Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 24-09-2017
- Cập nhật : 24/09/2017
Điều tồi tệ nhất với Nhật Bản trước khả năng Triều Tiên thử bom H
Các chuyên gia nhận định cách khả dĩ nhất mà Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử trên không ở Thái Bình Dương là phóng một tên lửa tầm xa có thể bay qua Nhật Bản và cho đầu đạn hạt nhân của tên lửa này phát nổ trên bầu trời của một khu vực xa xôi trên Thái Bình Dương.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ngày 28/7. Ảnh: EPA/TTXVN
Chuyên gia hạt nhân James Acton thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở ở Washington (Mỹ) nhận xét: "Tôi rõ ràng nghi ngờ rằng họ (Triều Tiên) có khả năng làm được điều này".
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin AP, ông James cho biết Triều Tiên có thể sẽ thử các tên lửa không được trang bị đầu đạn hạt nhân vài lần trong những tháng tới, trước khi tiến hành một vụ thử tên lửa mang bom H thật sự.
Trong khi đó, chuyên gia phòng thủ tên lửa Michael Elleman thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho hay một vụ thử với đầu đạn thật sự sẽ cho các kỹ sư Triều Tiên biết rằng liệu quả bom mà họ thiết kế có "sống sót" qua sự khắc nghiệt của đường bay và có thể trở lại khí quyển của trái đất hay không.
Ông Elleman cho rằng tên lửa được chọn trong vụ thử bom H trên không có thể sẽ là loại tên lửa đạn đạo tầm xa nhất, thường được biết tới là Hwasong-14, loại dường như có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12.
Ông Elleman nhận định: "Ông Kim Jong-un sẽ phải chấp nhận rủi ro đáng kể của việc thất bại, hoặc tệ hơn đó là một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể rơi xuống Nhật Bản, nếu ông ấy quyết định sử dụng tên lửa Hwasong-12 hoặc Hwasong-14".
Trước đó, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết việc Triều Tiên tiến hành một vụ thử bom H tại Thái Bình Dương sẽ là “một sự thay đổi cuộc chơi” và Mỹ đang xem xét mối đe dọa này một cách rất nghiêm túc. Tuy nhiên, quan chức này cho rằng không nên “quá tin tưởng” vào khả năng Triều Tiên có hành động như vậy.
Sáng 3/9, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch (bom khinh khí, bom H), gây ra một trận động đất mạnh 6,3 độ richter ở khu vực gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.(TTXVN)
------------------------------
Nga kêu gọi Mỹ và Triều Tiên hạn chế những lời lẽ thù địch
Ngày 22/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cần hạn chế đưa ra những lời lẽ thù địch; đồng thời cảnh báo rằng nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ sẽ càng khiến Bình Nhưỡng quyết tâm thực hiện chương trình hạt nhân.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở LHQ (Mỹ), Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Việc Mỹ và Triều Tiên đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau là điều rất tệ hại và không thể chấp nhận được. Chúng ta phải hạ nhiệt cho những cái đầu nóng".
Ông Lavrov tin tưởng rằng đề xuất của Nga và Trung Quốc có thể mở đường cho một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trước đó, Nga và Trung Quốc từng đề xuất Triều Tiên ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa. Đổi lại Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ dừng các hoạt động tập trận chung.
Cũng theo Ngoại trưởng Lavrov, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ, Triều Tiên sẽ gần như không còn động lực để từ bỏ chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt.
Liên quan vấn đề Triều Tiên, ngày 22/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã nhất trí tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh, nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trong cuộc gặp bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York (Mỹ), hai Ngoại trưởng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nghiên cứu "nhiều ý tưởng" liên quan đến thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương cũng như hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn trong việc cùng với các quốc gia khác gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên, buộc chính quyền Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã nói bóng gió về khả năng nước này có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) trên biển Thái Bình Dương.(Baotintuc)
--------------------
Ngoại trưởng Nga ví ông Trump và ông Kim 'như những đứa trẻ'
Bộ trưởng ngoại giao Nga ví cuộc đấu khẩu giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên giống như chuyện đánh nhau của mấy đứa trẻ trong trường mẫu giáo.
Ngày 21-9 hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên công bố bức ảnh chụp ông Kim Jong Ung đang phát đi tuyên bố trực tiếp cảnh báo Mỹ - Ảnh: REUTERS/KCNA
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cần phải dừng tình trạng lời qua tiếng lại này để "hạ nhiệt những kẻ liều lĩnh".
Ông Lavrov nói: "Đúng là không thể chấp nhận được nếu im lặng theo dõi những cuộc phiêu lưu quân sự hạt nhân của Triều Tiên, nhưng cũng không thể chấp nhận việc tung tóe về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên".
Ngoại trưởng Nga kêu gọi một tiến trình chính trị, trong đó Hội đồng Bảo an LHQ đóng vai trò chủ chốt.
Ông nói: "Cùng với Trung Quốc, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm phương thức tiếp cận hợp lý chứ không phải một cách tiếp cận cảm tính như những đứa trẻ trong trường mẫu giáo bắt đầu xông vào đánh nhau mà không có ai ngăn cản chúng".
Nhiều ngày sau bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại LHQ, trong đó ông Trump tuyên bố sẽ "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên nếu Mỹ buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ các đồng minh của họ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lên tiếng công kích ông Trump.
Ông Trump cũng giễu cợt ông Kim Jong Un bằng một biệt danh có tính xem thường khi gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là "người tên lửa trong một sứ mệnh liều chết", "sẽ được thử nghiệm như chưa từng có!"
Ông Kim đáp lại rằng chính vị tổng thống Mỹ "loạn trí" đã khiến ông thấy mình có quyền phát triển vũ khí cho Triều Tiên.
Trong một tuyên bố chưa từng có tiền lệ, ông Kim Jong Un trực tiếp xuất hiện trong bài phát biểu gửi thông điệp đe dọa tới Mỹ, nói rằng ông Trump sẽ "trả giá đắt" cho phát biểu của ông.
Theo ông Kim Jong Un, ông Trump đã xúc phạm Triều Tiên trong mắt dư luận thế giới và đe dọa "chắc chắn và nhất định thuần hóa kẻ lẩm cẩm loạn trí của Mỹ bằng hỏa lực".
Giới chuyên gia nhận xét đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên phát đi một thông điệp trực tiếp trước công luận thế giới, điều này cho thấy Triều Tiên đang có những cân nhắc nghiêm túc và cụ thể của họ.
Trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục hối thúc các bên giảm bớt căng thẳng trong lời lẽ qua lại, cho rằng vấn đề "phức tạp và nhạy cảm".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: "Tất cả các bên liên quan cần kiềm chế thay vì khiêu khích lẫn nhau". (Tuoitre)
-------------------