Tin Biển Đông

 
 
 

10 vũ khí 'khủng' của Ấn Độ khiến Trung Quốc phải kiêng nể (2)

  • Cập nhật : 12/10/2016
Bên cạnh các phi vụ mua bán, hợp tác, Ấn Độ cũng có tham vọng lớn phát triển các hệ thống vũ khí (tàu chiến, máy bay, tên lửa) cho riêng mình.

 

 

 

 

Người lính tương lai F-INSAS

Chương trình F-INSAS đã được thông qua nhằm trang bị vũ khí tiên tiến, mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại cho bộ binh Ấn Độ tương lai.

Nó cung cấp khả năng kết nối và truy cập mạng thông tin chiến trường đến từng người lính cũng như tương tác tích hợp với đơn vị mình cũng như đơn vị khác.

Chương trình này tương tự như chương trình “người lính tương lai” của một số nước khác.

Ngoài các thành tố thông tin liên lạc, F-INSAS còn bao gồm các trang thiết bị cho người lính bộ binh thích ứng với mọi địa hình, mọi thời tiết theo nguyên tắc phổ quát toàn diện cũng như tăng hỏa lực và tăng tính cơ động cho người lính.

Dự án này tiêu tốn ngân sách quốc phòng Ấn Độ khoảng 5 tỷ USD, được phát triển theo nhiều giai đoạn, theo kế hoạch đến năm 2027 sẽ trang bị đủ cho 350 tiểu đoàn bộ binh.

Niềm hi vọng lực lượng tàu ngầm Ấn Độ - Arihant

Ngày 26/7/2009, Ấn Độ đã hạ thủy tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant do nước này tự đóng dựa trên sự giúp đỡ của Nga.

Arihant có lượng giãn nước lên tới 6.000 tấn, dài 104 m, chạy bằng lò phản ứng 85 megawatt, có thể đạt vận tốc 44 km/h, tầm hoạt động không hạn chế và thủ thủy đoàn gồm 95 thành viên.

Arihant thiết kế 6 máy phóng ngư lôi cỡ 533mm và mang 12 tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn khoảng 700km.

 

 

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Arihant.
 

Hiện nay, chiếc đầu tiên INS Arihant trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển. Dự kiến, cuối năm 2012 nó sẽ đi vào phục vụ. Trong tương lai, Ấn Độ hi vọng có thêm 3 chiếc được đóng mới.

Tàu ngầm hạt nhân Arihant mang tên lửa đạn đạo là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ, nó đã giúp nước này gia nhập vào câu lạc bộ các quốc gia sở hữu công nghệ đóng tàu hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc.

"Bộ đôi" sân bay trên biển Vikramaditya - Vikrant

Vikramaditya là tên “Ấn” của tàu sân bay Admiral Gorshkov của Liên Xô, được nước này mua lại và hợp đồng với Nga cải tiến tàu. Hiện nay, Vikramaditya tiến hành hoạt động chạy thử nghiệm trên biển.

Theo kế hoạch mới nhất, tàu sân bay này sẽ phục vụ trong lực lượng Hải quân Ấn Độ sau năm 2012. Vikramaditya được xây dựng trong thời gian 1978-1982 tại nhà máy đóng tàu Nikolaev, Ukraine.

Hàng không mẫu hạm Vikramaditya có lượng giãn nước 45.500 tấn, chiều dài 283m,. Tàu có thể mang 16 tiêm kích hạm Mikoyan MiG-29K, 10 trực thăng Ka-28/31 hoặc HAL Dhruv.

Trong tương lai gần, Vikramaditya sẽ thay thế hoàn toàn tàu sân bay INS Viraat đã có 70 năm tuổi phục vụ .

 

Tàu sân bay INS Vikramaditya chạy thử nghiệm.
 

Bên cạnh việc trang bị Vikramaditya, Ấn Độ có tham vọng thiết kế chế tạo tàu sân bay Vikrant. Theo thông tin mới nhất, nó sẽ hoàn thành vào năm 2015 sớm hơn 3 năm với kế hoạch ban đầu.

Tàu sân bay Vikrant được đóng tại nhà máy Cochin Shipyard Limited, có lượng giãn nước 40.000 tấn, dài 260m. Tàu trang bị hệ động cơ diesel LM-2500.

Tàu có thể mang 29 chiến đấu cơ Tejas hoặc MiG-29K/KUB và 10 trực thăng Ka-31 hoặc trực thăng tương đương.

Như vậy, chỉ trong vài năm tới Hải quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng hai tàu sân bay đầy uy lực, đẩy sức mạnh của Ấn Độ được nâng lên một tầm cao mới, đủ sức răn đe và ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn trên biển.

Tất nhiên, để đa dạng hóa vũ khí trang bị, Hải quân Ấn Độ đã gửi yêu cầu đến các nhà cung cấp máy bay trên hạm, trong đó có F-35C,  F/A-18E/F Superhornet, Eurofighter Typhoon, Su-33, SAAB Gripen và Dassault Rafale.

Tiêm kích tương lai FGFA-AMCA

Ngoài chương trình MMRCA, Ấn Độ nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Hiện, Ấn Độ đã hợp tác với Nga phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA dựa trên Sukhoi PAK FA T-50.

Theo thông tin ban đầu, FGFA thiết kế với 2 chỗ ngồi thay vì 1 chỗ như trên Sukhoi T-50. FGFA trang bị radar mạng pha điện tử hiện đại có thể theo dõi 32 mục tiêu cùng lúc, dẫn tên lửa tiêu diệt 8 mục tiêu đồng thời.

FGFA thiết kế với 16 giá treo vũ khí (8 trong thân, 8 bên ngoài) mang được mọi vũ khí tấn công chính xác cao và cả loại không điều khiển.

 

Mô hình khí động học của tiêm kích thế hệ thứ năm nội địa AMCA.
 

Nga - Ấn sẽ chia lợi nhuận từ việc bán các máy bay cho hai quốc gia mà còn các máy bay xuất khẩu sang nước thứ ba. Dự tính, thị trường máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FGFA vào khoảng 1.000 chiếc, trong đó 400 cho Nga và Ấn Độ, 600 chiếc còn lại dành để xuất khẩu.

Bên cạnh việc hợp tác với Nga, Ấn Độ còn “phiêu lưu” tự phát triển tiêm kích thế hệ thứ năm AMCA. Thế hệ máy bay này sẽ bổ sung sức mạnh cho lực lượng Không quân Ấn Độ trong tương lai.

Dự kiến, AMCA sẽ thay thế máy bay tiêm kích – bom SEPECAT Jaguar và MiG-27 đã lỗi thời và lạc hậu.

Dự án này tiêu tốn 2 tỷ USD ngân sách quốc phòng Ấn Độ cho ba năm đầu, số lượng AMCA theo các nhà hoạch định có thể lên đến 205 chiếc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa

Mặc dù sở hữu mạng lưới phòng không dày đặc với đủ hệ thống tên lửa tầm thấp/tầm trung/tầm cao tiến tiến nhưng Ấn Độ vẫn có tham vọng phát triển cho riêng mình hệ thống phòng thủ tên lửa.

Chương trình phòng thủ tên lửa của Ấn Độ được phát triển nhằm bảo vệ Ấn Độ khỏi các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo.

Hệ thống gồm hai lớp:

- Lớp thứ nhất trang bị tên lửa đánh chặn tầm cao Prithvi (PAD) có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao tối đa 80km.

- Lớp thứ hai trang bị tên lửa đánh chặn tầm thấp AAD có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao 30km.

Hai loại tên lửa được dẫn bằng hệ định vị quán tính, cập nhật liên tục thông tin mục tiêu từ radar dẫn ở pha giữa và dùng đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối.

 

Ấn Độ bắn thử nghiệm tên lửa đánh chặn AAD.

PAD đã được phát triển và thử nghiệm vào tháng 11/2003, AAD thử nghiệm vào tháng 12/2007. Với việc thử nghiệm tên lửa PAD, Ấn Độ đã lọt vào top các quốc gia phát triển và sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa sau Mỹ, Nga và Israel.

Trái tim hệ thống phòng thủ tên lửa là radar bám bắt mục tiêu và điều khiển hỏa lực Swordfish. Radar có thể phát hiện mục tiêu ở tầm 600-800km, Ấn Độ nỗ lực cải tiến nâng tầm lên 1.500km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa này đã “phô trương” sức mạnh của mình bằng việc phá hủy tên lửa “kẻ thù” ở độ cao 75 km vào ngày 6/3/2009.

Theo các nhà quân sự Ấn Độ, kết hợp hai hệ thống phòng thủ sẽ mang đến khả năng tiêu diệt 99,8% tên lửa “kẻ thù”.

Thu Hoài - Phượng Hồng
Theo Báo Đất Việt

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục