Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 09-07-2017
- Cập nhật : 09/07/2017
Triều Tiên dọa 'gửi thêm nhiều món quà' tới Mỹ
Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố ám chỉ sẽ tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo, bất chấp áp lực từ quốc tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa Hwasong-14 trước khi phóng. Ảnh: KCNA.
"Mỹ sẽ liên tục nhận được nhiều món quà với kích cỡ khác nhau từ Triều Tiên, bất chấp việc nước này cố gắng hủy diệt sức mạnh quốc gia và vị trí chiến lược của chúng tôi", Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố hôm 8/7. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân nhằm tự vệ trước chính sách thù địch từ Washington, Yonhap đưa tin.
Triều Tiên hôm 4/7 thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên mang tên Hwasong-14. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi đó là "món quà nhân dịp ngày Quốc khánh Mỹ". Tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng dường như ám chỉ việc sẽ tiếp tục phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo mới.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết sẽ không thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa với Hàn Quốc, dù Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên.
Tên lửa Hwasong-14 được Triều Tiên gọi là 'món quà' cho Mỹ.
"Vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là vấn đề giới hạn giữa Triều Tiên và Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói. Bình Nhưỡng khẳng định họ sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, trừ khi Washington từ bỏ thái độ thù địch với nước này.
Hồi đầu tuần, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho hay Mỹ sẽ sử dụng biện pháp quân sự chống lại Triều Tiên nếu cần thiết. Bà Haley cảnh báo các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng đang "nhanh chóng kết thúc" cơ hội giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao.(Vnexpress)
---------------------------
Putin: 'Không được mất bình tĩnh về vấn đề Triều Tiên'
Tổng thống Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bình tĩnh đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
"Vấn đề hạt nhân Triều Tiên rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta không được mất bình tĩnh mà cần hành động một cách thực tế và khéo léo", AFP hôm nay dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-In, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
Tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin cùng ngày kêu gọi thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày 4/7.
Tuy nhiên ông Moon khẳng định sẵn sàng gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm mục đích giảm căng thẳng giữa hai bên.
Vấn đề Triều Tiên cũng được bàn thảo trong gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết hai nhà lãnh đạo cho thấy quan điểm có phần khác biệt về cách thức đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.(Vnexpress)
-------------------------
Mỹ trao cho Trung Quốc dự thảo trừng phạt Triều Tiên
Washington đã trao cho Bắc Kinh dự thảo nghị quyết để chuẩn bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về trừng phạt Bình Nhưỡng.
Mỹ đã trao cho Trung Quốc một dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó đề cập việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, Reuters ngày 7/7 dẫn tin từ các nhà ngoại giao LHQ cho biết.
Thông thường Mỹ và Trung Quốc thảo luận các biện pháp trừng phạt mới về Triều Tiên trước khi chính thức thảo luận với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ. Ngoài ra, Mỹ sẽ trao đổi không chính thức với Anh và Pháp, còn Trung Quốc thường bàn bạc với Nga.
Động thái này của Mỹ diễn ra sau khi Triều Tiên hôm 4/7 phóng thử tên lửa Hwasong-14 ra biển Nhật Bản. Mỹ coi đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ, hôm 5/7 cho biết sẽ đưa ra các đề xuất về biện pháp trừng phạt mới. Các phương án gồm hạn chế việc chở dầu đến Triều Tiên, tăng hạn chế trên không và trên biển, áp đặt các lệnh trừng phạt với các quan chức cấp cao.
Một nhà ngoại giao cao cấp của Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng việc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết sẽ không diễn ra nhanh chóng.
"Tôi chắc chắn nó sẽ mất vài tuần, không phải một tuần. Nhưng tôi cũng chắc là sẽ không kéo dài đến ba tháng", người này nói.
Hội đồng Bảo an LHQ từng mất đến ba tháng để thống nhất việc tăng cường các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân hồi tháng 9 năm ngoái.
Nga hôm 6/7 phản đối một tuyên bố lên án Triều Tiên của Hội đồng Bảo an LHQ vì Mỹ gọi vụ thử hôm 4/7 là phóng ICBM. Trong khi đó, Moscow không coi tên lửa của Bình Nhưỡng là ICBM, cho rằng bổ sung lệnh trừng phạt không giúp giải quyết vấn đề. (Vnexpress)