Báo Mỹ: Từ lâu Mỹ đã có nhiều kế hoạch tấn công Triều Tiên
Tờ nguyệt san National Interest (Mỹ) ngày 1/5 có bài viết cho rằng, để khẳng định mình nghiêm túc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lệnh cho một cụm tàu sân bay Mỹ triển khai ở vùng biển lân cận Triều Tiên.
Đối với động thái này, Triều Tiên đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ, tuyên bố có thể bắn chìm tàu sân bay Mỹ và tổ chức một cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn - với vài trăm quả đạn pháo đồng thời được bắn ra.
Kể từ khi ký kết hiệp định đình chiến vào năm 1953, hiện là thời điểm Mỹ và Triều Tiên ở gần tình trạng rất gần với một chiến tranh tiếp theo.
Trong bối cảnh này, tờ Foreign Policy Mỹ ngày 1/5 đăng một bài viết khẳng định, quân đội Mỹ từ lâu đã có các "kế hoạch tác chiến" đối với Triều Tiên.
Theo bài viết, nếu có một vấn đề mà quân đội Mỹ đang phải nghiên cứu và xem xét, đó chính là vấn đề chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả lực lượng vũ trang của Mỹ từ lâu luôn xem xét nghiêm túc vai trò của họ trong chiến tranh Triều Tiên.
Thủy quân lục chiến Mỹ có thể cân nhắc hành động đổ bộ. Hải quân có thể hành động "ba mặt" ở bán đảo Triều Tiên - điều này rất dễ dàng, nhất là đối với triển khai tàu khu trục Aegis, loại tàu có thể bắn rơi tên lửa. Lực lượng đặc nhiệm sẽ phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ quan trọng trên mặt đất, chẳng hạn tìm điểm hỏa lực, cơ sở thông tin và bộ chỉ huy dưới lòng đất.
Chiến tranh Triều Tiên sẽ tiến hành như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách của quân đội Mỹ đã cân nhắc vài chục năm, đặc biệt là 20 năm qua Triều Tiên tìm cách nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa có thể lắp đầu đạn hạt nhân.
Theo tác giả bài viết Thomas Ricks, Mỹ thực sự có rất nhiều "kế hoạch tác chiến", bản thân ông từng nghe báo cáo vắn tắt của một số kế hoạch.
"Kế hoạch tác chiến số 5027" của quân đội Mỹ yêu cầu Mỹ điều vài trăm nghìn quân tới khu vực tác chiến trong vòng 90 ngày, cộng với một nửa số tàu chiến và hơn 1.000 máy bay chiến đấu.
Ngoài ra, còn có "Kế hoạch tác chiến số 5029", chủ yếu là ứng phó thế nào với sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Bình Nhưỡng và bảo đảm an toàn của kho vũ khí sinh học và vũ khí hạt nhân.
Cùng với sự thay đổi của toàn cầu hóa, những kế hoạch này sẽ được tiến hành điều chỉnh nhiều lần. Nhưng còn tồn tại một số vấn đề quan trọng và gai góc.
Trước hết là vấn đề tấn công đánh đòn phủ đầu. Quân đội Mỹ có thể không kích tên lửa và đầu đạn của Triều Tiên? Không thể. Chúng chắc chắn đều được cất giấu trong các công sự ở sâu dưới lòng đất. Người Triều Tiên rất giỏi đào hầm.
Tác giả Thomas Ricks cho biết ông từng đi vào đoạn cực nam của một đường hầm dưới mặt đất ở khu phi quân sự của họ. Nó để lại ấn tượng sâu sắc. Đó chỉ là một trong rất nhiều đường hầm của Triều Tiên.
Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: Daily World
Nhưng, không kích cộng với gây nhiễu quan trọng và tấn công mạng của Mỹ rất có thể sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng phóng của Triều Tiên. Thông tin nội bộ của họ hầu như sẽ đứt đoạn.
Nếu dự định tiến hành tấn công đánh đòn phủ đầu, rất có khả năng Mỹ sẽ thực hiện hành động "trảm tướng" nhằm vào các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Máy bay không người lái có thể hành động ở tầng trời thấp, tiến hành cảnh cáo cho bất cứ hệ thống phóng nào trong đường hầm. Những nhân viên điều khiển hệ thống phóng sẽ làm việc trong môi trường nguy hiểm nhất trên toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu của phát động tấn công đánh đòn phủ đầu là pháo binh của Triều Tiên. Triều Tiên đã triển khai rất nhiều pháo (hàng ngàn khẩu) ở dọc khu phi quân sự. Một khi họ biết xảy ra cái gì thì họ rất có khả năng bắt đầu nã pháo vào thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Hành động tấn công vào khu vực Seoul có dân số trên 20 triệu người sẽ gây ra cảnh tượng rất đáng sợ, cho dù đạn pháo không thể vươn tới miền nam Soeul và chỉ duy trì được vài ngày. Nhưng nó vẫn chưa đến mức trở thành “biển lửa” – vài năm trước, Bình Nhưỡng từng tuyên bố muốn phát động tấn công pháo theo kiểu “trút mưa” đối với Seoul.(Viettimes)
---------------------------
Triều Tiên nói Trung Quốc 'phản bội'
Triều Tiên hôm qua cáo buộc Trung Quốc gây ra rắc rối và có hành vi "phản bội" khi xích lại gần hơn với Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN
"Trung Quốc không nên liều lĩnh thử độ kiên nhẫn của chúng tôi", NBC News dẫn lời một bài bình luận do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải.
Theo bài viết, Trung Quốc thường xuyên "làm tổn hại đến các lợi ích chiến lược" của Triều Tiên khi ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ và đây là biểu hiện "phản bội".
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang có dấu hiệu nồng ấm hơn. Chính quyền Trump hy vọng Trung Quốc có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Triều Tiên khẳng định nước này không có kế hoạch dừng chương trình hạt nhân. "Đối với chúng tôi, hạt nhân là biểu tượng cao cả của phẩm giá và sức mạnh. Nó cũng là mối quan tâm lớn nhất", KCNA cho hay. "Nếu chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi không những bị gia tăng trừng phạt kinh tế mà còn bị can thiệp quân sự".
Bắc Kinh hôm qua nói Bình Nhưỡng đang đi một con đường nguy hiểm và nên cân nhắc lại. "Việc Triều Tiên tìm cách củng cố an ninh là điều dễ hiểu nhưng tham vọng hạt nhân và tên lửa của họ đã đặt chính bản thân họ và khu vực vào tình thế vô cùng nguy hiểm", People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong một bài bình luận.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang nhanh chóng với việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa thách thức Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẵn sàng thử hạt nhân lần 6 khi nào thấy phù hợp. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump điều động tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên, dường như nhằm thị uy sức mạnh. Mỹ hôm 1/5 còn điều hai máy bay ném bom chiến lược B-1B tới tập trận chung với quân đội Hàn Quốc.(Vnexpress)
---------------------------
Mỹ cảnh báo trừng phạt Trung Quốc nếu kiềm chế Triều Tiên thất bại
Mỹ hy vọng phối hợp cùng Trung Quốc để dừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo thất bại sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters.
Trong bài phát biểu trước nhân viên Bộ Ngoại giao ngày 3/5, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập đến "trừng phạt nước thứ ba", cảnh báo các công ty Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu làm ăn với Triều Tiên, AFP đưa tin.
Ông Tillerson cho biết Trung Quốc đã tái khẳng định sự ủng hộ với một bán đảo Triều Tiên "phi hạt nhân hóa" nhưng Washington sẽ kiểm tra cam kết của Bắc Kinh trong hỗ trợ kiềm chế Bình Nhưỡng.
Washington cũng sẽ kêu gọi các cường quốc thực hiện đầy đủ những lệnh trừng phạt Triều Tiên "bởi chưa có ai làm điều này".
"Khi thấy bạn không thực hiện, có công ty hoặc cá nhân vi phạm lệnh trừng phạt, chúng tôi sẽ liên hệ. Chúng tôi sẽ đề nghị bạn xử lý vấn đề", ông Tillerson nói. "Nếu bạn không thể, hoặc đơn giản là không muốn xử lý vì lý do chính trị nội bộ, chúng tôi sẽ làm thay. Chúng tôi sẽ trừng phạt họ thông qua trừng phạt nước thứ ba".
Trung Quốc thông qua các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát Mỹ tin rằng các ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục để Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế.(Vnexpress)
---------------------------------
Tiếp cận Đông Nam Á, Trump tìm cách siết 'vòng kim cô' với Triều Tiên
Với lời mời lãnh đạo các đồng minh ASEAN đến Nhà Trắng, Trump đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của khu vực này nhằm siết chặt cô lập Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump ngày 30/4 mời các lãnh đạo Thái Lan và Singapore đến thăm Nhà Trắng, ngay sau khi chuyển lời mời tương tự cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, theo Wall Street Journal.
Các nước Đông Nam Á có thể giúp Trump cô lập Triều Tiên hơn nữa vì khu vực này không thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cho rằng Nhà Trắng cần xây dựng sự đồng thuận giữa các đồng minh châu Á. "Vấn đề chúng tôi đang đối mặt về Triều Tiên nghiêm trọng đến nỗi chúng tôi cần sự hợp tác ở một cấp độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt", ông nói với đài truyền hình ABC News hôm 30/4.
"Đây là ba nước mà ông ấy cần phải trao đổi nếu muốn có sức ép nào đó ở Đông Nam Á. Thái Lan và Singapore là hai nước còn lại ở Đông Nam Á vẫn còn giao thương với Triều Tiên", Justin Hastings, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên ở Đại học Sydney, Australia, nói.
Theo cây bút Jake Maxwell Watts của Wall Street Journal, ba nước nói trên có mối quan hệ kinh tế và chính trị lâu đời với Mỹ, dù quan hệ Washington và Manila trở nên ảm đạm kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền tổng thống Philippines vào năm ngoái. Quan hệ Mỹ - Thái cũng có phần sa sút kể từ khi phe quân đội lên nắm quyền vào năm 2014.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận lời mời đến thăm Nhà Trắng. Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì mối quan hệ gần gũi của với Mỹ, Nhà Trắng cho biết.Trong cuộc điện đàm với ông Prayuth, ông Trump khẳng định rằng Mỹ cam kết "đóng vai trò dẫn đầu và tích cực ở châu Á" thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh như Thái Lan.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: philstar
Đông Nam Á quan trọng đối Triều Tiên
Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào Triều Tiên trong năm 2015 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Philippines là nước xuất khẩu lớn thứ 5 vào Triều Tiên.
Năm 2015, Thái Lan và Triều Tiên cũng đã cùng phát hành tem lưu niệm đánh dấu 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước.
Người phát ngôn của ông Prayuth nói rằng sau cuộc thảo luận với Trump, Thái Lan sẽ "ủng hộ vai trò xây dựng của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".
Tháng 2/2017, báo cáo của ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết các đại diện của Bình Nhưỡng đã quá cảnh ở Singapore hàng chục lần để giao dịch thương mại. Singapore vẫn duy trì thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân Triều Tiên cho đến năm ngoái, khi các lệnh trừng phạt quốc tế siết chặt đối với Bình Nhưỡng.
Sự ủng hộ của các nước thành viên Liên Hợp Quốc đối với việc củng cố các lệnh trừng phạt đã không chuyển hóa thành hành động thực thi hiệu quả, báo cáo của Liên Hợp Quốc có đoạn viết.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi Washington thận trọng với Triều Tiên. "Mỹ, nước đang giơ cây gậy lớn nhất để răn đe Triều Tiên, cần phải thận trọng và kiên nhẫn", ông nói.
Michael Barr, phó giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Flinders, Australia, cho rằng Trump cần phải đưa Duterte trở về phía Mỹ.
Hôm 29/4, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước ASEAN hối thúc Triều Tiên dừng các động thái khiêu khích và quay trở lại "con đường đối thoại".
Triều Tiên đang có quan hệ ngoại giao với tất cả 10 nước Đông Nam Á. Triều Tiên đã sử dụng khu vực như điểm trung chuyển để tiếp cận các hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu và trong một số trường hợp đã luồn lách các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Phát tín hiệu đến Bắc Kinh
Mối quan hệ lâu đời của Mỹ với Philippines, Singapore, Thái Lan đang bị thách thức bởi sức mạnh ngày gia tăng của Trung Quốc. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng ngày càng lo ngại về việc liệu Mỹ có duy trì cam kết an ninh ở khu vực này hay không khi chính quyền Trump tìm cách tái định nghĩa hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế.
Việc Trump tiếp cận ba lãnh đạo Philippines, Thái Lan, Singapore cũng "đang phát đi một tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực này", James Chin, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Tasmania, Australia, nhận định.
Bằng động thái mời ba lãnh đạo này đến thăm Nhà Trắng, Trump đang muốn tìm cách cải thiện quan hệ với các chính phủ đã xung đột với chính quyền Tổng thống Barack Obama về vấn đề nhân quyền, đáng chú ý là hục hặc giữa Mỹ và Philippines sau khi Mỹ cáo buộc Philippines vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy.
Tước bỏ năng lực hạt nhân chiến lược của Triều Tiên - mục tiêu mà những người tiền nhiệm của Trump không làm được, đã trở thành trọng điểm trong chương trình nghị sự của Trump. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS phát sóng ngày 30/4, khi được hỏi liệu ông có hành động quân sự chống lại Triều Tiên hay không, ông Trump đã nói rằng: "Chúng ta hãy chờ xem".(Vnexpress)