Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 07-07-2017

  • Cập nhật : 07/07/2017

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un: “Quà tên lửa” chắc làm Mỹ khó chịu“

Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un nói với các nhà khoa học và kỹ sư rằng Mỹ sẽ “khó chịu” lắm khi nhận được “quà” mừng Lễ Độc lập hàng năm của họ.

mot vu thu ten lua dan dao cua trieu tien

Một vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên

KCNA cho biết, ông Kim Jong Un rất tự hào với vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên hôm 4/7.

Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim nói với các nhà khoa học và kỹ sư rằng Mỹ sẽ “khó chịu” lắm khi nhận được “quà” mừng lễ độc lập hàng năm của họ.

Vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 4/7, Triều Tiên đã phóng tên lửa Hwasong-14 tại một phi trường gần biên giới Trung Quốc. Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên nói tên lửa Hwasong-14 bay 933 km và đạt đến độ cao 2.802 km. Tên lửa đã rớt xuống biển Nhật Bản sau khi bay được 39 phút.

Dựa trên phân tích về thông số kỹ thuật quỹ đạo của tên lửa Hwasong-14, các chuyên gia Mỹ nhận định tên lửa này dường như có thể bay đến bang Alaska.

KCNA cho biết ông Kim Jong Un, với nụ cười rạng rỡ đã “hối thúc các nhà khoa học của ông thường xuyên gửi những món quà lớn nhỏ cho Mỹ".

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng “là một sự leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi và với thế giới".

Ông Tillerson nói cần phải có một hành động toàn cầu để "ngăn chặn mối đe dọa Triều Tiên". Phát ngôn viên Dana White của Lầu Năm Góc ra tuyên bố nói rằng vụ phóng thử tên lửa mới đây “tiếp tục cho thấy Triều Tiên đe dọa Mỹ và các các đồng minh của Mỹ".

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng ra tuyên bố lên án Bình Nhưỡng, và nói rằng vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên “một lần nữa vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và cấu thành hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm".

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp kín về khủng hoảng Triều Tiên vào chiều 5/7. Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố cần phải có những biện pháp mạnh hơn đối với Triều Tiên.

Tại Hàn Quốc, các lực lượng quân sự của Mỹ và Hàn Quốc thông báo đã diễn tập đáp trả chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-14, với mục tiêu chống lại hành động “gây bất ổn của Triều Tiên". Một thông cáo chung nói: “Mỹ kiên quyết với cam kết bảo vệ Hàn Quốc".

Địa điểm tên lửa Hwasong-14 rơi xuống trên Biển Nhật Bản nằm trong đặc khu kinh tế của Nhật Bản. Điều này không chỉ khiến Tokyo nổi giận, mà cả Trung Quốc cũng bất bình và khó xử.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh “không ngừng nỗ lực” để giải quyết những thách thức trên bán đảo Triều Tiên. Ông Cảnh nói vai trò của Trung Quốc là “không thể thiếu được,” và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, dừng ngay lập tức việc đẩy tình hình căng thẳng leo thang.(Viettimes)
----------------------

Hoa Kỳ gây chú ý với khả năng tấn công quân sự Triều Tiên

Financial Times ngày 6/7 đưa tin, Hoa Kỳ đã nâng cao nhận thức về hành động quân sự đối phó với Bắc Triều Tiên sau vụ thử tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng ngày 4/7.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã nói rằng, vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa trong tuần này là sự leo thang quân sự rõ ràng và sắc nét, hành động của Triều Tiên đã nhanh chóng chấm dứt các khả năng giải pháp ngoại giao.

Bà Nikki Haley tuyên bố:

"Hoa Kỳ đang chuẩn bị sử dụng đầy đủ khả năng của mình để bảo vệ chính chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi.

Một trong những khả năng của chúng tôi nằm ở lực lượng quân đội đáng kể. Chúng tôi sẽ sử dụng quân đội nếu cần, nhưng chúng tôi không muốn phải đi theo hướng đó.".

nha lanh dao trieu tien kim jong-un, anh: yonhap news.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Yonhap News.

Bình luận của bà Haley được đưa ra sau khi tướng Vincent Brooks, Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, cảnh báo Bình Nhưỡng rằng:

Các lực lượng của ông đã sẵn sàng đáp trả bất kỳ lời tuyên chiến nào, sau khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa mới của họ có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày 5/7 Tổng thống Donald Trump cho biết trên Twitter, nỗ lực của Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên đã không thành công, khi liên hệ giữa hai nước láng giềng này tăng lên trong những tháng gần đây.

Ông Donald Trump viết:

"Thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã tăng trưởng gần 40% trong quý đầu tiên. Hợp tác giữa Trung Quốc với chúng tôi cũng đến thế mà thôi, nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng thử xem sao.".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từng cố gắng tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã khiến ông ủng hộ lập trường của Mỹ. [1]

CNN hôm nay dẫn lời Đại sứ Niiki Haley cho biết:

"Phần lớn các gánh nặng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (với Triều Tiên) phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc, nhưng sẽ không lặp lại các phương pháp tiếp cận không đầy đủ của quá khứ, đã đưa chúng tôi đến những ngày đen tối này.".

Cả Phó Đại sứ Nga và Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã không đồng ý vấn đề trừng phạt bổ sung Triều Tiên trong cuộc họp. [2]

News.com.au ngày 6/7 cho biết, Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce tuyên bố, nếu Hoa Kỳ triển khai hoạt động quân sự chống Bắc Triều Tiên, Australia sẽ tham gia.

Tuyên bố này được đưa ra sau phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, trong lúc Thủ tướng Malcolm Turbull đang dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức.

Ông Barnaby Joyce nói:

"Không ai nên đi quá xa trong việc kiểm tra quyết tâm của Hoa Kỳ.

Nếu Triều Tiên bắn một đầu đạn hạt nhân vào Hoa Kỳ, sau đó hiệp ước đồng minh Mỹ - Australia - New Zealand sẽ được kích hoạt.". [3]

Cá nhân người viết cho rằng, tình huống trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang là một "đòn cân não" với người đứng đầu Nhà Trắng.

Cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang dõi theo tình hình bán đảo từng ngày, bởi tác động của nó đến cục diện an ninh khu vực.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đã nắm được mấu chốt vấn đề, bán đảo Triều Tiên là bàn cờ chiến lược nơi các siêu cường Mỹ - Trung - Nga đều có lợi ích. 

Bất kỳ một hành động đơn phương nào từ 1 trong 3 siêu cường này, đều phải xem thái độ và tính toán khả năng phản ứng của 2 nước còn lại.

Lợi ích của mỗi nước trên bán đảo lại khác nhau, và toan tính của mỗi siêu cường cũng khác với 2 nước kia.

Chính vì thế bằng những vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây càng củng cố khả năng ông Kim Jong-un nhận định, ông Donald Trump và liên minh Mỹ - Nhật - Hàn vẫn rất sợ kết cục "trạng chết, chúa cũng băng hà".

Vì vậy Bình Nhưỡng có khả năng tin rằng, các nỗ lực của Hoa Kỳ không thể ngăn nổi họ chiếm thế thượng phong buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện, hoặc chí ít cũng là thỏa hiệp đôi bên.

Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ đã từng tiết lộ ý tưởng, chỉ cần Mỹ - Hàn hủy bỏ hoặc đóng băng các hoạt động tập trận trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng có thể tạm đóng băng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân để ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Donald Trump nổi tiếng là một nhà lãnh đạo "không thể dự đoán", nhưng nếu xét về mức độ "liều lĩnh", có lẽ ông có nhiều thứ để cân nhắc, thận trọng, đắn đo hơn so với Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Đó là cái khó nhất của người Mỹ, cả Washington và Bình Nhưỡng đều hiểu.

Tuy nhiên, một khi trò tâm lý chiến thử sức chịu đựng của nhau này đi quá giới hạn, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.ft.com/content/79e9d314-6124-11e7-91a7-502f7ee26895

[2]http://edition.cnn.com/2017/07/05/politics/nikki-haley-north-korea-military-escalation-un/index.html

[3]http://www.news.com.au/national/breaking-news/aust-not-ruling-out-china-trade-sanctions/news-story/12f4a98898474d37a2d59d37e4299969

(Hồng Thủy-GDVN)
-------------------------------

Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa, Trung Quốc không "cứu" Donald Trump

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 5/7 cho biết, các quan chức quân đội mỹ khẳng định, quả tên lửa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã phóng hôm qua là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Để biểu dương lực lượng phản ứng lại động thái này của Bình Nhưỡng, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu tập trận tấn công tên lửa chính xác trên vùng biển Hàn Quốc hôm qua.

"Món quà" từ Bình Nhưỡng trong Ngày Độc lập

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi "hành động toàn cầu" để ngăn chặn mối đe dọa toàn cầu. Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Ông không nhắc đến vai trò của Trung Quốc.

Xác nhận công khai đầu tiên của Mỹ về quả tên lửa Triều Tiên mới phóng là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đã cho thấy một sự tiến bộ công nghệ lớn của Bình Nhưỡng.

Patrick Cronin, một chuyên gia về châu Á từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết, ông Donald Trump đã ở thế không thể quay đầu trong xử lý vấn đề Triều Tiên:

"Hoặc là chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao với ông Kim Jong-un, hoặc chúng tôi phải bắt đầu một quá trình hành động.

Khả năng nhiều là chúng tôi phải lựa chọn cả hai.". [1]

tong thong my donald trump dang o trong tinh the tien thoai luong nan, anh: the new york times.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, ảnh: The New York Times.

Reuters ngày 5/7 dẫn nguồn tin KCNA cho biết:

Từ Triều Tiên, ông Kim Jong-un tuyên bố nước này đã thử nghiệm thành công và hoàn thành việc chế tạo vũ khí chiến lược, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom hạt nhân.

Kim Jong-un cũng khẳng định, nước ông sẽ không đàm phán với Hoa Kỳ để từ bỏ vũ khí hạt nhân cho đến khi nào Washington từ bỏ "chính sách thù địch" chống Bình Nhưỡng.

Bản tin của KCNA nói rằng:

"Với một nụ cười rạng rỡ, Chủ tịch (Kim Jong-un) nói với cán bộ, các nhà khoa học và chuyên viên kỹ thuật của mình rằng, Hoa Kỳ sẽ không hài lòng, vì họ nhận được "món quà" đúng Ngày Độc lập của mình.". [2]

Reuters lưu ý, việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa được tính toán lựa chọn thời điểm ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20, nơi các nước sẽ thảo luận việc kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết quả tên lửa bắn hôm qua là Hwasong-14, bay được 933 km và đạt độ cao 2802 km với thời gian bay khoảng 39 phút.

Trung Quốc sẽ không "giải cứu" Donald Trump

The Straits Times ngày 5/7 dẫn bình luận của The Washington Post cho rằng, vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng ngày hôm qua đã thách thức chiến dịch của Tổng thống Donald Trump nhằm cô lập Bắc Triều Tiên.

Mặc dù cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều tuyên bố, "kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng đã kết thúc, nhưng Nhà Trắng không giải thích rõ ràng điều đó có ý nghĩa gì.

Ông Anthony Ruggiero, một chuyên gia bình luận: 

"Thật không may, chính quyền Trump chỉ có vài lựa chọn khác hơn là gây áp lực kinh tế mạnh hơn với Trung Quốc và Triều Tiên.

Mỹ đã lãng phí 10 năm qua để đàm phán và rồi thất bại, sự kiên nhẫn chiến lược đã thất bại ngay từ đầu.

Một biện pháp trừng phạt mới do Mỹ dẫn đầu sẽ là câu trả lời tốt nhất, bởi Trung - Nga sẽ phủ quyết nếu đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an.". [3]

The New York Times ngày 4/7 cũng có chung nhận định: Tùy chọn của Tổng thống Donald Trump với Triều Tiên rất ít, nhưng lại nhiều rủi ro.

Giải pháp đầu tiên là Tổng thống Donald Trump có thể đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt, tăng cường hiện diện của hải quân Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Nhưng hăm dọa đã được chứng minh là biện pháp không hiệu quả.

Bởi nếu dọa mà Triều Tiên sợ thì ông Kim Jong-un đã không phóng tên lửa ngày hôm qua.

Bình Nhưỡng làm điều này cho dù vẫn biết rằng, nó chỉ dẫn đến các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn và cũng khiến Trung Quốc có thể can thiệp dứt khoát hơn.

Giải pháp thứ hai là đe dọa tấn công phủ đầu.

Nhưng trong 11 năm qua, Triều Tiên đã phát triển quá nhiều tên lửa với các chủng loại khác nhau, khiến một cuộc tấn công quân sự phủ đầu Bình Nhưỡng sẽ có thể bị trả giá.

Tên lửa Triều Tiên được giấu trong hang động và có thể được vận chuyển, cơ động rất nhanh.

Trong khi pháo binh, hỏa tiễn họ bố trí dày đặc ở biên giới có thể dội thẳng xuống Seoul, một thành phố 10 triệu dân và là trung tâm kinh tế năng động hàng đầu châu Á.

lien quan my - han tap tran ban ten lua hom qua de phan ung lai vu thu ten lua moi nhat cua binh nhuong, anh: epa / scmp.

Liên quân Mỹ - Hàn tập trận bắn tên lửa hôm qua để phản ứng lại vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, ảnh: EPA / SCMP.

Giải pháp thứ 3 là đàm phán, như tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi khi thăm Mỹ thứ Sáu tuần trước.

Nó sẽ phải bắt đầu bằng việc đóng băng các hoạt động thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân ở miền Bắc, các hoạt động tập trận quân sự Mỹ - Hàn ở miền Nam.

Từ lâu ông Tập Cận Bình đã kêu gọi giải pháp này, và hôm qua Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi điều tương tự sau khi gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Nhưng rủi ro của giải pháp này theo The New York Times, đó là phần thắng chủ yếu thuộc về Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Trong khi hoạt động của quân đội Mỹ tại Thái BÌnh Dương có thể bị hạn chế, làm xói mòn khả năng răn đe quân sự của liên minh Mỹ - Hàn.

Đó là chưa kể đàm phán với Triều Tiên là khó có một ý tưởng mới.

Tổng thống Bill Clinton đã cố gắng làm điều này năm 1994, trong khi Tổng thống Geogre W. Bush cũng theo đuổi nó trong 2 năm cuối nhiệm kỳ, nhưng hai ông không thành công. [4]

CNN  ngày 4/7 đăng nhận định của tác giả Adam Cathcart, rằng Trung Quốc sẽ không "giải cứu" ông Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên.

Triều Tiên bám sát kế hoạch của họ, tin tưởng vào sự tiến bộ của nó và dường như không hề nao núng bởi 5 lệnh trừng phạt.

Không may cho ông Donald Trump, Bình Nhưỡng đã chờ đợi thời điểm một cách chính xác như những gì họ dự đoán sẽ xảy ra. 

Triều Tiên chờ đợi căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ - Trung bộc phát và sau đó thì phóng tên lửa.

Điều này làm cho khả năng hợp tác Trung - Mỹ như mong muốn của Tổng thống Donald Trump là rất khó xảy ra.

Mỹ vừa bán 1,4 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan, đơn phương trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc, thách thức yêu sách phi lý của họ ở vùng biển tranh chấp dưới khu vực Đông Nam Á...

Với những diễn biến này, thì làm gì có chuyện Bắc Kinh cam tâm tình nguyện giúp Washington? [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.cnbc.com/2017/07/04/us-officials-believe-north-korea-fired-first-missile-capable-of-reaching-alaska.html

[2]https://www.reuters.com/article/us-northkorea-missiles-idUSKBN19P02W

[3]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/pyongyangs-missile-launch-challenges-donald-trumps-campaign-to-isolate-north-korea

[4]https://www.nytimes.com/2017/07/04/us/politics/trump-north-korea-missile-icbm.html

[5]http://edition.cnn.com/2017/07/04/opinions/cathcart-north-korea-china-opinion/index.html

Hồng Thủy-GDVN
--------------------------

Thế khó của ông Tập khi đối phó với Triều Tiên

Dù chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên có thể đe dọa tới Trung Quốc, ông Tập không có nhiều lựa chọn để ứng phó.

 

 

the-kho-cua-ong-tap-khi-doi-pho-voi-trieu-tien

Ông Tập trong chuyến thăm Hong Kong hồi tháng 6. Ảnh: NYTimes.

Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là người quyền lực nhất Trung Quốc, có thể ra quyết sách hàng ngày trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị cho tới quân sự, đối ngoại. Nhưng với vấn đề Triều Tiên, nhà lãnh đạo nổi tiếng với sự cương quyết và chính xác này dường như đang bế tắc, theo NYTimes.

Triều Tiên hôm 4/7 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, bất chấp những lời cảnh báo, răn đe của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Vụ thử này làm dấy lên nghi ngờ về việc Trung Quốc đã vạch ra "giới hạn đỏ" nào với đồng minh Triều Tiên và đây có phải là "giọt nước tràn ly" buộc ông Tập phải hành động kiên quyết với Bình Nhưỡng theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Tập được tin Triều Tiên phóng ICBM khi đang gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow. Hai nhà lãnh đạo sau đó ra tuyên bố chung, kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán nhằm ngừng chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy những hạn chế trong động thái quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.

Theo Wu Riqiang, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, ông Tập trong thời gian tới chắc chắn sẽ không có những quyết sách lớn với Triều Tiên, nếu không muốn nói là không làm gì cả.

Trung Quốc không thực sự coi ICBM của Triều Tiên là một mối đe dọa. Điều Bắc Kinh quan tâm là những biện pháp đối phó mà Mỹ sẽ triển khai ở khu vực Đông Á, chẳng hạn như những tổ hợp phòng thủ THAAD có hệ thống radar cực mạnh vừa được đưa tới Hàn Quốc.

Tên lửa Hwasong-14 khai hỏa. Video: KCNA.

Điều khiến lãnh đạo Trung Quốc "đau đầu" hơn vụ phóng ICBM chính là nguy cơ Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên nằm gần với biên giới Trung Quốc đến mức người dân ở thành phố Diên Cát lo sợ họ có thể bị nhiễm xạ.

"Với Trung Quốc, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 là mối đe dọa nghiêm trọng hơn ICBM", Feng Zhang, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nói. "ICBM Triều Tiên chủ yếu là để đe dọa Mỹ, nhưng việc thử vũ khí hạt nhân gần biên giới là mối đe dọa về chiến lược và môi trường với Trung Quốc".

"Vụ phóng thử tên lửa không gây nhiều sức ép với Trung Quốc giống như nguy cơ về vụ thử hạt nhân", ông Wu nói.

Nhưng dù Triều Tiên có làm gì, ông Tập cũng sẽ rất khó khăn để vạch ra "lằn ranh đỏ" với Bình Nhưỡng, cả chính thức lẫn không chính thức, theo Cheng Xiaohe, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin.

"ICBM không phải là lằn ranh đỏ của Trung Quốc, ngay cả Mỹ cũng không vạch ra một giới hạn rõ ràng như vậy", Cheng nói. Ông cho rằng nếu Trung Quốc vạch ra lằn ranh đó, "Bắc Kinh và Washington đều phải tự động có hành động đáp trả", chẳng hạn như việc Trung Quốc cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên.

Nhưng Bắc Kinh không thể gây sức ép quá lớn như vậy với Bình Nhưỡng, bởi việc ngừng cung cấp dầu hay cắt giao thương có thể đẩy Triều Tiên vào tình trạng bất ổn, khiến người dân nước này ồ ạt tràn qua biên giới vào Trung Quốc.

Ngoài việc cắt giảm thương mại song phương, ông Tập không còn nhiều lá bài để tung ra với Triều Tiên cũng như không có nhiều lựa chọn ngoài "sự do dự chiến lược" với Bình Nhưỡng, Shi Yinhong, chuyên gia phân tích Trung Quốc từng tham vấn về đối ngoại cho chính phủ nước này, cho biết.

the-kho-cua-ong-tap-khi-doi-pho-voi-trieu-tien-1

Ông Kim Jong-un vui mừng sau vụ phóng tên lửa. Ảnh: KCNA.

Dù nhà lãnh đạo này không ủng hộ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, điều khiến ông lo sợ hơn là sự bất ổn ở quốc gia láng giềng cũng như nguy cơ quân đội Mỹ, Hàn xuất hiện trước ngưỡng cửa nước mình, cùng với đó là dòng người tị nạn đổ vào biên giới khi xung đột nổ ra.

"Là một chiến lược gia, ông Tập đang đối mặt với lựa chọn không mấy dễ chịu là sử dụng hết các biện pháp có thể với Kim Jong-un, trong khi không hề tự tin rằng các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả", Shi nói. "Chiến lược gia này còn có thể làm gì nữa? Sự do dự là điều không thể tránh khỏi".

Shi cho rằng ông Tập đang phải đối mặt với ông Kim "ngày càng quyết tâm và quyết đoán", cùng với một tổng thống Mỹ khó lường. "Ông Tập và ông Trump không phải lúc nào cũng cùng nhìn về một hướng. Ngay cả khi đạt được đồng thuận, họ cũng rất khó đối phó với ông Kim", chuyên gia này nhận định.(Vnexpress)
---------------------------

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục