Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 25-05-2017

  • Cập nhật : 25/05/2017

Tổng thống Donald Trump muốn tăng hơn 50 tỷ USD cho quốc phòng

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố dự thảo ngân sách đầy đủ đầu tiên với mức cắt giảm lên tới 3.600 tỷ USD trong 10 năm tới nhằm đảm bảo cân bằng ngân sách liên bang, tuy nhiên chi tiêu cho quốc phòng vẫn tăng mạnh.

 

tong thong my donald trump tai cuoc hop bao o washington, dc ngay 18/5. anh: afp/ttxvn

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 18/5. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo dự thảo ngân sách được công bố ngày 23/5, ông Donald Trump đề xuất tăng 10% ngân sách cho Lầu Năm Góc, tức hơn 50 tỷ USD so với mức ngân sách cơ sở năm 2017. 

Tuy nhiên, con số này chỉ nhiều hơn 3% so với các đề xuất mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama từng đưa ra. Cụ thể, ngân sách quốc phòng được đề xuất cho tài khóa 2018 là 574 tỷ USD trong thời bình, thêm 65 tỷ USD chi tiêu bổ sung trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tức là tổng cộng 639 tỷ USD. 

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã cam kết "chi cho quân đội nhiều nhất trong lịch sử Mỹ", song các nhân vật "diều hâu" ngay trong đảng Cộng hòa vẫn cho rằng mức tăng mà Tổng thống đề xuất trên vẫn còn chưa đủ. 

Thượng nghị sĩ John McCain cảnh báo đề xuất này sẽ "chết yểu" ngay khi đưa ra Quốc hội Mỹ thảo luận. Ông McCain nhận định rằng sau nhiều năm cắt giảm ngân sách trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng trên thế giới, mức ngân sách này sẽ không cung cấp đủ các nguồn lực cần thiết để khôi phục độ sẵn sàng của quân đội Mỹ, xây dựng lại các năng lực quân sự và làm mới các ưu thế quân sự của Mỹ bằng việc đầu tư vào các năng lực hiện đại. 
   
Ngoài tăng ngân sách cho quốc phòng, các lĩnh vực khác bị cắt giảm mạnh như Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và một loạt chương trình an sinh xã hội, hướng tới việc "thắt lưng buộc bụng" 3.600 tỷ USD trong vòng 10 năm. 

Đây được xem là nỗ lực đầu tiên của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa việc chi tiêu ngân sách liên bang vào tầm kiểm soát và trở lại tình trạng cân bằng trong một thập kỷ. 

Cụ thể, ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Chương trình viện trợ Mỹ (USAID) trong tài khóa 2018 sẽ bị cắt giảm 30%, xuống còn 37,6 tỷ USD. Mức cắt giảm sâu nhất được đề xuất là của các chương trình viện trợ nước ngoài và các khoản đóng góp của Mỹ cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và ngân sách dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. 

Tuy nhiên, ngân sách dành cho cuộc chiến chống khủng bố và các chiến dịch chống tội phạm quốc tế có tổ chức được tăng mạnh, trong đó 5,6 tỷ USD được đề xuất chi cho cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết mức cắt giảm trên phản ánh rõ chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump. Ông Tillerson cam kết sẽ ưu tiên cho sự thịnh vượng của người Mỹ, tăng cường an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh biên giới và tăng cường các lợi ích kinh tế của Mỹ. 

Với tên gọi "Một nền tảng mới cho sự vĩ đại của nước Mỹ", dự thảo ngân sách mới đặt mục tiêu loại bỏ thâm hụt ngân sách trước năm 2028 nhờ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu cho Medicaid (chương trình hỗ trợ chăm sóc y tế cho người có thu nhập thấp và người tàn tật). 

Chánh Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng Mick Mulvaney cho biết chính quyền sẽ ưu tiên cho lợi ích của người đóng thuế hơn là cho những người cần được trợ giúp. 

Cụ thể, chi tiêu cho Medicaid sẽ bị cắt giảm hơn 800 tỷ USD trong 10 năm, trong khi Chương trình hỗ trợ lương thực phụ trợ, vốn giúp cho khoảng 44 triệu người Mỹ, cũng sẽ bị cắt giảm 193 tỷ USD. Ngân sách cho EPA trong tài khóa 2018 giảm 30%. Nếu tính cả lạm phát, đây sẽ là mức chi thấp nhất của Mỹ cho việc bảo vệ môi trường kể từ giữa những năm 1970. 

Bên cạnh các khoản chi ngân sách, Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất biện pháp tăng thu ngân sách bằng cách bán một nửa lượng dầu trong kho Dự trữ dầu chiến lược (SPR), vốn được tạo ra trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970. 

Lập luận được đưa ra là sản lượng dầu của Mỹ đã tăng và lượng dầu nhập khẩu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm mạnh so với những năm 1970, vì vậy việc cắt giảm SPR vẫn đảm bảo cho lĩnh vực này trong thời kỳ khủng hoảng. Nếu đề xuất trên được chấp nhận, thu ngân sách Mỹ dự kiến sẽ tăng 16,6 tỷ USD đến năm 2027. Đề xuất này bị cho là không phù hợp trong bối cảnh giá dầu hiện nay tương đối thấp. 

Giới chuyên gia nhận định đề xuất ngân sách trên sẽ có thể vấp phải sự phản đối của cả hai đảng trong Quốc hội  và dự báo sẽ bắt đầu những cuộc tranh cãi mới. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Quốc hội sẽ quyết định có áp dụng chính sách cắt giảm khá nhạy cảm về chính trị như đề xuất nói trên hay không. 

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tăng từ mức 1,6% trong năm 2016 lên 3% vào năm 2021 và sẽ duy trì mức này trong gần một thập kỷ nhờ các cuộc cải cách về thuế và quy định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ hoài nghi về mức dự báo trên và dự báo con số này sẽ chỉ duy trì ở mức 1,9% trong 10 năm tới.(TTXVN)
-------------------------------

Bộ trưởng Vương Nghị: Cần “nhổ gai trong cổ họng” của quan hệ Trung - Hàn

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đánh giá tích cực về thái độ thiện chí của chính quyền Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; đồng thời yêu cầu Hàn Quốc tìm cách xử lý vấn đề THAAD.

ngoai truong trung quoc vuong nghi

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Tân Hoa xã ngày 23/5 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trả lời phỏng vấn báo chí ngày 22/5 tại thủ đô Abidjan của Bờ Biển Nga, cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa trúng cử đã cử đặc phái viên quan trọng sang thăm Trung Quốc. Điều này cho thấy phía Hàn Quốc mong muốn coi trọng và đẩy nhanh cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc thấy được chính phủ khóa mới Hàn Quốc có sự thay đổi về chính sách đối với Trung Quốc, thể hiện thái độ khác với chính quyền tiền nhiệm. 
Một là sẵn sàng nhìn thẳng chứ không tránh né những vấn đề có ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung - Hàn. Hai là hiểu được mối quan ngại của Trung Quốc đối với việc bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân. Ba là sẵn sàng tích cực tìm kiếm con đường thỏa hiệp để xử lý vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. 
Theo ông Vương Nghị, "cởi dây phải tìm người buộc dây". Trung Quốc mong muốn Hàn Quốc có thể nắm bắt được sự tương tác tích cực trong chuyến thăm Trung Quốc của đặc phái viên, thực hiện các biện pháp thực tế, nhanh chóng "nhổ cái gai trong cổ họng" của quan hệ hai nước. Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi với phía Hàn Quốc.
bo truong ngoai giao trung quoc vuong nghi va dac phai vien lee hae-chan cua tan tong thong han quoc moon jae-in. anh: fmprc.gov.cn

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và đặc phái viên Lee Hae-chan của Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: fmprc.gov.cn

Ông Vương Nghị đề xuất phải đồng thời thúc đẩy trừng phạt và đối thoại, kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng điều này hợp tình hợp lý, cũng là phương hướng được nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đề xướng.
Gần đây, Mỹ cũng đã bày tỏ thái độ mong muốn triển khai tiếp xúc, đối thoại với Triều Tiên. Tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn không yên ả, không ngừng xảy ra một số tình huống mới. 
Trung Quốc thúc giục Triều Tiên không được tiếp tục làm bất cứ việc gì vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đồng thời mong muốn các bên giữ bình tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi những việc nhất thời.
Trung Quốc yêu cầu các bên kiên trì phương hướng lớn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kiên trì thực hiện tốt nghị quyết liên quan đến Triều Tiên của Hội đồng bảo an, kiên trì giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình như đối thoại, đàm phán.
Trước đó, ngày 18/5, khi gặp đặc phái viên Lee Hae-chan của Tân Tổng thống Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã yêu cầu chính quyền mới của Hàn Quốc “sửa chữa” những vấn đề gặp phải trong quan hệ song phương. 
Ngày 10/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi điện chúc mừng ông Moon Jae-in được bầu làm Tân Tổng thống Hàn Quốc. Trong bức điện, ông Tập mong muốn giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn với Hàn Quốc trên cơ sở hiểu biết và tin cậy.(Viettimes)
----------------------

Ấn Độ viện trợ 5 tỷ USD để Bangladesh không mua J-10 Trung Quốc?

Sau khi nhận được viện trợ quân sự từ Ấn Độ, Bangladesh đã từ bỏ máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc, chuyển sang mua sắm máy bay chiến đấu Su-30SME của Nga, tính năng tốt hơn cả Su-30MKI Ấn Độ.

may bay chien dau su-30sme cua nga

Máy bay chiến đấu Su-30SME của Nga

Trang tin Sina (Trung Quốc) ngày 23/5 cho rằng cách đây không lâu Bangladesh công khai cho biết muốn nhập khẩu 14 máy bay chiến đấu J-10B của Trung Quốc. Thông tin này làm cho dư luận khá bất ngờ, vì trước đó Bangladesh chưa từng bày tỏ quan tâm đến J-10, cũng không có thông tin đàm phán gì.
Tuyên bố của Bangladesh đã khiến cho Ấn Độ không vui. Quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Bangladesh là điều mà Ấn Độ không muốn nhìn thấy. Trước đây, Ấn Độ cũng luôn phản đối Bangladesh nhập khẩu trang bị của Trung Quốc.
Để mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Bangladesh, tháng 4/2017, Ấn Độ quyết định cung cấp một khoản viện trợ tổng trị giá 5 tỷ USD cho Bangladesh, trong đó có ít nhất 500 triệu USD là viện trợ quân sự.
Để nâng cao vai trò ảnh hưởng của mình. Điều này rõ ràng họ muốn hỗ trợ Bangladesh mua sắm máy bay chiến đấu mới. Bangladesh đương nhiên phải từ bỏ J-10B. 
Vì vậy, thông tin mới nhất cho biết, Bangladesh tuyên bố cuối cùng đã lựa chọn mua máy bay chiến đấu Su-30SME làm máy bay chiến đấu mới. 
Máy bay chiến đấu Su-30SME có tính năng tiên tiến, giá cả cũng cao. Theo tài liệu do Ấn Độ cung cấp, đơn giá máy bay chiến đấu Su-30MKI do Ấn Độ lắp ráp sản xuất đã lên tới 200 triệu USD. 
may bay chien dau su-30sm nga. anh: chinanews

Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga. Ảnh: Chinanews

Bangladesh lại chưa từng sử dụng máy bay chiến đấu Sukhoi, cần tăng cường đào tạo cán bộ, cộng với mua sắm không ít linh kiện dự trữ, cho dù lựa chọn phiên bản đơn giản thì đơn giá thực tế cũng trên 100 triệu USD.
Do hiện nay đã có người khác hỗ trợ tài chính, Bangladesh đương nhiên sẵn sàng lựa chọn máy bay chiến đấu Su-30SME với tính năng tốt hơn và đắt hơn. 
Thông tin từ phía Nga cho biết: Bangladesh sẽ đặt mua trước 8 máy bay chiến đấu Su-30SME, có thể mua thêm 4 chiếc sau đó. Ấn Độ chi tiền lớn, đã thực hiện được mục tiêu: Trung Quốc không bán được máy bay chiến đấu J-10.
Sina cho rằng Ấn Độ có đáng làm như vậy hay không là một vấn đề lớn. Bởi không loại trừ khả năng Bangladesh có ý định làm "động tác nhỏ", công khai tuyên bố đặt mua J-10 để ép Ấn Độ chi tiền.
Từ lâu, không quân Bangladesh luôn sử dụng máy bay chiến đấu do Trung Quốc và Nga chế tạo, mua sắm máy bay chiến đấu mới đương nhiên phải nhập từ Trung Quốc hoặc Nga, nếu không cần xây dựng hệ thống bảo đảm mới, rất tốn tiền.
Ban đầu, dư luận cho rằng Bangladesh sẽ lựa chọn giữa máy bay chiến đấu Kiêu Long của Trung Quốc và MiG-29 của Nga, kết quả chọn trước J-10, sau đó đổi sang Su-30, đây là điều khá bất ngờ.
Su-30SME là phiên bản xuất khẩu của máy bay chiến đấu Su-30SM hiện có của Quân đội Nga. Vào đầu thế kỷ này, Nga đã xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-30MKI cho Ấn Độ. 
may bay chien dau su-30sm nga. anh: huanqiu

Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga. Ảnh: Huanqiu

Sau khi Ấn Độ sử dụng dài hạn, Nga đã khắc phục những khiếm khuyết trong thiết kế, nghiên cứu chế tạo ra Su-30SM. Phi công Nga đánh giá máy bay này là: Không cảm giác được bất cứ vấn đề gì!
Dựa vào cánh mũi và động cơ véc-tơ, máy bay này đã có khả năng tác chiến kiểm soát trên không rất mạnh, cho nên Su-30SM được gọi là máy bay chiến đấu có khả năng cơ động cao. Do đó chớ xem thường khả năng không chiến của nó.
Nhưng, định vị chính thức của nó là: máy bay tấn công, áp dụng thiết hai chỗ ngồi, phi công phía sau là người điều khiển vũ khí.
Ngoài một khẩu pháo 30 mm, máy bay này có 12 điểm treo ngoài, lượng đạn mang theo 8 tấn, vũ khí không đối đất, các loại tên lửa và đạn dẫn đường, hầu như có thể sử dụng mọi vũ khí tiêu chuẩn của Quân đội Nga.
Su-30SM có tầm hoạt động lên đến 3.000 km. Nếu tiến hành tiếp dầu 2 lần thì tầm hoạt động lớn nhất có thể đạt 8.000 km. 
Theo yêu cầu của Ấn Độ, Su-30MKI đã lắp rất nhiều thiết bị điện tử hàng không của phương Tây. Trong khi đó, Su-30SM lại hoàn toàn sử dụng thiết bị do Nga chế tạo, cho thấy Nga có tiến bộ về công nghệ điện tử, hiện có thể trang bị thiết bị ngắm chuẩn hồng ngoại và laser, dùng để bắt được và tấn công các mục tiêu mặt đất.
may bay chien dau su-30sm nga. anh: military.china.com

Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga. Ảnh: Military.china.com

Radar điều khiển hỏa lực mới của Su-30SM Nga có thể đồng thời bắt và bám theo 15 mục tiêu trên không, đồng thời có thể 1 lần tấn công 4 mục tiêu. 
Su-30SM là một trong những máy bay chiến đấu ném bom ưu việt nhất trên thế giới hiện nay. Những năm gần đây nó lại được kiểm nghiệm tính năng ưu việt thông qua chiến đấu thực tế ở khu vực Trung Đông. Bản thân Quân đội Nga cũng đã mua sắm rất nhiều, coi nó là loại máy bay tác chiến chủ yếu. (Viettimes)
-------------------------

 

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 25-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 25-05-2017

    Tân “Bộ trưởng Chiến tranh” của IS bị giết; Bị bắt vì buôn lậu công nghệ không gian Mỹ đến Trung Quốc; Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ ‘mạnh tay’ với phiến loạn; Nga - Philippines không thiết lập liên minh an ninh

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 24-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý tối 24-05-2017

    Giao tranh dữ dội, Philippines ban bố thiết quân luật trên đảo Mindanao; Đến Nga, Tổng thống Duterte lập tức đề nghị mua vũ khí; Chiến đấu cơ Ấn Độ mất tích gần Trung Quốc

Bài cùng chuyên mục