Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng18-08-2017: Vai trò của Nga trong căng thẳng Mỹ - Triều Tiên?
- Cập nhật : 18/08/2017
Giới phân tích nhận định, Nga có thể đóng vai trò tích cực trong việc hạ nhiệt căng thẳng để tránh làm bùng nổ một cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhưng Washington cũng nên chủ động đưa ra những nỗ lực ngoại giao để làm lành với Bình Nhưỡng.
Sau hàng tuần khẩu chiến căng thẳng, KCNA hôm 14/8 đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ quyết định tạm hoãn kế hoạch dùng 4 tên lửa tầm trung Hwasong-12 tấn công đảo Guam của Mỹ.
Theo nhà báo Tim Shorrock, Nga có thể đảm nhận vị trí là người hòa giải căng thẳng Mỹ - Triều Tiên bởi Moscow có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Bình Nhưỡng và đang tận hưởng thời kỳ quan hệ nồng ấm với Trung Quốc.
"Tôi cho rằng Nga có thể đóng vai trò tích cực trong hoàn cảnh hiện nay bởi Nga có quan hệ với Triều Tiên khác so với mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Trong khi, Trung Quốc đang chịu tác động lớn từ tầm ảnh hưởng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump", Sputnik dẫn lời ông Shorrock.
Cũng theo ông Shorrock, việc Nga đồng thuận với Mỹ trong việc thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) tăng cường lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên là cách giúp Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ có thể phó mặc cho Nga hoặc Trung Quốc thay thế nước này thi hành những nỗ lực ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên. Bởi hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên đang là nhiệm vụ chính mà Mỹ cần tập trung giải quyết.
"Theo tôi, ý tưởng để Trung Quốc thay Mỹ đảm nhận vai trò giải quyết khủng hoảng với Triều Tiên là chuyện nực cười và thiếu khôn ngoan. Bởi trong những ngày gần đây, cả Nga và Triều Tiên đều cho rằng Mỹ cần phải đối thoại trực tiếp với Triều Tiên và khởi động đề xuất 'đóng băng kép'", ông Shorrock nói.
Ông Shorrock nhấn mạnh thêm Trung Quốc cũng đã đóng vai trò tích cực trong việc giảm nguy cơ bùng nổ xung đột trong khu vực.
"Liên quan tới tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, tôi có thể nói rằng việc Triều Tiên quyết định tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa tấn công đảo Guam một phần là do tuyên bố của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ thi hành lệnh trừng phạt mà nước này vừa mới thông qua cùng Hội đồng Bảo an LHQ", ông Shorrock cho biết.
Ông Shorrock nói thêm đằng sau những tuyên bố công khai chỉ trích làm nóng dư luận nhằm vào Trung Quốc và Triều Tiên, Tổng thống Trump dường như đang tăng cường hợp tác với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện thời trên bán đảo Triều Tiên.
"Dường như ông Trump và ông Tập đã tiến hành những cuộc thảo luận ngoài hành lang về Triều Tiên trong những ngày gần đây. Do đó, Trung Quốc đã tạo tầm ảnh hưởng tới Triều Tiên", ông Shorrock nói.
Chia sẻ với Sputnik, Giáo sư nghỉ hưu Barry Friedman tại Đại học Kinh tế Brown nhận định, Mỹ không có lợi ích kinh tế cũng như những lợi ích chiến lược lớn ở bán đảo Triều Tiên. Do đó, nếu như Triều Tiên không chủ động tấn công trước, Mỹ sẽ không có lý do gì để đưa ra những hành động gọi là ngăn chặn chiến tranh.
"Chúng ta không thể chứng minh mình đã đúng khi tổ chức tấn công phủ đầu quy mô lớn nhằm tiêu diệt toàn bộ bộ máy lãnh đạo và năng lực quân sự của Triều Tiên. Bởi sự tồn tại của Mỹ không hề bị đe dọa", ông Friedman nói.
Ông Friedman thừa nhận Mỹ cần có một chính sách lâu dài và kiên nhẫn để giải quyết cuộc khủng hoảng với Triều Tiên thay vì nóng vội đi lối tắt và thiếu an toàn.
"Không để xung đột bạo lực bùng nổ, chúng ta có thể tưởng tượng trong 10, 50 hoặc 100 năm tới, chúng ta vẫn có thể cùng chung sống với Triều Tiên, quốc gia đang sở hữu năng lực vũ khí hạt nhân ngày càng phát triển", ông Friedman chia sẻ.
Cũng theo ông Friedman, bài học lịch sử trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh cho thấy chính phủ Mỹ đã thành công kiềm chế được chính các nhà lãnh đạo quân sự cũng như hành động thận trọng với các quốc gia khác để tránh làm bùng nổ một cuộc chiến hạt nhân.
"Chúng ta đã may mắn kiềm chế được lực lượng Không quân hừng hực khí thế cùng với ngành công nghiệp quân sự hùng mạnh trong những năm 1950 để tránh rơi vào cảnh tự sát chung với Liên Xô cũ", ông Friedman nói.
Tuy nhiên không loại trừ khả năng, theo thời gian, vấn đề căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết nhờ sự thay đổi chính bên trong chính quyền Bình Nhưỡng cũng như sự phát triển của lĩnh vực kỹ thuật. Nói cách khác, theo ông Friedman, có thể trong 50 năm tới, nội bộ chính quyền Triều Tiên sẽ bị suy thoái trong khi năng lực phòng thủ của Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa cũng đã tăng lên đáng kể.
Một dấu hiệu đáng mừng là trong tuần này, giới chức cấp cao của cả Mỹ và Triều Tiên đều đã hạ giọng và không đưa ra những tuyên bố khiêu chiến như những tuần vừa qua.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn