Tin Biển Đông

 
 
 

Hệ quả nào từ việc Hàn Quốc nâng tầm bắn tên lửa?

  • Cập nhật : 12/10/2016

Hàn Quốc ngày 7-10 thông báo đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc tăng tầm bắn các hệ thống tên lửa nước này từ mức 300km hiện nay lên 800km, với lý do chủ yếu là “để nhắm tới bất kỳ mục tiêu nào ở CHDCND Triều Tiên”. Động thái  này có thể sẽ thổi bùng căng thẳng trong quan hệ liên Triều và khiến các quốc gia khác trong khu vực không yên.

Một hệ thống tên lửa của Hàn Quốc. Ảnh: AFP

 

Điều chỉnh để thay đổi cục diện

Cứ theo thỏa thuận mà Xơ-un ký với Oa-sinh-tơn vào năm 1979 và được sửa đổi vào năm 2001 thì tên lửa Hàn Quốc trước đây chỉ có tầm bắn hạn chế trong phạm vi 300km và giới hạn lượng chất nổ đầu tên lửa là 500kg. Chấp nhận giới hạn nói trên nhưng đổi lại, Hàn Quốc lại “có vẻ an toàn hơn” với sự hiện diện của 28.500 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để bảo vệ quốc gia châu Á này trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công  từ bên ngoài nhằm vào Xơ-un. Trong năm 2011, Hàn Quốc cũng đã tham gia vào Cơ chế Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Cơ chế này là sự tham gia tự nguyện, không chính thức của 34 quốc gia với mục tiêu ngăn chặn sự phổ biến của các hệ thống phóng không người lái có khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tuy nhiên, trước những vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Xơ-un cho rằng, Triều Tiên đang ngày càng có nhiều tham vọng nâng cấp chương trình tên lửa và trở thành mối đe dọa thường trực với Hàn Quốc. Trong khi đó, thỏa thuận với Mỹ vẫn đang là tấm lưới ngăn cản Xơ-un phát triển hệ thống tên lửa có tầm bắn xa hơn.

Thỏa thuận vừa đạt được với Mỹ có vẻ như đã phần nào thay đổi cục diện trên bán đảo Triều Tiên. Bởi theo AFP, với việc được nâng tầm bắn lên 800km, tên lửa Hàn Quốc hiện nay đã có thể phủ kín lãnh thổ Triều Tiên và có thể đánh trúng bất cứ mục tiêu nào của Bình Nhưỡng. Cho dù lượng chất nổ ở đầu tên lửa vẫn giữ nguyên ở mức 500kg, nhưng theo cách so sánh của một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đầu đạn 500kg cũng có thừa uy lực để tiêu diệt hoặc làm hư hại vài sân bóng đá cùng một lúc. AFP dẫn lời ông Chung Y-ung U (Chun Yung-woo) cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc nói: "Mục đích lớn nhất của thỏa thuận nâng tầm bắn tên lửa nói trên là nhằm đối phó với những khiêu khích quân sự của Triều Tiên".

Chiến lược phát triển tên lửa của Xơ-un

Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên hiện có khoảng 1000 tên lửa các loại, phần lớn trong số này nhắm tới Xơ-un và những địa điểm khác của Hàn Quốc. Sách trắng Quốc phòng của Hàn Quốc cũng đã đề cập về khả năng Triều Tiên hiện đang sở hữu những tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng tấn công và phá hủy toàn bộ bán đảo Triều Tiên cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và một số nơi khác. Do vậy, thỏa thuận vừa đạt được với Mỹ sẽ là động lực thôi thúc Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí tầm xa để tạo thế cân bằng cả về “chất và lượng” với tiềm năng tên lửa của Triều Tiên. Tờ The Chosun Ilbo cho biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến sẽ chi khoảng 2,3 tỷ USD trong 5 năm tới để mua thêm hàng trăm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và các vũ khí tối tân nhằm đối phó với các cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tờ Thời báo Hàn Quốc  đầu tháng Tư năm nay cũng đưa tin việc Hàn Quốc công bố loại tên lửa hành trình mới mang tên Hyunmu-3 có tầm phóng hơn 1000km. Hàn Quốc đang ấp ủ kế hoạch tăng thêm số lượng tên lửa Hyunmu-3 cũng như tên lửa đạn đạo Hyunmu-2 (có tầm phóng 300km). Hyunmu-3 có thể đánh trúng mục tiêu với độ chính xác trong khoảng từ 1m đến 3m, trong khi Hyunmu-2 có độ chính xác là 50m.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn dự định mua tên lửa hành trình JASSM có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 400km của Mỹ. Tờ The Korea Herald của Hàn Quốc cho biết thêm, Oa-sinh-tơn cũng đang cân nhắc việc bán các tên lửa Harpoon Block II cho Xơ-un. Giữa tháng 9 vừa qua, lại có tin Quân đội Hàn Quốc đã chế tạo thành công loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn điều khiển từ xa, có khả năng phá hủy các hệ thống pháo kích đặt ngầm dưới đất của Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đang dự định sản xuất hàng loạt tên lửa loại này.

Tác động  khu vực

Thỏa thuận nâng tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc lên 800km có thể sẽ khởi nguồn cho những phản ứng mạnh mẽ từ phía Triều Tiên. Thêm vào đó, Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ đứng ngồi không yên bởi một phần lãnh thổ hai nước này đều nằm trong tầm bắn 800km của tên lửa Hàn Quốc.

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã từng phản đối mạnh mẽ đề xuất nâng tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc bởi cho rằng, đây là hành động nằm trong chiến lược Mỹ dùng đồng minh để kiềm chế Bắc Kinh. Việc tên lửa của Hàn Quốc bắn được xa hơn cũng khó có thể khiến Tô-ki-ô yên lòng, nhất là khi quan hệ Nhật-Hàn vẫn căng thẳng liên quan đến quần đảo tranh chấp Đốc-đô/Ta-kê-si-ma.

Thỏa thuận nâng tầm bắn tên lửa đang mang lại nhiều lợi thế cho Hàn Quốc, nhưng khả năng nó sẽ lại mào đầu cho những cuộc khẩu chiến mới, hay thậm chí là một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Đông Bắc Á.

TRUNG DŨNG
Theo Quân Đội Nhân Dân

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục