Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 18-08-2017:

  • Cập nhật : 18/08/2017

Vì sao hàng ngàn người Triều Tiên tìm đường bỏ trốn sang Thái Lan?

Dù cách xa gần 5.000 km nhưng hàng ngàn người Triều Tiên vẫn tìm cách vượt biên trái phép sang Thái Lan để từ đó đặt chân tới "thiên đường" Hàn Quốc.

Theo tờ Express (Anh), hàng ngàn người Triều Tiên đang tìm cách bỏ trốn trái phép sang Thái Lan thông qua một mạng lưới ngầm của những người theo đạo Cơ đốc.

Thái Lan hiện được xem là một điểm trung chuyển khá phổ biến với những người có ý định bỏ trốn khỏi Triều Tiên mặc dù hai quốc gia này cách nhau tới 3.000 dặm (hơn 4.800km). 

ngay cang nhieu nguoi dan trieu tien tim duong sang thai lan de tu do toi han quoc.

Ngày càng nhiều người dân Triều Tiên tìm đường sang Thái Lan để từ đó tới Hàn Quốc.

Thông thường, hành trình bỏ trốn khỏi Triều Tiên để tới Hàn Quốc thông qua Trung Quốc đối với công dân Triều Tiên có hai cách. Thứ nhất là nhờ sự giúp đỡ của các đường dây buôn người dù chi phí có thể lên đến hàng ngàn USD/người. Cách thứ hai là thông qua các mạng lưới Cơ đốc giáo bí mật hoạt động ngoài Seoul còn được mệnh danh là “tuyến đường sắt ngầm". 

Người đứng đầu của một trong những mạng lưới Cơ đốc này cho biết: “Khi những người đào tẩu mới ra khỏi Triều Tiên, trông họ đều hốc hác và gầy guộc. Chúng tôi thường để họ ở lại nhà của các con chiên ở Trung Quốc khoảng một tháng, chỉ để ăn uống cho đầy đủ. Đây không phải là hành động mang tính tốt bụng mà là vì nếu một người Triều Tiên trông quá gầy yếu, họ rất dễ bị mạng lưới giám sát Trung Quốc phát hiện”. 

Điều đáng nói là đối với những người đào tẩu khỏi Triều Tiên, họ đều bị choáng ngợp trước sự hiện đại của Trung Quốc. Theo chia sẻ của một người Triều Tiên đào tẩu, anh này chưa bao giờ được ăn thịt lợn cho đến khi được đưa tới sống trong một gia đình Trung Quốc. Thậm chí, anh này còn cảm thấy kỳ quặc khi được chủ nhà cho ăn bánh gato nhân ngày sinh nhật của mình. Bởi đối với người dân Triều Tiên, bánh gato không phải là một món ăn phổ biến. 

Khi những người Triều Tiên  trông khỏe mạnh hơn, họ sẽ được đưa đi sơ tán khỏi tầm mắt của giới chức Trung Quốc và tiếp tục lên đường đi xuống biên giới giáp Lào bằng tàu hỏa hoặc xe khách. Tiếp đó là chuỗi ngày vượt rừng, chèo thuyền và thậm chí là ngồi tiếp lên các chuyến xe khách đi xuyên Lào đến khu vực sông Mê Kông giáp biên giới Thái Lan. Tại đây, họ sẽ tìm đến cảnh sát và xin được bắt giữ. Việc bắt giữ này sẽ cho phép Hàn Quốc có cơ hội thương thảo với phía Thái Lan để thả công dân Triều Tiên đào tẩu và đưa họ đến Seoul. Sau khi bị phỏng vấn, những công dân Triều Tiên đào tẩu sẽ được thả và hòa nhập với xã hội Hàn Quốc. 

Dù cách khá xa Triều Tiên nhưng Thái Lan vẫn là một trong những quốc gia được người dân Triều Tiên chọn để tìm đường sang Hàn Quốc.

Theo Reuters, con đường từ "Triều Tiên tới Thái Lan" đang ngày càng thu hút nhiều người. Điển hình chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, 385 người Triều Tiên đã đi qua các tuyến đường bất hợp pháp để tới Thái Lan. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục tăng thì cho tới cuối năm nay, khoảng 800 người Triều Tiên đào tẩu sẽ có mặt ở Thái Lan. 

Chia sẻ với Reuters, một quan chức nhập cư giấu tên cho hay: "Trung bình có từ 20 – 30 người Triều Tiên tới khu vực phía bắc Thái Lan một tuần". Và trong năm ngoái, có khoảng 500 người Triều Tiên đào tẩu đã sang Thái Lan.

Còn theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, 593 người Triều Tiên đào tẩu đã sang nước này trong 6 tháng đầu năm 2017.

Về phần mình, chính phủ Thái Lan coi người Triều Tiên là những người di cư trái phép thay vì người tị nạn. Bởi Thái Lan không ký kết Công ước Geneva về người tị nạn năm 1951 và cũng không có quy định pháp lý đối với người tị nạn. Do đó, chính phủ Thái Lan cùng chính phủ Hàn Quốc và những người Triều Tiên đào tẩu thường tự thỏa thuận với nhau.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cũng hiếm khi xử lý các vụ việc liên quan tới người Triều Tiên đào tẩu ở Thái Lan bởi chính phủ Thái Lan và Hàn Quốc đã tự giải quyết vấn đề này. (Infonet)
----------------------

Thương nhân Trung Quốc buôn bán với Triều Tiên "khóc ròng"

Hàng loạt xe tải chở hải sản bị dồn đống, xếp hàng nối đuôi nhau tại biên giới Trung Quốc với Triều Tiên. Các doanh nhân Trung Quốc từng kiếm bộn tiền từ cua, tôm, mực của Triều Tiên bắt đầu bị ảnh hưởng.

Theo NY Times, lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm nhập khẩu hải sản của Triều Tiên bắt đầu có hiệu lực hôm qua (16/8), hai ngày sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ thực thi các quy định mới được Hội đồng Bảo an thông qua nhằm trừng phạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc trừng phạt và việc xuất khẩu hải sản của Triều Tiên là nguồn thu lớn của nước này. Bằng việc ngừng giao dịch với Triều Tiên, Trung Quốc đã tuân thủ nghị quyết trừng phạt mới nhất nhưng lại ảnh hưởng tới chính các doanh nhân nước này.

"Tôi cho rằng nhiều khả năng tôi sẽ phải đưa xe tải chở đầy hải sản của mình quay lại Triều Tiên. Và điều tồi tệ nhất đó là tôi sẽ không lấy lại được tiền", Zhang Xuebai, một doanh nhân bán buôn trả lời qua phỏng vấn của NY Times qua điện thoại. "Tôi có lẽ sẽ mất khoảng 45.000USD. Những người khác còn tồn nhiều hàng ở đây có thể mất tới 150.000USD".

Sáng 16/8, cây cầu giữa văn phòng hải quan Triều Tiên và Trung Quốc chật cứng xe tải chở hải sản. Một đoạn video được đưa lên mạng cho thấy, các xe xếp hàng dài ở cửa khẩu.

Tới cuối ngày, ông Zhang cho hay, đa phần các xe tải chở hải sản, gồm cả xe của ông, được lệnh quay lại Triều Tiên để trả hàng.

"Tôi có một xe tải chở 30 tấn mực đông lạnh còn kẹt trên cầu", Chang An, một người bán buôn hải sản ở Hunchun nói. "Xe của tôi đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu với phía hải quan Triều Tiên. Làm thế nào tôi trả hàng được. Không còn quay lại được, tôi sẽ mất 75.000USD".

Tính tổng cộng, năm ngoái, Triều Tiên thu về 196 triệu USD từ xuất khẩu hải sản. Trong đó, nguồn thu chủ yếu là từ Trung Quốc, cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc cho hay.

Lệnh cấm hải sản, món hàng xuất khẩu dễ nhận thấy nhất và được chuyển trực tiếp tới tay người tiêu dùng, có lẽ là một trong những cách dễ thực hiện nhất.

Trong những năm gần đây, các loại động vật có vỏ, ăn được của Triều Tiên ngày càng được ưa chuộng ở Trung Quốc. Các khách sạn lớn, trung tâm tổ chức tiệc thường mua cua, tôm và nhiều loại hải sản khác vì giá của Triều Tiên rất cạnh tranh.(Vietnamnet)
-------------------------

Mỹ thúc giục các quốc gia Nam Mỹ gây áp lực với Triều Tiên

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 16/8 kêu gọi các nước Brazil, Peru, Chile và Mexico cô lập Triều Tiên và khẳng định thêm rằng tất cả lựa chọn đều được đưa ra cân nhắc trong căng thẳng này.

“Mỹ rất quan tâm đến việc cô lập Triều Tiên và chúng tôi kêu gọi Chile, hơn nữa là Brazil, Mexico, Peru cắt đứt tất cả mối liên hệ về ngoại giao và thương mại với Triều Tiên”, ông Pence phát biểu trong chuyến thăm tới Chile trước cuộc họp báo chung với Tổng thống Chile Michelle Bachelet.

Tuy nhiên, theo Reuters, hoạt động thương mại giữa Triều Tiên và các quốc gia Nam Mỹ không mấy nổi bật.

my-keu-goi-nam-my-co-lap-trieu-tien-1

 Tổng thống Chile và Phó Tổng thống Mỹ bắt tay trong cuộc gặp tại Santiago, Chile ngày 16/8. (Ảnh: Reuters)

Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực cũng chỉ đạt 2,1 triệu USD giá trị xuất khẩu – chủ yếu là cà phê, thịt, thuốc lá và da; cùng với 8,7 triệu USD giá trị nhập khẩu với Triều Tiên tính trong năm 2016. Triều Tiên có đại sứ quán tại Brazil và Brazil đã mở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng vào năm 2009.

“Brazil đi theo quyết định của các tổ chức quốc tế”, người phát ngôn bộ Ngoại giao cho biết khi được hỏi nước này có thực hiện cắt đứt mối liên hệ ngoại giao và thương mại với Triều Tiên hay không.

Trong khi đó, Peru, Cuba và Venezuela vẫn khá im lặng trước tình hình căng thẳng, dù đại sứ Triều Tiên tại Venezuela từng nói rằng hai nước quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ.

Về tình hình căng thẳng với Triều Tiên, ông Pence nói đã có thêm những tia hi vọng mới. “Chính phủ chúng tôi đã tập hợp được sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới và như tổng thống nhận định, chúng tôi sẽ bắt đầu đạt được kết quả trong quá trình giải quyết vấn đề Triều Tiên”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa và cơn giận” chưa từng có nếu đe dọa đến Mỹ, khiến Triều Tiên đáp trả bằng tuyên bố xem xét kế hoạch phóng tên lửa đến đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Lãnh đạo Triều Tiên dù vậy đã hoãn lại quyết định này sau đó – một động thái khiến ông Trump đánh giá cao.(VTC)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục