Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 07-07-2017
- Cập nhật : 07/07/2017
Báo Nga chọc đồng nghiệp Mỹ thổi phồng cuộc gặp Trump-Putin
Trang Sputnik chế nhạo truyền thông phương Tây “làm quá” và kịch tính hoá cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cuối tuần này.
Cuộc gặp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần này sẽ thu hút nhiều sự chú ý - Ảnh: Reuters
Theo hãng thông tấn của Nga, nhiều nhà báo phương Tây kỳ vọng cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước tại hội nghị G20 ở Đức sẽ là một cuộc so găng kịch tính và có những cuộc gặp “định hình thế giới” hay quyết định “số phận của trái đất”.
Cuộc gặp được truyền thông phương Tây liên tục khai thác dưới hình thức từ châm biếm cho đến thổi phồng sự sợ hãi, bi quan.
Điều bị soi đầu tiên sẽ là cú bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo. Theo Sputnik, dù có thể sẽ có loạt tổng hợp video hài hước về những cú bắt tay kỳ cục trên các trang như Huffington Post, lần này nhiều tờ chính thống hơn như Newsweek cũng tham gia luận bàn về tư thế của ông Trump. Tờ tạp chí Mỹ cho rằng ông Trump có thói quen “biến các cú bắt tay với những nhà lãnh đạo thế giới thành phép thử sức mạnh thực chất lẫn hình thức”.
Chưa rõ tư thế bắt tay của hai tổng thống như thế nào nhưng đài CNN sợ rằng tổng thống Mỹ sẽ yếu hơn ông Putin trong các cuộc gặp giữa lúc “quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trong giai đoạn nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh lạnh”.
Tờ Huffington Post cũng đăng bài của Norman Solomon - một nhà vận động chống chiến tranh, mô tả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nắm giữ các nút bấm hạt nhân của thế giới sẽ ảnh hưởng đến số phận của hành tinh, tương lai của những người trẻ và cả những thế hệ tiếp theo.
Biên tập viên Michael McKee của kênh Bloomberg TV cảnh báo ông Trump sẽ đối mặt với “một người nổi tiếng là một tay đàm phán cứng rắn, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ”.
Hãng tin Mỹ trong các bài viết gần đây lo lắng về kinh nghiệm của ông Trump so với nhà lãnh đạo kỳ cựu của Nga. “Đối với ông Trump, đó giống như là việc phải cố trồi lên mặt nước trong khi với ông Putin thì đó như một màn quảng cáo tại quê nhà về việc đứng lên và đặt vấn đề trước tổng thống Mỹ” - trang Sputnik dẫn lại lời ông McKee.
Truyền thông Mỹ cũng thi nhau đưa ra các dự đoán về nội dung thảo luận của hai tổng thống, từ tình hình ở Trung Đông, khủng hoảng Syria, Ukraine, các biện pháp trừng phạt Nga cho đến cáo buộc Matxcơva can thiệp bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên theo Sputnik, hầu như chẳng có vấn đề nào trong số trên quan trọng đối với Nga. “Truyền thông phương Tây bỏ qua một chủ đề quan trọng với Nga: việc thu giữ các tài sản ngoại giao của Nga ở Mỹ - một “lời từ biệt chua chát” từ chính quyền Obama và là một hành động mà, trái ngược với hy vọng của Nga, vẫn còn tiếp tục bởi ông Donald Trump và các quan chức của ông” - Sputnik nhận định.
Ông Trump và ông Putin nói chuyện với nhau ba lần trong năm 2017. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Hamburg của Đức, bắt đầu từ ngày 7-7.(Tuoitre)
-------------------------------
Tranh chấp Costa Rica - Nicaragua ra tòa quốc tế
Chính phủ Costa Rica đã yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ, đóng tại Hà Lan) phân xử vấn đề đường biên giới trên biển với Nicaragua ở Thái Bình Dương và biển Caribê nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài.
Quang cảnh phiên tòa phân xử vấn đề đường biên giới trên biển giữa Costa Rica và Nicaragua tại Tòa án Công lý Quốc tế ICJ
Theo Reuters, hai bên đưa ra nhiều quan điểm, luận cứ trước ICJ chủ yếu tập trung vào đảo Calero và khu vực cửa sông San Juan.
Trong phiên tranh tụng sơ bộ hôm qua, Đại sứ Costa Rica tại Hà Lan Sergio Ugalde cáo buộc việc Nicaragua xây dựng doanh trại quân đội mới trên bờ biển Calero là bất hợp pháp vì trong phán quyết năm 2015, JCJ tuyên bố đảo này thuộc chủ quyền của Costa Rica.
Theo ông Ugalde, Nicaragua định dùng cơ sở nói trên để lấy cớ tuyên bố chủ quyền, đòi phân định lại biên giới trên biển và đất liền.
"Trong suốt 40 năm qua, Costa Rica đã đàm phán về phân định ranh giới trên biển với tất cả quốc gia láng giềng, ngoại trừ Nicaragua, nên buộc phải đệ đơn lên ICJ”, Đại sứ Ugalde nói.
Nicaragua bác bỏ những tuyên bố trên và sẽ tham gia phiên tranh tụng ngày 6.7.
JCJ dự kiến ra phán quyết vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018.(Thanhnien)
----------------------------------
Mỹ toan tính chiếm lĩnh ‘sân sau’ của Nga
Ngày 6-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thủ đô Warsaw của Ba Lan, mang theo tham vọng đưa nước Mỹ đạt đến vị thế “thống trị năng lượng” trên trường quốc tế, theo hãng tin CNBC.
Chiếm lĩnh sân sau của Nga
Hãng tin Reuters cho biết trong cuộc gặp ngày 6-7 với lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra các cam kết thúc đẩy xuất khẩu dầu khí hóa lỏng vào thị trường vốn từ lâu phụ thuộc nhiều vào Nga. Việc Tổng thống Trump lựa chọn Ba Lan làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du dài ngày ở châu Âu, trước cả hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức) cho thấy chuyến đi này có vị trí vô cùng quan trọng trong danh sách các ưu tiên của Nhà Trắng.
Hội nghị thượng đỉnh “Ba vùng biển” tại Warsaw với sự góp mặt của lãnh đạo các quốc gia Ba Lan, Áo, Hungary, Latvia cùng Estonia là bước đệm quan trọng để Tổng thống Trump thúc đẩy chiến lược năng lượng toàn cầu của Mỹ. Tuần qua, chính phủ của ông Trump cũng nhấn mạnh việc xuất khẩu dầu khí hóa lỏng là một trụ cột quan trọng trong kế hoạch “thống trị thị trường năng lượng toàn cầu”. Ông Trump cũng khẳng định ngành năng lượng Mỹ sẽ bước vào một “kỷ nguyên vàng” bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí đốt, than đá và xăng dầu.
Cựu tư lệnh tối cao của NATO James Jones đánh giá sự xuất hiện của ông Trump sẽ tạo lực đẩy quan trọng cho dự án “Ba vùng biển”. Nếu Mỹ tăng xuất khẩu đến khu vực, sức ảnh hưởng của Nga sẽ bị suy yếu vì không thể sử dụng khí đốt làm con bài mặc cả, ông Jones nhận định. Ngân sách của điện Kremlin cũng phụ thuộc rất lớn vào lợi nhuận thu về từ xuất khẩu dầu và khí đốt. Việc giảm bớt thị phần của Nga sẽ tạo ra các khó khăn không nhỏ cho những tham vọng của điện Kremlin, cả về đối nội và đối ngoại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh thực thi chiến lược năng lượng “Nước Mỹ trước tiên” vào tháng 4-2017. Ảnh: GETTY
Mỹ tăng xuất khẩu dầu khí hóa lỏng vào khu vực Trung và Đông Âu có thể là giảm sức mạnh con bài mặc cả quen thuộc của Nga. Ảnh: POLITICON
Những kẻ thách thức
Mỹ được dự đoán sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn thứ ba thế giới vào năm 2020, theo Reuters. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã ký kết nhiều hợp đồng bán khí đốt dài hạn trong vòng bốn năm qua nhưng vẫn còn dư trữ lượng để tiếp tục chào mời các đối tác toàn cầu. Tập đoàn năng lượng Cheniere vào tháng qua đã gửi những đơn hàng đầu tiên đến Ba Lan. Tập đoàn Tellurian thì đang đệ trình một hợp đồng trị giá đến 16 tỉ USD với chính phủ Warsaw với hy vọng ký kết thành công vào năm 2022, thế chỗ Tập đoàn Gazprom của Nga.
Tham vọng của ông Trump và các nhà tập đoàn Mỹ vẫn đối mặt với thách thức không nhỏ là sự dư thừa nguồn cung khí đốt toàn cầu. Adam Sieminski - chuyên gia về năng lượng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - lo ngại sự dư thừa này sẽ kìm hãm giá khí đốt và các tập đoàn Mỹ khó mà thu lợi. Nga vẫn nắm thế thượng phong tại “chiến trường” châu Âu với ưu thế địa lý và hệ thống ống dẫn sẵn có. “Châu Âu sẽ là một đấu trường khốc liệt giữa khí đốt Nga và khí đốt hóa lỏng Mỹ” - Daniel Yergin, Phó Chủ tịch hãng phân tích IHS Markit, nhận định.
Dù đang bị cô lập bởi các nước Ả Rập và vùng Vịnh, Qatar cũng bất ngờ nổi lên như một đối thủ sẵn sàng ngáng chân tham vọng “thống trị năng lượng” của ông Trump. Ngày 5-7, chính phủ Doha tuyên bố sẽ tăng gấp đôi quy mô dự án mỏ khí đốt của nước này ở vịnh Ba Tư, đẩy sản lượng khí đốt hóa lỏng của nước này từ 77 triệu tấn/năm lên gần 100 triệu tấn/năm vào năm 2022.
Theo CNBC, Qatar hiện chính là nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới. Động thái lần này cho thấy đất nước vùng Vịnh không muốn đánh mất vị thế dẫn đầu của mình trong thị trường khí đốt toàn cầu.(PLO)
-----------------------------
EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình ở Đông Á
Tại cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - Liên minh Châu Âu (ASEAN – EU) lần thứ 24 diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, EU khẳng định quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, trong đó có hợp tác sâu rộng với ASEAN; đánh giá ASEAN là đối tác quan trọng, thành công trong tiến trình liên kết khu vực (ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU và là thị trường thu hút đầu tư FDI lớn của EU); và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình ở Đông Á.
Tại hội nghị, các quan chức EU tiếp tục bày tỏ mong muốn sớm nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên đối tác chiến lược và tham gia sâu hơn vào các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), coi đây là những khuôn khổ quan trọng để EU cùng với ASEAN và các đối tác tham gia giải quyết các thách thức khu vực. EU cũng cam kết nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết, hoàn tất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thành viên ASEAN, trước mắt là với Singapore và Việt Nam, tới đây là Thái Lan, Indonesia…, qua đó tạo cơ sở tăng cường thương mại, đầu tư giữa hai bên, hướng tới một FTA giữa hai khối EU và ASEAN.
Về phần mình, ASEAN bày tỏ mong muốn hai bên sớm hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2018-2022 để tạo khuôn khổ đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai bên. Đánh giá cao các chương trình hỗ trợ của EU về thuận lợi hóa thương mại, giáo dục, phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. ASEAN đề xuất EU có thêm các dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng dụng công nghệ cao.
Trước các thách thức toàn cầu ngày càng tăng, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực như an ninh biển, an ninh mạng, chống khủng bố, quản lý biên giới, phòng chống buôn bán người, di cư trái phép… Hai bên cũng thảo luận về tình hình một số điểm nóng ở khu vực và trên thế giới. Phía EU khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuyến đường vận tải 40% hàng hóa của EU; đề cao việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan lĩnh vực này.
Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-EU, hai bên nhất trí triển khai thêm các chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời ghi nhận những tiến triển trong đàm phán Hiệp định vận tải hàng không ASEAN-EU. Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU sắp tới, hai bên dự kiến sẽ thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN-EU giai đoạn 2018-2022 và ra Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ ASEAN-EU, hai tổ chức khu vực quan trọng tại Đông Á và châu Âu, cùng chia sẻ nhiều lợi ích và tầm nhìn về ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới. Ở cấp độ toàn cầu, Thứ trưởng ủng hộ quan điểm ASEAN và EU tiếp tục hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, tự do hóa thương mại, đề cao luật pháp quốc tế. Ở cấp độ khu vực, hai bên cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các cộng đồng hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển của mỗi quốc gia và khu vực.
Để thực hiện mục tiêu đó, các đối tác của ASEAN, trong đó có EU cần ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng dựa trên luật lệ, nâng cao hiệu quả các cơ chế khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngoại giao phòng ngừa, quản lý xung đột ở khu vực. Thứ trưởng cũng chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông, đánh giá cao lập trường của EU đồng thời đề nghị EU tiếp tục ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thúc đẩy các bên thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý.
Hội nghị SOM ASEAN-EU 24 diễn ra trong hai ngày 5-6/7, do Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Thái Lan Busaya Mathelin và Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, Trưởng SOM ASEAN của EU Gunnar Wiegand đồng chủ trì với sự tham dự của các nước thành viên ASEAN và EU.(TTXVN)