Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Trong khi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được cho là để bảo đảm an ninh cho chế độ, nhưng nếu xảy ra chiến tranh, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công hạt nhântàn khốc vào quân đội của Mỹ, Hàn và Nhật Bản ở khu vực, đập tan mọi nỗ lực lật đổ chế độ ở Triều Tiên, National Interest cảnh báo.
Rất khó để Mỹ và các nước lớn khác đoán định mức độ nguy hiểm của Triều Tiên. Cho dù quân đội Triều Tiên có đến 1.190.000 người và nằm trong số các nước có quân đội lớn nhất hành tinh nhưng đa phần vũ khí của Triều Tiên đều đã lạc hậu. Có vẻ như Triều Tiên không còn đủ khả năng để tấn công Hàn Quốc một cách dễ dàng nữa. Tuy nhiên, theo National Interest, nước này cũng được đánh giá là sở hữu từ 10-24 vũ khí hạt nhân và đã từng thử một loạt các tên lửa đạn đạo, từ tầm gần, tầm trung đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Vào ngày 4/7 vừa qua, Triều Tiên lại thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (mới nhất là đêm 28/7, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhà lãnh đạo Kim Jong un tuyên bố tên lửa mới của Triều Tiên có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ). Cho dù các cuộc thử nghiệm và các chương trình phát triển này lúc thành công lúc không thì rõ ràng Triều Tiên cũng đang học hỏi và nâng cấp năng lực của mình, cả trong các vũ khí hạt nhân đến các hệ thống chuyên chở tên lửa.
National Interest nhận định, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mục đích sử dụng của nó hiển nhiên là để duy trì chế độ nhà nước hiện nay. Chủ tịch Triều Tiên bảo vệ chế độ của mình bằng việc sẵn sàng đương đầu với Mỹ. Tuy nhiên ông Kim Jong-un cũng muốn tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ. Do đó vũ khí hạt nhân giúp bảo đảm an ninh cho ông Kim và giúp ông tự do hành động ở Triều Tiên.Tuy nhiên, để răn đe hữu hiệu, ông Kim cần triển khai học thuyết chiến tranh phù hợp để phát triển vũ khí hạt nhân. Sức mạnh hạt nhân của Mỹ- đồng minh của Hàn Quốc- khiến nguy cơ hai nước lao vào cuộc chiến hạt nhân sẽ trở thành thảm họa cho Triều Tiên vì nước này không có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và chắc chắn sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, National Interest đánh giá.
Triều Tiên không có nhiều lựa chọn, do đó cách duy nhất để sử dụng vũ khí hạt nhân chính là tấn công phủ đầu, trước khi Triều Tiên bị hủy diệt. Một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào các mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, khiến kẻ thù choáng váng và sẽ bị tổn hại nhiều hơn nếu trả đũa, là cách duy nhất để Triều Tiên có thể sống sót sau cuộc xung đột.
Ngoài ra cũng có một số lý do để Triều Tiên triển khai tấn công phủ đầu. Thứ nhất, lực lượng hạt nhân Triều Tiên tương đối mỏng và dễ bị tổn thương hơn nếu bị tấn công trước. Thứ hai, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có các thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) dưới dạng máy bay, máy bay không người lái và vệ tinh, có thể chủ động triệt hạ lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó Triều Tiên lại hầu như không có khả năng ISR, điều này có nghĩa là một khi khủng hoảng nổ ra, Triều Tiên không thể phát hiện nơi tập kết của kẻ thù và cũng không biết khi nào mình bị tấn công. Cách duy nhất để đảm bảo cho Triều Tiên là tấn công phủ đầu một khi đã xảy ra khủng hoảng. Một khi Bình Nhưỡng đã quyết định như vậy thì chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Các chuyên gia phương Tây đặt ra câu hỏi, trong trường hợp tấn công phủ đầu, Triều Tiên sẽ tấn công những mục tiêu nào. Tại Hàn Quốc, rõ ràng đó sẽ là Nhà Xanh, cũng như tòa nhà Quốc hội và trụ sở của Cục tình báo quốc gia và Bộ Quốc phòng. Tất cả những tòa nhà này đều nằm ở thủ đô Seoul.
Lãnh đạo Triều tiên Kim Jong ung thị sát tên lửa đạn đạo Hwangsong -12, loại tên lửa được thử ngày 14/5/2017 . Ảnh:Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên
Tùy thuộc vào sự phát triển công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên mà những địa điểm này có thể bị tấn công với đầu đạn hóa học hoặc hạt nhân, hoặc đầu đạn thông thường sức nổ lớn, với tên lửa cũ Hwasong-6 hoặc Hwasong-7, hoặc thậm chí là tên lửa KN-02 Toksa.
Ngoài ra, Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ tấn công vào các căn cứ và hệ thống vũ khí của Mỹ ở quanh Hàn Quốc, đầu tiên phải kể đến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD. Việc phá hủy hệ thống phòng thủ này sẽ mở đường tấn công căn cứ không quân Osan, Kunsan, trụ sở của quân Mỹ tại Yongsan ở Seoul và Lực lượng Bộ binh số hai tại Trại Humphreys.
Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở quanh châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là các căn cứ của lực lượng dự phòng cho cuộc xung đột Nam- Bắc Triều Tiên và những căn cứ hậu cần quan trọng cho quân Mỹ. Căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka và Sasebo, Nhật Bản, cùng căn cứ không quân Misawa và Kadena, và căn cứ Không Hải Atsugi sẽ là các mục tiêu lớn của Triều Tiên. Căn cứ xa nhất của Mỹ có thể cũng nằm trong số các mục tiêu của Triều Tiên là đảo Guam.
National Interest cho biết nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu sẽ không chỉ tiêu diệt một lượng đáng kể vũ khí của Mỹ, Nhật, Hàn mà còn khiến cả dân thường ở Hàn Quốc và Nhật Bản và vô số binh lính Mỹ thiệt mạng. Các căn cứ ở Yokota, ngoại ô Tokyo rất đông dân cư. Một vụ nổ hạt nhân dù đánh trúng mục tiêu quân sự cũng có thể khiến rất nhiều dân thường thiệt mạng (chưa kể trường hợp đánh trật mục tiêu).
Ví dụ như thiết bị lớn nhất từng được Bình Nhưỡng thử nghiệm, nếu tấn công vào Yongsan Garrison ở Seoul có thể khiến 34.000 dân thường thiệt mạng và 106.000 người khác bị thương. Cũng quả bom đó nếu rơi xuống Căn cứ không quân Yokota thì sẽ khiến khoảng 20.000 người dân Nhật Bản thiệt mạng cùng 45.000 người khác bị thương.
Tuy nhiên Triều Tiên sẽ không sử dụng tất cả số vũ khí hạt nhân của mình trong lần tấn công phủ đầu. Bình Nhưỡng sẽ phải giữ lại một số lượng vũ khí lớn để phòng thân nếu Mỹ và Hàn Quốc trả đũa.
Đó là viễn cảnh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo National Interest, quan trọng là phải nhớ rằng cuộc tấn công phủ đầu của Triều Tiên không phải là không thể tránh được. Cuộc tấn công này chỉ xảy ra khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng nó sẽ giúp ông tăng cơ hội sinh tồn sau cuộc xung đột. Việc tái khẳng định quyết tâm sẽ trả đũa của Mỹ là việc làm hết sức quan trọng, nhất là khi các đồng minh quan trọng đang lo lắng về chính sách mới của ông Trump.
Tóm lại, miễn là khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên tin rằng không thể thoát trả đũa nếu phát động tấn công hạt nhân thì cuộc tấn công phủ đầu chắc chắn sẽ không diễn ra, National Interest khẳng định.(Viettimes)
--------------------