Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 05-05-2017
- Cập nhật : 05/05/2017
Hàn Quốc kiểm tra độ sẵn sàng tác chiến của binh sĩ gần Triều Tiên
Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Hàn Quốc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đóng quân gần ranh giới trên biển với Triều Tiên.
"Trung tướng Jun Jin-goo hôm nay đến thăm không báo trước và kiểm tra hoạt động sẵn sàng chiến đấu của đơn vị Yeonpyeong đồn trú trên đảo Udo, nằm sát đường biên giới trên biển phía bắc với Triều Tiên", Yonhap dẫn tuyên bố của thủy quân lục chiến Hàn Quốc cho biết.
Tướng Jun nhấn mạnh các binh sĩ của Yeonpyeong cần sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ để đáp trả mọi hành động khiêu khích của kẻ thù vào bất cứ thời điểm nào và cương quyết khai hỏa nếu đối phương khiêu khích.
Chuyến thăm bất ngờ của quan chức quân sự Hàn Quốc là một phần trong chương trình kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng tiền tuyến nước này nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang nhanh chóng với việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa thách thức Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng thử hạt nhân lần 6 khi thấy phù hợp.
Mỹ đã triển khai nhiều khí tài quân sự hạng nặng tới gần bán đảo Triều Tiên, đe dọa "sử dụng vũ lực" để ngăn cản nước này thử hạt nhân và tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng gọi đây là hành động khiêu khích quân sự liều lĩnh, có thể đẩy khu vực này tới "bờ vực chiến tranh hạt nhân".(Vnexpress)
---------------------------
Nga - cứu cánh của Triều Tiên trước áp lực Mỹ - Trung
Khi Mỹ - Trung đang có dấu hiệu gia tăng hợp tác để gây áp lực với Triều Tiên thì Nga có thể là cứu cánh cho Bình Nhưỡng.
Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi lời chúc mừng năm mới âm lịch, tấm thiệp đầu tiên được gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin chứ không phải lãnh đạo Trung Quốc, theo hãng tin nhà nước của Triều Tiên.
Một số học giả nghiên cứu Triều Tiên cho rằng ông Kim có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga nếu Trung Quốc, nước chiếm khoảng 90% thương mại của Triều Tiên, tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nước này trong nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc cố gắng kiềm chế Bình Nhưỡng. Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng các lệnh trừng phạt để cô lập Bình Nhưỡng.
Mỹ đang kêu gọi cấm vận bán dầu cho Triều Tiên, nước nhập khẩu hoàn toàn để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu. Trung Quốc, nhà cung cấp dầu cho Triều Tiên, ít khả năng đồng ý vì điều đó có thể gây bất ổn cho chính quyền Bình Nhưỡng, nhưng giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh có thể áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại. Nga cũng là nhà cung cấp dầu lớn cho Triều Tiên. Năm 2015, nước này xuất khẩu 36.000 tấn sản phẩm dầu.
Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự gia tăng bền vững thương mại giữa Nga và Triều Tiên, nhưng mối quan hệ kinh doanh và vận tải giữa hai nước ngày càng nhộn nhịp.
Một dịch vụ phà mới bắt đầu vào tuần tới sẽ chuyển lên đến 200 hành khách và 1.000 tấn hàng hoá 6 lần một tháng giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga.
Dữ liệu vận chuyển của Reuters cho thấy gần đây có một luồng lưu thông dầu mỏ ổn định từ Vladivostok vào các cảng biển phía đông Triều Tiên.
Đầu năm nay, các quan chức chính phủ Nga đã thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về hợp tác trong vận tải đường sắt. Một tuyến đường sắt do Nga xây dựng kết nối thị trấn biên giới phía đông Nga là Khasan và cảng Rajin của Triều Tiên đã được sử dụng để chở than đá, kim loại và các sản phẩm dầu khác nhau.
Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia, nói rằng: "Triều Tiên không quan tâm đến áp lực hoặc trừng phạt của Trung Quốc vì có người hàng xóm Nga ngay bên cạnh".
"Bình Nhưỡng đã để Bắc Kinh và Moscow đấu nhau trong nửa thế kỷ, để họ tranh giành quyền được viện trợ và gây ảnh hưởng tới Triều Tiên", ông nhận xét.
Nga, đặc biệt là Vladivostok, là nơi có một trong những cộng đồng hải ngoại Triều Tiên lớn nhất trên thế giới, những người này gửi về nước số ngoại tệ mạnh tương đương hàng chục nghìn USD mỗi tháng.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào tuần trước, ông Tillerson đã kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao, tài chính với Bình Nhưỡng và đình chỉ nhận lao động Triều Tiên. Hội đồng Bảo an vẫn chưa đồng ý về bất kỳ hoạt động nào.
Trong khi Nga không cho biết liệu họ có phản đối các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hoặc tìm cách nới lỏng chúng, mối quan hệ lạnh nhạt của họ với Mỹ có thể làm phức tạp thêm việc tham gia bất kỳ sáng kiến nào của Mỹ về Triều Tiên. Ông Trump và ông Putin ngày 2/5 đã điện đàm về vấn đề Triều Tiên. Không có thông báo về bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt với Mỹ và mối liên hệ hiện tại với Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng Nga ít có khả năng tăng mạnh thương mại với Bình Nhưỡng vì dự trữ ngoại hối thấp và sự khó lường của quốc gia này.
Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford, cho rằng việc hỗ trợ cho Bình Nhưỡng có thể mang lại lợi ích cho Moscow. Việc đó cho thấy Nga là "đối tác trung thành với các chính quyền chống phương Tây phải đối mặt với sự cô lập và lệnh trừng phạt quốc tế", ông nói.
"Nga có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với các nước khác có mâu thuẫn với phương Tây, như Iran, Venezuela và Syria, khía cạnh biểu tượng này của mối quan hệ Nga - Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược", ông đánh giá.(Vnexpress)
-------------------------------------
Ông Lavrov: Giải pháp quân sự cho vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ là thảm hoạ
Nỗ lực để giải quyết tình hình xung quanh CHDCND Triều Tiên bằng biện pháp quân sự sẽ là thảm họa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố.
"Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi cho rằng chỉ có duy nhất giải pháp chính trị, bất kỳ mọi nỗ lực để giải quyết tình hình bằng các phương tiện quân sự sẽ là thảm họa", ông Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Timo Soini, được Sputnik dẫn lại.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng trong bối cảnh vụ thử tên lửa Triều Tiên gần đây và tin đồn rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu.(Bizlive)
--------------------------------------
Truyền thông Trung - Triều đấu khẩu về chương trình hạt nhân
Truyền thông Trung Quốc và Triều Tiên hôm nay đấu khẩu sau khi hãng thông tấn quốc gia của Bình Nhưỡng có bài đăng chỉ trích Bắc Kinh.
Triều Tiên có vai trò như vùng đệm giữa Trung Quốc và Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 và "đóng góp cho bảo vệ hòa bình, an ninh Trung Quốc". Trung Quốc nên "cảm ơn Triều Tiên vì điều đó", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đăng bài bình luận hôm nay cho biết, cảnh báo "hậu quả thảm khốc" nếu Trung Quốc tiếp tục thử sự kiên nhẫn của nước này.
Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả bài bình luận trên KCNA "là siêu hung hăng chứa đầy cảm xúc chủ nghĩa dân tộc".
"Bình Nhưỡng rõ ràng đang bám vào một thứ logic phi lý về chương trình hạt nhân", tờ báo cho biết. Trung Quốc "nên giúp Triều Tiên hiểu rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng theo cách chưa từng có nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân".
Theo Global Times, KCNA càng đăng bài bình luận, Trung Quốc sẽ càng hiểu cách Triều Tiên nghĩ và độ khó trong giải quyết vấn đề hạt nhân.
Truyền thông Trung Quốc còn kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân, khuyên Bình Nhưỡng "tránh mắc sai lầm" và nêu sự cần thiết của từ bỏ chương trình hạt nhân.
KCNA chỉ trích People's Daily và Global Times rằng họ chỉ "đưa ra lý do khập khiễng cho việc nghiêng theo Mỹ". "Triều Tiên sẽ không bao giờ van xin duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, mạo hiểm chương trình hạt nhân quý giá như sinh mệnh quốc gia", theo bài viết trên KCNA.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng được thiết lập trong chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc hiện là đồng minh lớn nhất của nước láng giềng. Tuy nhiên, quan hệ hai nước bắt đầu đi xuống trong những năm gần đây, liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Truyền thông hai nước đấu khẩu là dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương ở mức xấu. KCNA thường chỉ đăng bài chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, hiếm khi công kích Trung Quốc.
Washington đang thúc giục Bắc Kinh gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần trước cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về "hậu quả thảm khốc" nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, không thể gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gạt bỏ quan điểm từ ông Tillerson, nói "chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không nằm trong tay Trung Quốc".(Vnexpress)