Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 23-06-2017

  • Cập nhật : 23/06/2017

Mỹ muốn Trung Quốc tăng sức ép lên Triều Tiên

Tại cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao cấp cao ngày 21-6, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đi thẳng vào trọng tâm khi kêu gọi Trung Quốc tăng cường sức ép lên Triều Tiên.

ngoai truong my rex tillerson (phai) va bo truong quoc phong james mattis tai cuoc hop bao ngay 21-6 o washington - anh: reuters

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và bộ trưởng quốc phòng James Mattis tại cuộc họp báo ngày 21-6 ở Washington - Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đồng chủ trì cuộc đối thoại an ninh-ngoại giao song phương lần đầu tiên này bên phía nước chủ nhà là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Trong khi đó, đứng đầu phái đoàn đối thoại Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Phòng Phong Huy.

Vấn đề Triều Tiên đã được dự báo là một trong những chủ để chính của cuộc đối thoại sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier mới đây chỉ vài ngày sau khi được Bình Nhưỡng trả tự do cũng nhưng những vụ thử tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi nhắc lại với Trung Quốc rằng họ phải tăng áp lực về kinh tế và ngoại giao đối với chính quyền Triều Tiên nếu họ muốn ngăn căng thẳng tiếp tục leo thang” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Tillerson, gọi Bình Nhưỡng là “mối đe doạ an ninh hàng đầu” của Mỹ.

Ông Tillerson cho biết đại diện hai nước tại cuộc họp đã nhất trí rằng các công ty hai bên không được làm ăn với bất cứ đối tác nào của Bình Nhưỡng nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục “làm mọi điều cần thiết để bảo vệ chính mình và các đồng minh”.

Ngay trước cuộc họp này, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bóng gió trên tài khoản Twitter rằng “dù tôi rất cảm kích nỗ lực giúp đỡ của chủ tịch Tập Cận  Bình và Trung Quốc về Triều Tiên nhưng không có kết quả gì. Ít ra tôi cũng biết Trung Quốc đã cố gắng”.

Ngoại trưởng Tillerson cho biết thêm rằng tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm nay, phát đi tín hiệu Washington đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh bất chấp những bất đồng liên quan tới vấn đề Triều Tiên.

Mỹ giữ lập trường về Biển Đông

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ tiếp tục phản đối việc Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo mà nước này chiếm giữ ở Biển Đông.

“Bộ trưởng Mattis và tôi đã làm rõ rằng quan điểm của Mỹ không thay đổi. Chúng tôi phản đối việc thay đổi thực trạng thông qua việc quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông và tuyên bố chủ quyền quá đáng, không theo luật pháp quốc tế” - hãng tin AFP dẫn lời ông Tillerson.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis trong khi đó hối thúc việc liên lạc với quân đội Trung Quốc để “cải thiện sự minh bạch và thấu hiểu lẫn nhau”.

“Tại cuộc đối thoại này, chúng tôi đã xác định các lĩnh vực có thể hợp tác cùng nhau và biết được những chỗ nào bị mất kết nối… Chúng tôi sẽ tiếp tục để xoá bỏ các khoảng cách để hiểu nhau và làm việc theo cách nào đó trong tương lai” - ông Mattis nói.(Tuoitre)
----------------------

Truyền thông Triều Tiên nói Trump 'thần kinh bất ổn'

Báo Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc sẽ chuốc lấy thảm họa khi đi theo người có "thần kinh không ổn định" Donald Trump.

tong thong my donald trump. anh: reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

 

"Hàn Quốc phải nhận ra rằng đi theo Trump thần kinh bất ổn... sẽ chỉ dẫn đến thảm họa", bài xã luận hôm nay của Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, nhắc đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo AFP.

Rodong Sinmun cho rằng ông Trump đang trong "tình thế khó khăn" và "chơi đùa với ý tưởng tấn công phủ đầu Triều Tiên để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước".

Bài xã luận được đăng tải vài ngày sau khi sinh viên Mỹ Otto Warmbier tử vong chỉ một tuần từ khi được Triều Tiên thả ngày 13/6 trong tình trạng hôn mê. Cái chết của Warmbier đã khiến quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng thêm căng thẳng.

Phát biểu sau cái chết của Warmbier, Tổng thống Trump lên án Triều Tiên là "tàn bạo", nói ông kiên quyết "ngăn những thảm kịch tương tự xảy ra". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng có bình luận tương tự, tuyên bố Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về cái chết của sinh viên này. (Vnexpress)
--------------------------

Tổng thống Trump phải chọn cách tiếp cận khác với Triều Tiên

Việc sinh viên Mỹ Otto Warmbier qua đời sau khi trở về từ Triều Tiên có thể là chất xúc tác đủ mạnh để Tổng thống Donald Trump có hành động với Bình Nhưỡng.

tong thong my donald trump - anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Đài CNN ngày 21-6 dẫn phát ngôn từ Văn phòng cảnh sát điều tra quận ở Hamilton ở bang Ohio (Mỹ) cho biết gia đình của sinh viên Otto Warmbier yêu cầu không phẫu thuật khám nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân tử vong.

Warmbier đã qua đời chỉ vài ngày sau khi trở về Mỹ sau thời gian bị giam giữ ở Triều Tiên. Như vậy, nguyên nhân cái chết của Warmbier tiếp tục là ẩn số, và nó sẽ góp phần khiến áp lực lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump thêm lớn hơn.

Kích hoạt sự lo âu

Triều Tiên lâu nay được cho là duy trì giam giữ một số công dân nước ngoài, và bị cáo buộc sử dụng tù nhân để đánh đổi viện trợ cũng như sự nhún nhường về ngoại giao từ quốc tế. Tuy nhiên sau cái chết của Warmbier, áp lực quốc tế đã gia tăng trong việc kêu gọi Triều Tiên thả người, theo báo Guardian.

Hôm 20-6, Tổng thống Donald Trump xem cái chết của sinh viên Mỹ 22 tuổi là “sự sỉ nhục toàn diện”, khẳng định “thành thực mà nói, nếu cậu ta được đưa về sớm hơn thì tôi nghĩ mọi thứ đã khác”.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mô tả tình trạng nhân quyền tại Triều Tiên là “xót xa”, đồng thời cam kết Hàn Quốc sẽ hỗ trợ mọi thứ để đẩy nhanh việc thả các công dân khác.

Hiện nay, Triều Tiên được cho là vẫn đang giam giữ ba người Mỹ, sáu người Hàn Quốc, một người Canada và vài người quốc tịch Trung Quốc.

Cho đến nay, hiếm khi xuất hiện thông tin chính thức nói Triều Tiên tra tấn, làm hại những công dân mà nước này giam giữ. Vì vậy giới quan sát có phần kinh ngạc với trường hợp sinh viên Mỹ Warmbier.

Ông Jiro Ishimaru, người đang công tác cho mạng lưới tin tức Asia Press liên hệ với Triều Tiên, giải thích: “Tù nhân nước ngoài bị giam giữ như con bài thương lượng của Triều Tiên, nên không có ích gì khi ngược đãi họ dẫn đến bệnh tật hoặc suy dinh dưỡng. Có thể tù nhân người Triều Tiên bị tra tấn thường xuyên, nhưng đó dường như không phải những gì xảy ra với người nước ngoài...”.

Tù nhân nước ngoài ở Triều Tiên nhiều khả năng được đưa tới nhà tù tại thành phố Sariwon, phía nam thủ đô Bình Nhưỡng, nơi họ được cư xử tử tế hơn so với 200.000 - 300.000 người Triều Tiên bị giữ tại các nhà tù, trại cải tạo...

Chờ ông Trump hành động

Hơn ai hết, người đứng đầu nước Mỹ như Tổng thống Trump sẽ đối diện áp lực lớn hơn nữa trong mối quan hệ với Triều Tiên. Và cái chết của Warmbier có vẻ sẽ khiến ông Trump phải hành động nhiều hơn nữa thay vì lời nói.

“Tổng thống sẽ phải làm điều gì đó, và nó phải vượt xa cả những lời chia buồn mà ông đưa ra lẫn những lần lên án Triều Tiên. Ông ấy phải thể hiện rõ ràng rằng Triều Tiên và các nước khác phải trả giá đắt nếu làm hại công dân Mỹ”, trang NBC News dẫn lời cây bút Gordon Chang của trang tin Daily Beast, và là tác giả cuốn sách “Nuclear Showdown: North Korea Takes On the World”.

Về vấn đề trong nước, Mỹ đang bàn thảo về các biện pháp chủ động ngăn chặn việc công dân của họ du lịch tới Triều Tiên. Một báo cáo cách đây chưa lâu trên báo New York Times cho thấy bất chấp quan hệ căng thẳng, nhiều người Mỹ vẫn rất muốn tới Triều Tiên vì tò mò. Thượng Nghị sĩ John McCain hôm 20-6 thậm chí gay gắt cho rằng thái độ ấy thật sự “ngu ngốc”.

Hiện nay lưỡng viện Mỹ đang xem xét giải pháp đưa ra “Đạo luật Kiểm soát du lịch đến Triều Tiên”, nhằm cấm du khách tới đất nước Đông Á này. Đó cũng là một mũi tên trúng hai đích, vừa bảo vệ sự an toàn của người Mỹ, vừa giảm khả năng kiếm tiền từ ngành du lịch của Triều Tiên mà nhiều nước cho là một nguồn cung cấp tài chính cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Về đối ngoại, hôm 20-6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kinh tế, chính trị lên Triều Tiên và mong muốn Trung Quốc đóng “một vai trò lớn hơn”. Mặc dù vậy, ông Trump trên Twitter trong lúc nhắc lại vai trò của Trung Quốc, cũng thừa nhận đến nay điều ấy “không cho thấy hiệu quả”.

Trong một động thái quân sự hôm 20-6, hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B của Mỹ đã bay ngang bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng các máy bay này tham gia tập trận thường xuyên với Hàn Quốc và Nhật Bản, và quân đội Mỹ khẳng định đó là biểu hiện chứng tỏ sự nhất trí giữa Mỹ, Hàn và Nhật trong việc đối phó các hành động khiêu khích trong khu vực Thái Bình Dương, theo đài ABC.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục