Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 30-07-2017
- Cập nhật : 30/07/2017
Kim Jong-un:Cả nước Mỹ trong tầm bắn tên lửa Triều Tiên
Chuyên gia Mỹ: Tên lửa ICBM Triều Tiên nếu phóng ở góc tiêu chuẩn có tầm xa 10.400 km, đe dọa đến California, New York, Chicago, bờ biển phía đông Mỹ.
Như để khẳng định nhận định và lo ngại của các chuyên gia quốc phòng Mỹ, sáng 29-7, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cả nước Mỹ giờ đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Khuya 28-7, Triều Tiên bất ngờ phóng một tên lửa mà theo nhiều quan chức quốc phòng và chuyên gia Mỹ thì đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo dữ liệu từ quân đội Hàn Quốc, tên lửa này được phóng ở góc rất rộng, bay trên không 47 phút, bay vút lên không tới khoảng 3.700 km, đạt tầm xa 1.000 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, gần bờ biển Hokkaido, một hòn đảo phía bắc của Nhật.
Vụ thử này thực hiện từ một bệ phóng di động ở một bãi thử không thường xuyên sử dụng ở gần biên giới với Trung Quốc. Theo ông Kim, điều này chứng tỏ Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào.
“Lãnh đạo Kim Jong-un rất hài lòng với thành công hoàn hảo của vụ thử và hoan nghênh những người phát triển nó” - KCNA cho biết tên lửa ICBM này cũng là Hwasong-14.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cả nước Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo KCNA, vụ thử này nhằm xác nhận tầm bắn tối đa và một số yếu tố kỹ thuật khác của tên lửa Hwasong-14. Triều Tiên từng nói Hwasong-14 có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.
Vài giờ trước đó, nhiều nhà phân tích quốc phòng độc lập Mỹ đã lo ngại từ các dữ liệu vụ phóng khuya 28-7 có thể thấy khoảng một nửa - thậm chí nhiều hơn nữa - lục địa Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên vừa phóng. Theo họ, nếu góc phóng hẹp hơn, tên lửa bay thấp hơn, về lý thuyết nó có khả năng đe dọa đến bang California, New York, Chicago một số TP bờ biển phía đông Mỹ, thậm chí xa hơn.
Theo chuyên gia David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh Các nhà khoa học liên quan, tên lửa này nếu được phóng ở góc phóng tiêu chuẩn có thể đạt tầm xa 10.400 km.
Theo thông tin từ AP, sau động thái thử tên lửa ICBM thứ hai của Triều Tiên, quân đội Mỹ đang chuẩn bị một thử hệ thống đánh chặn ở bang Alaska, có thể sẽ diễn ra trong ngày 29-7 (giờ Mỹ).(PLO)
-------------------
Mỹ không còn thời gian chần chừ với Triều Tiên
Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 thứ hai của Triều Tiên vào khuya 28-7 cho thấy Mỹ đã hết thời gian chần chừ, cân nhắc biện pháp với Triều Tiên. Đây là nhận định của chuyên gia Joel Wit về chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, nhà phân tích cấp cao tại Viện Mỹ-Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins.
“Một vụ thử nữa của Triều Tiên với tên lửa có khả năng bắn đến Mỹ nhấn mạnh tính cấp thiết chính phủ Trump phải giải quyết tình hình nguy hiểm đang tăng” -chuyên gia Wit viết trên trang web 38 North.
Hiện Mỹ vẫn ưu tiên biện pháp tăng trừng phạt và trông đợi Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên. Từ năm 2006 đến nay Triều Tiên liên tục hứng chịu trừng phạt vì các chương trình hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, có thể nói trừng phạt đã không mang lại hiệu quả khi Triều Tiên vẫn không từ bỏ, thậm chí còn gia tăng thử hạt nhân, tên lửa. Bất chấp trừng phạt, Triều Tiên đã thử hạt nhân đến lần thứ năm với độ đe dọa ngày càng lớn. Bên cạnh đó là hàng loạt vụ thử tên lửa nối tiếp.
Chỉ đầu năm đến nay đã có 18 lần thử tên lửa, trong đó có hai lần thử tên lửa ICBM. Vụ thử khuya 28-7 diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thượng viện thông qua dự luật trừng phạt Triều Tiên, chuẩn bị đưa nó đến bàn Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
Triều Tiên thử tên lửa ICBM Hwasong-14 lần đầu ngày 4-7. Ảnh: AP
Ngoài ra, theo chuyên gia Mỹ Jean Lee, Mỹ cũng hãy thôi hy vọng Triều Tiên chẳng nghe lời hai đồng minh Trung Quốc và Nga, cũng như thôi mong chờ vào sự giúp đỡ của hai nước này.
Phản ứng của Trung Quốc sau vụ thử tên lửa ICBM lần hai của Triều Tiên chỉ là lên tiếng kêu gọi Triều Tiên tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, chấm dứt mọi hành động có thể làm xấu hơn tình hình bán đảo Triều Tiên. Chưa hết Trung Quốc còn thòng thêm cảnh báo tất cả các bên cẩn trọng trong hành động không để căng thẳng leo thang.
Còn về phía Nga, dù Mỹ, Hàn Quốc và cả Triều Tiên đã xác định và thừa nhận tên lửa Triều Tiên vừa phóng là ICBM nhưng Nga ngày 29-7 vẫn khăng khăng đó là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), không phải tên lửa ICBM.
Dữ liệu từ quân đội Hàn Quốc cho thấy tên lửa ICBM của Triều Tiên được phóng góc rộng, đã bay cao 3.700 km, đạt tầm xa 1.000 km, sau đó rơi xuống biển Nhật Bản. Tuy nhiên, theo phía Nga, tên lửa của Triều Tiên chỉ bay xa 732 km và đạt độ cao chỉ 681 km.
Đây không phải lần đầu Nga khăng khăng thế này. Sau lần đầu Triều Tiên phóng tên lửa ICBM Hwasong-14 ngày 4-7, Nga đã kiên quyết phản đối Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết lên án Triều Tiên, không thống nhất gọi tên lửa này là ICBM, khăng khăng đây chỉ là tên lửa đạn đạo “tầm trung”.
Cho nên chẳng vô cớ mà sau vụ thử, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Trung Quốc và Nga có “trách nhiệm đặc biệt” với đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, khi hỗ trợ tài chính cho các chương trình hạt nhân và tên lửa nước này.
Và theo chuyên gia Wit, hơn lúc nào hết, lúc này Mỹ phải quyết ngay hành động với Triều Tiên. Vì Mỹ càng kéo dài thời gian, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ càng phát triển tiên tiến hơn.(PLO)
------------------------