có khả năng mang đầu đạn thuốc nổ thường nặng 1,1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân, tầm bắn tối đa hơn 5.000km, tốc độ hành trình Mach 24. Trong tương lai, Ấn Độ có thể trang bị cho Agni V đầu đạn MIRV.

Tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống con quay hồi chuyển laser vòng, hệ thống định vị quán tính, GPS. Ở pha cuối, tên lửa thiết kế đầu tự dẫn radar tham chiếu địa hình.

Với Agni V, Ấn Độ chính thức gia nhập vào câu lạc bộ các nước sở hữu ICBM. Agni V có thể bắn tới địa điểm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc.

Chiến đấu cơ đa năng Dassault Rafale

Không quân Ấn Độ đang duy trì số lượng máy bay chiến đấu đông đảo lên tới gần 700 chiếc với đủ kiểu loại do Nga, Pháp sản xuất. Tuy nhiên, chiếm gần một nửa là các chiến đấu cơ lỗi thời, lạc hậu như MiG-23, MiG-27.

Trước bối cảnh đó, Ấn Độ đã đưa ra gói thầu mua 126 chiến đấu cơ đa năng tầm trung (MMRCA) để giúp hiện đại hóa không quân. Năm 2012, họ đã quyết định chọn nhà thầu Dassault (Pháp) với ứng viên Rafale. Nhà thầu Pháp trao hợp đồng kỷ lục lên tới 14,8 tỷ USD.

 

Tiêm kích đa năng Dassault Rafale.

Dassault Rafale là chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ 4 thiết kế với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Máy bay trang bị radar mạng pha điện tử quét bị động RBE2 có khả năng theo dõi đồng thời 8 mục tiêu cùng lúc; hệ thống sensor  tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại lắp ở đầu mũi máy bay cùng các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến.

Máy bay mang được 9 tấn vũ khí trên 14 giá treo (biến thể không quân) và 13 giá (biến thể hải quân) mang: tên lửa không đối không tầm ngắn/tầm trung, tên lửa hành trình không đối đấu tầm xa (Storm Shadow, MBDA Apache), tên lửa không đối hạm, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, bom có điều khiển.

Với 126 chiếc Dassault Rafale, Không quân Ấn Độ tăng cường đáng kể sức mạnh trên không. Tuy nhiên, theo một số thông tin, dự án vẫn chưa được triển khai, lý do được thông báo là hai bên chưa thống nhất được về giá và chuyển giao công nhệ. 

 

 

Thu Hoài - Phượng Hồng ( Theo ĐVO)
Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục