Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 29-04-2017

  • Cập nhật : 29/04/2017

Pháo binh Triều Tiên rào rào khạc lửa, chiến đấu cơ Mỹ-Hàn ào ạt thả bom xuống mục tiêu

Sau khi Triều Tiên “diễu võ giương oai” bằng màn khạc lửa của hơn 300 khẩu pháo tầm xa, các máy bay chiến đấu và xe bọc thép Mỹ-Hàn cũng đồng loạt thể hiện sức mạnh.

truc thang apache cua han quoc phong dan vao muc tieu.

Trực thăng Apache của Hàn Quốc phóng đạn vào mục tiêu.

Một ngày sau cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn tại Triều Tiên, hơn 2.000 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành tập luyện chiến đấu chung trong bối cảnh căng thẳng với Bình Nhưỡng leo thang.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa tin, tập trận Mỹ-Hàn diễn ra ngày 26/4 tại trường bắn Seungjin, cách khu vực phi quân sự (DMZ) chia đôi biên giới hai miền liên Triều khoảng 30 km.

Chương trình tập trận kéo dài trong khoảng 45 phút với sự tham gia của 100 khẩu pháo, 90 xe bọc thép và 50 máy bay quân sự. 

Đoạn băng ghi tại hiện trường cho thấy các máy bay chiến đấu bay vun vút trên bầu trời, xe tăng khai hỏa rực lửa trong khi binh sĩ nhảy dù từ trực thăng.
Hai trực thăng tấn công Apache AH-64E của Quân đội Hàn Quốc cũng nã đạn rocket và súng máy từ trên không xuống các mục tiêu giả định. 

Trước tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Bình Nhưỡng và Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã duy trì quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên đồng thời cử tàu sân bay USS Carl Vinson cùng với tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đến vùng biển Triều Tiên làm biện pháp răn đe. 

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngay lập tức đáp lại động thái của Washington bằng việc tuyên bố quân đội nước này sẵn sàng bắn chìm tàu Carl Vinson với chỉ một đòn duy nhất nếu cần thiết.(TTXVN)
----------------------------------

Áp lực gia tăng, hàng loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên đang được cân nhắc

Nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và thử tên lửa, ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cân nhắc áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc tước quyền đánh bắt cá, cấm vận dầu mỏ...

mot tau danh ca cua ngu dan trieu tien.

Một tàu đánh cá của ngư dân Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao ngày 26/4 cho biết Mỹ và hai đồng minh châu Á sẽ sớm ra tuyên bố ngăn cản Triều Tiên bán quyền khai thác cá trong vùng biển của nước này cho các quốc gia khác, nếu như Triều Tiên tiếp tục chương trình phát triển bom hạt nhân hoặc phóng một tên lửa đạn đạo khác xuống Biển Nhật Bản.

Đề xuất cấm đánh bắt cá, dựa theo chương trình cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), nhằm giới hạn chặt hơn nữa dòng tiền từ nước ngoài chảy về Triều Tiên – mà Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là chủ yếu được sử dụng để phát triển vũ khí, bao gồm bom hạt nhân.

Sau cuộc gặp ngày 25/4 với đại diện ba bên, Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Hàn Quốc, ông Kim Hong-hyun cho biết các bên đã nhất trí sẽ đưa ra “hành động trừng phạt mạnh mẽ” nếu Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích.

Triều Tiên từng bán cho Trung Quốc quyền đánh bắt ở vùng biển của nước này. Nếu đề xuất của bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn được thông qua có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ bị tước đi quyền trên – một động thái không chắc chắn thành công nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc.

Theo giới chức Mỹ, các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn cần xem xét bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm hãng hàng không của Triều Tiên hoạt động, chặn các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng nước ngoài hợp tác với Bình Nhưỡng.

Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2016, khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân và phóng thử một tên lửa đạn đạo mang vệ tinh. Đến tháng 9 năm ngoái, Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành một vụ thử hạt nhân khác và phóng thử hơn 20 tên lửa trong năm. 

HĐBA LHQ đã ra một loạt nghị quyết cấm bất kỳ hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân nào của quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, Triều Tiên không công nhận những văn kiện này và khẳng định nước này có mọi quyền lợi để nâng cao năng lực quốc phòng trước chính sách thù địch hiện nay của Mỹ.

Mỹ điều nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu áp sát Bán đảo Triều Tiên và hiện tàu sân bay bay này đã đến khu vực có thể vươn tầm bắn tới Triều Tiên, đồng thời chuẩn bị tham gia tập trận với tàu ngầm hạt nhân USS Michigan vốn đã cập cảng Hàn Quốc. (Baotintuc)
-----------------------------------

Mỹ hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên

Reuters đưa tin Nhà Trắng hôm qua đã mời 100 thượng nghị sĩ đến để báo cáo quan điểm về vấn đề Triều Tiên. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng khi thể hiện đường lối sắp tới của Mỹ trong việc giải quyết căng thẳng với Triều Tiên trong hơn hai tuần qua.

Thông cáo đưa ra sau cuộc họp kín cho thấy Washington sẵn sàng áp dụng các biện pháp phi quân sự thay vì lời đe dọa rằng “mọi lựa chọn đều được cân nhắc” như trước đó. Ông Trump chỉ phát biểu ngắn gọn trước khi rời cuộc họp do Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats đồng chủ trì với sự hiện diện của đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

“Tổng thống muốn giải quyết bằng cách gây áp lực khiến Triều Tiên dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua siết chặt trừng phạt kinh tế, cùng các biện pháp ngoại giao với đồng minh và đối tác trong khu vực”, theo thông cáo chung của các ông Tillerson, Mattis và Coats.

Đối sách của chính quyền Trump trên thực tế không khác mấy so với thời của người tiền nhiệm Barack Obama. Chính vì vậy, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã tỏ ra thất vọng khi không nhận được câu trả lời thẳng thắn về phương án xử lý mối đe dọa được cho là cấp bách từ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, Reuters ngày 27.4 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng Mỹ đã “tích cực” khi mở ra hướng giải quyết căng thẳng ở Triều Tiên thông qua đàm phán. Tuy nhiên, trong một phát biểu cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố nước này sẽ tiếp tục diễn tập bắn đạn thật và thử nghiệm các vũ khí mới nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong động thái được cho là trả đũa việc Mỹ tiếp tục đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc hôm 26.4 nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công tên lửa từ Triều Tiên.

Cũng trong hôm qua, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris báo cáo với quốc hội rằng hệ thống THAAD sẽ hoạt động “trong vài ngày tới” và kêu gọi Bắc Kinh nên tập trung vào việc gây áp lực với Triều Tiên thay vì quan ngại về hệ thống “thuần túy phòng thủ” này. Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và người đồng cấp Mỹ Herbert Raymond McMaster hôm qua đã điện đàm và cho rằng tiến trình triển khai THAAD đang suôn sẻ. Theo Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, hai bên cam kết sẽ áp dụng “các biện pháp trừng phạt ngay lập tức” nếu Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN ngày 26.4, ông Sok Chol-won thuộc Viện Khoa học xã hội Triều Tiên cho hay quy trình thử hạt nhân của nước này sẽ không bị tác động từ bên ngoài. Phái đoàn thường trực của Triều Tiên tại LHQ cũng tuyên bố rằng Bình Nhưỡng không sợ và cũng không muốn tránh một cuộc chiến tranh với Mỹ.(Thanhnien)
----------------------------------------

Lãnh đạo Nga - Nhật kêu gọi khởi động vòng đàm phán 6 bên về Triều Tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27.4 bày tỏ quan ngại về tình hình ngày càng xấu đi trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng khởi động lại vòng đàm phán 6 bên.

Vòng đàm phán 6 bên, gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật, Nga và Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2003 nhằm bàn giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng đến năm 2009 thì Bình Nhưỡng tuyên bố rút lui.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước liên quan kiềm chế phô diễn sức mạnh quân sự và tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng. Chúng tôi xem việc khởi động lại vòng đàm phán 6 bên một cách nhanh nhất là nhiệm vụ chung”, Tổng thống Putin phát biểu với giới phóng viên sau khi hội đàm cùng Thủ tướng Abe tại Moscow, theo hãng tin TASS.

Về phần mình, Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng Tokyo và Moscow đề nghị Bình Nhưỡng tuân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. “Tổng thống Putin và tôi nhất trí rằng Nhật cùng Nga sẽ hợp tác, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như kiềm chế hành động khiêu khích”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao vào đầu năm 2016, khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 4 và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh. Đến tháng 9.2016, Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 5 và trong năm ngoái đã phóng hơn 20 tên lửa.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên tiến hành mọi hoạt động liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân và khí tài triển khai loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không tuân theo với lập luận Triều Tiên có quyền tăng cường các khả năng phòng thủ để chống lại chính sách thù địch của Mỹ.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật còn bàn về những hoạt động kinh tế chung trên nhóm đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc. Thủ tướng Abe cho hay hai bên đã nhất trí điều một nhóm khảo sát tới Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc vào tháng 5 và sẽ bắt đầu quá trình xúc tiến các dự án chung ở khu vực, theo Đài NHK.(Thanhnien)

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục