Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 25-05-2017

  • Cập nhật : 25/05/2017

Chuyên gia địa chính trị George Friedman: Mỹ sắp sửa tấn công Triều Tiên

Cảnh báo đáng sợ này được chuyên gia địa chính trị George Friedman đưa ra trong bài phát biểu đề dẫn tại Hội nghị Đầu tư chiến lược 2017 diễn ra tại thành phố Orlando, bang Florida (Mỹ).

tau san bay uss ronald reagan cua my da di chuyen vao tam tan cong trieu tien us navy

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã di chuyển vào tầm tấn công Triều Tiên US NAVY

Trong bài phát biểu đề dẫn ngày 22.5, ông George Friedman nói: "Tôi sẽ khởi đầu bằng cách nói với quý vị về chuyện của tuần tới. Việc Mỹ chuẩn bị tấn công Triều Tiên đã trở nên rõ ràng".

Theo ông Friedman, các hành động của CHDCND Triều Tiên trong thời gian qua khiến Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài xung đột và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự thù địch giữa hai nước đang leo thang đến điểm mà chiến tranh là không thể tránh khỏi.

Chuyên gia này dự báo Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ đưa ra quyết định tấn công sau khi kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình và trở về nước vào cuối tuần này, cụ thể là ngày 27.5.

Ông Friedman, chuyên gia địa chính trị nổi tiếng người Mỹ, là người sáng lập tổ chức tư vấn chiến lược Geopolitical Futures vào năm 2015, sau khi rời khỏi cương vị chủ tịch tổ chức tư vấn tình báo Stratfor, cũng do ông sáng lập năm 1996.

Chiến lược gia này cho biết trong những ngày qua tổ chức Geopolitical Futures của ông đã nhận thấy vài tín hiệu gợi ý Mỹ đang bài binh bố trận để tấn công Triều Tiên.

Cụ thể, ngày 20.5, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan đã di chuyển vào tầm tấn công Triều Tiên. Ngoài ra, hơn 100 chiếc F-16 thời gian qua thường xuyên tiến hành tập trận trong không phận Hàn Quốc, một chiến thuật từng báo trước sự khởi đầu của chiến dịch Bão táp Sa mạc tấn công Iraq vào năm 1991.

Các chiến đấu cơ tàng hình F-35 cũng được triển khai đến khu vực và các đại diện của chính phủ Mỹ chuẩn bị thông báo cho giới chức ở đảo Guam về tình hình phòng vệ dân sự, nguy cơ khủng bố và tình hình Triều Tiên vào ngày 31.5.

Tất cả những động thái chiến lược nói trên phát đi một thông điệp - xung đột.

Trong phần trao đổi về chủ đề "Liệu chiến tranh với Triều Tiên có sắp xảy ra?" vào ngày 23.5, ông Friedman vẫn giữ nguyên quan điểm về bài phát biểu đề dẫn, mà nội dung cũng được đăng tải trên website của Geopolitical Futures.

Chuyên gia này cho biết thêm rằng có chuyện gì đó đã xảy ra vào cuối tháng 2, khiến Mỹ bắt đầu bố trí lực lượng chuẩn bị cho chiến tranh. Ông không biết cụ thể chuyện này là gì nhưng những chuyển động quân sự của Mỹ không phải ngẫu nhiên, chúng có ý đồ và kế hoạch.

"Có xác suất 70% là Mỹ sẽ tấn công..., dựa vào các kinh nghiệm về việc chiến tranh bùng nổ trong quá khứ của tôi, tình hình này có đủ các đặc tính giống như thế", ông Friedman nói.)Thanhnien)
---------------------------

Trung Quốc giục trừng phạt Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc

 

Trung Quốc thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng biện pháp cứng rắn với Triều Tiên, đồng thời nêu cao việc giải quyết qua đối thoại.

trieu tien lien tiep phong ten lua bat chap canh bao cua cac nuoc. anh minh hoa: reuters

Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa bất chấp cảnh báo của các nước. Ảnh minh hoạ: Reuters

 

Ông Liu Jieyi, Đại sứ Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an (HĐBA), ngày 23/5 cho rằng cơ quan này cần thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) với Triều Tiên do Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân, Reuters đưa tin.

"Trước hết, việc quan trọng là thực thi các nghị quyết của HĐBA một cách toàn diện", ông Liu nói.

Phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc khiến giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh và Washington đã thảo luận các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. 

Gần một tháng trước, Mỹ đã bàn với Trung Quốc về việc tăng cường biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ, đã im lặng khi được hỏi về việc này.

Thông thường Mỹ và Trung Quốc thảo luận về các biện pháp trừng phạt trước khi có sự tham gia của 13 thành viên khác trong HĐBA. 

"Việc chúng tôi nên làm gì trong tình hình hiện nay phụ thuộc vào Hội đồng quyết định. Chúng tôi làm việc chặt chẽ với các thành viên khác của Hội đồng", ông Liu nói, trả lời về việc phối hợp với Mỹ.

Cũng trong phiên họp hôm qua, Đại sứ Trung Quốc đề cao việc đối thoại trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông cho rằng các nước nên hợp tác để giảm căng thẳng, xuống thang và cũng nỗ lực đạt được việc phi hạt nhân hoá thông qua trao đổi.

"Chúng tôi không thấy lý do nào để không thể đối thoại trong tình hình hiện nay. Cần phải có ý chí chính trị", ông Liu nói.

Đại sứ Anh và Đại sứ Pháp tại LHQ đã ủng hộ việc tăng trừng phạt với Triều Tiên.

Triều Tiên hôm 21/5 phóng tên lửa đạn đạo tầm trung. Nó được cho là bay 500 km về phía biển Nhật Bản, đạt độ cao khoảng 560 km. Tên lửa nhiều khả năng rơi ở ngoài Vùng đặc quyền kinh tế Nhật, không gây thiệt hại cho tàu và máy bay trong khu vực. Ngay sau đó HĐBA đã có cuộc họp kín.

Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa bất chấp cảnh báo mạnh mẽ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Vụ phóng hôm 21/5 là vụ thử tên lửa lần thứ 11 của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi giữa tháng một. 

Trước đó, ngày 15/5, Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới Hwasong-12 tại gần Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa này có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ và có khả năng mang "đầu đạn hạt nhân hạng nặng". Ngày 29/4, Bình Nhưỡng thử tên lửa nhưng nó phát nổ sau khi rời bệ phóng. Giới chức quân đội Mỹ cho rằng đây là tên lửa tầm trung KN-17.
--------------------------------------

Trung Quốc đang o ép Triều Tiên bằng đòn kinh tế?

Tổng giá trị hàng hóa Triều Tiên nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức 100 triệu USD trong tháng qua, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

cac cong nhan boc do than nhap khau tu trieu tien tai cang dandong o mien bac trung quoc - anh: reuters

Các công nhân bốc dỡ than nhập khẩu từ Triều Tiên tại cảng Dandong ở miền bắc Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo báo South China Morning Post (SCMP), các chuyên gia ước đoán tình hình này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, tuy nhiên mặt khác họ cho rằng Trung Quốc cũng đang hành xử rất thận trọng với Bình Nhưỡng, để ngỏ những điều kiện để Triều Tiên có thể trở lại bên bàn đàm phán.

Cụ thể, Trung Quốc nhập khẩu 99,3 triệu USD giá trị hàng hóa từ Triều Tiên trong tháng 4-2017. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6-2014.

Số liệu này cũng cho thấy tổng giá trị hàng nhập tháng 4 thấp hơn so với tổng giá trị 114,6 triệu USD trong tháng 3 và 167,7 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Việc sụt giảm tổng giá trị hàng nhập khẩu này phần lớn là hệ quả từ quyết định cấm nhập khẩu than của Triều Tiên do chính phủ Trung Quốc ban hành hồi tháng 2 năm nay. Than đá là mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên xét riêng về từng mặt hàng cụ thể, trong tháng 4, lượng quặng sắt Trung Quốc nhập khẩu của Triều Tiên đã tăng lên 285 triệu tấn, mức cao nhất từ tháng 8-2014 và cũng cao hơn 10% so với hồi tháng 3, tăng 158,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã cắt giảm lượng xăng xuất sang Triều Tiên, tuy nhiên mới chỉ giảm 5,9% so với tháng 3, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng dầu diesel xuất khẩu sang Triều Tiên giảm 60% nếu tính theo tháng và giảm 79% tính theo năm.(Tuoitre)
--------------------------------

Hàn Quốc thúc đẩy nhiều giải pháp trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Hàn Quốc lựa chọn tăng cường hợp tác kinh tế với Nga để khuyến khích Triều Tiên từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và các hành động khiêu khích quân sự.

 

ngay 4/5, thu tuong han quoc hwang kyo-ahn (thu hai, phai) cho biet han quoc se tiep tuc nhung no luc cung cong dong quoc te phi hat nhan hoa va hien thuc hoa moi truong hoa binh tren ban dao trieu tien. anh: epa/ttxvn

Ngày 4/5, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn (thứ hai, phải) cho biết Hàn Quốc sẽ tiếp tục những nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế phi hạt nhân hóa và hiện thực hóa môi trường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul ngày 24/5, trong cuộc gặp Bộ trưởng phụ trách phát triển vùng Viễn Đông của Nga Alexander Galushka và nhiều nhà lãnh đạo Quốc hội Nga, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Song Young-gil nêu rõ chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước như một giải pháp nhằm thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và các hành động khiêu khích quân sự. 

Ông nhấn mạnh Seoul mong muốn phát huy hiệu quả các dự án kinh tế ba bên với Nga và Triều Tiên để tạo ra một sự thay đổi trong chính sách của Bình Nhưỡng. Về phần mình, Bộ trưởng Galushka đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại cũng như thương lượng chứ không phải là các biện pháp trừng phạt và gây sức ép trong việc giải quyết các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. 

Hai bên nhất trí thực hiện ý tưởng hợp tác ba bên nói trên, chia sẻ nhận thức rằng các dự án kinh tế ba bên như vậy có thể khuyến khích Triều Tiên hướng tới việc giải quyết vấn đề hạt nhân, đồng thời nhất trí về nguyên tắc là sẽ nối lại một số dự án ba bên hiện đang bị đình trệ. Quan chức Nga và Hàn Quốc đồng thời trao đổi về các biện pháp tăng hiệu quả các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Nga thời gian qua. 

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Hàn Quốc tái khẳng định phản đối Triều Tiên phát triển hạt nhân, song vẫn để ngỏ khả năng tiến hành các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai miền. 

Tuyên bố ngày 24/5 của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận về một nghị quyết trừng phạt mới cũng là một phần nỗ lực của Hàn Quốc trong việc cùng nhau đối phó với các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và Chính phủ Hàn Quốc luôn tuân thủ các nguyên tắc vững chắc nhằm đối phó mạnh mẽ với các hành động khiêu khích của Triều Tiên. 

Tuy nhiên, bộ trên cho rằng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên tiếp tục ở trong tình trạng tồi tệ là điều không đáng mong muốn và phía Hàn Quốc dự kiến sẽ linh hoạt xem xét khả năng nối lại các hoạt động giao lưu dân sự liên Triều trong mức độ không vi phạm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của LHQ. 

Sau khi Tổng thống Moon Jae-in, một chính trị gia theo đường lối tự do, lên nắm quyền, nhiều chuyên gia cho rằng nước này sẽ tăng cường can dự với Triều Tiên. 

Chính phủ của cựu Tổng thống Park Geun-hye trước đây tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở Triều Tiên như trẻ sơ sinh và thai phụ, nhưng đã ngừng hầu như toàn bộ các hoạt động giao lưu dân sự liên Triều sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1/2016. 

Trong năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc chỉ chấp thuận việc gửi thuốc điều trì bệnh lao cho Triều Tiên của Quỹ Eugene Bell - tổ chức từng tiến hành chương trình chữa trị bệnh lao tại Triều Tiên.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục