Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 04-05-2017
- Cập nhật : 04/05/2017
Mỹ điều máy bay ném bom siêu thanh, Triều Tiên dọa có chiến tranh hạt nhân
Theo hãng tin CNN, Triều Tiên vừa công kích Mỹ rất gay gắt sau khi Mỹ tiến hành một cuộc diễn tập trên không có sự tham gia của hai máy bay ném bom siêu thanh với không quân Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng gọi cuộc diễn tập này là “một cuộc tập trận thả bom hạt nhân” và tuyên bố rằng hành động này đang khiến chiến tranh hạt nhân có nguy cơ xảy ra trong khu vực. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị truyền thông Triều Tiên mô tả là một kẻ “hiếu chiến”.
Phát ngôn này được đưa ra sau khi hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được đi vào hoạt động ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ được tổ chức trong vòng chưa đầy một tuần tới, và dự kiến vấn đề Triều Tiên và THAAD sẽ được đưa ra trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên.
Hãng tin KCNA của Triều Tiên đã lên án hoạt động của máy bay Mỹ với những ngôn từ mạnh mẽ thường thấy. “Hành động gây hấn thiếu trách nhiệm của Mỹ đang đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến bên bờ chiến tranh hạt nhân”, KCNA nói.
Họ cho biết “Trump và những kẻ hiếu chiến trong chính phủ Mỹ” đang quyết tâm tiến hành tấn công bằng vũ khí hạt nhân xuống Triều Tiên. Tổng thống Trump trước đó khẳng định ông có thể sẽ gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “vào thời điểm thích hợp”.
Trong khi đó, vào ngày 1/5, hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã bay trên bầu trời bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ một cuộc diễn tập quân sự chung với không quân Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun phát biểu rằng hoạt động này là một phần trong nỗ lực “nhằm đối phó với hiểm họa tên lửa hạt nhân của Triều Tiên và ngăn chặn các hành động gây hấn của nước này”.
Hệ thống THAAD được triển khai đến Hàn Quốc sau khi Triều Tiên gia tăng các hoạt động thử nghiệm tên lửa và đầu đạn hạt nhân. Song nó cũng gây ra sự bất bình từ Trung Quốc và Nga, bởi lãnh thổ hai nước này nằm trong tầm bắn của hệ thống này.
THAAD được thiết kế để bắn rơi các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung khi nó tiếp cận gần mục tiêu. Nó có một hệ thống radar hiện đại được kết nối vào một hệ thống mạng mà các hệ thống phòng thủ tên lửa khác trên các tàu chiến của Mỹ gần đó đều đang sử dụng.
Loại radar này có thể cung cấp những dữ liệu quan trọng cho các hệ thống tên lửa trong khu vực cũng như các loại tên lửa được bố trí tại đảo Guam, một vùng lãnh thổ tách rời thuộc Mỹ nằm gần Triều Tiên.(Infonet)
-----------------------------------
Mỹ thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân giả định
Mỹ vừa phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ căn cứ tại California lần thứ hai trong vòng một tuần qua.
Không quân Mỹ sáng nay phóng một tên lửa đạn đạo Minuteman 3 phi vũ trang từ một hầm chứa tại căn cứ không quân Vandenberg, đưa một đầu đạn giả nhằm vào một mục tiêu tại đảo san hô Kwajalein trên Thái Bình Dương, cách đó khoảng 6.400 km, theo AP.
Tuyên bố của không quân Mỹ cho biết vụ thử tên lửa hạt nhân lần này cần 10 tháng để lên kế hoạch và chuẩn bị.
Ngày 26/4, Mỹ phóng một tên lửa Minuteman 3 không vũ trang cũng từ căn cứ Vandenberg nhằm kiểm tra tính hiệu quả, sự sẵn sàng và tính chính xác của hệ thống vũ khí.
ICBM là tên lửa đạn đạo tầm xa với tầm bắn tối thiểu là 5.500 km. Mục đích chính của tên lửa này là mang đầu đạn hạt nhân để tấn công nhiều mục tiêu tầm xa.
Hiện Mỹ sở hữu khoảng 450 tên lửa ICBM và thường xuyên tiến hành thử nghiệm. Tuy nhiên, những vụ thử gần đây diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với Triều Tiên, khi cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson và tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ tiến gần đến Triều Tiên và Bình Nhưỡng vừa thực hiện cuộc diễn tập bắn pháo quy mô lớn. Triều Tiên cũng đang tìm cách phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ và đã thử hạt nhân 5 lần, kể từ năm 2006. Song giới quan sát cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khó có thể tăng cao đến mức xung đột, bởi các bên đều ý thức được hậu quả nếu chiến tranh nổ ra.(Vnexpress)
------------------------------------
Triều Tiên có hoạt động bất thường ở bãi thử hạt nhân
Các hình ảnh vệ tinh mới ở bãi thử Punggye-ri cho thấy Triều Tiên đang nối lại các hoạt động, tuy nhiên chưa rõ vụ thử hạt nhân đã xảy ra hay chưa.
Dường như các công nhân Triều Tiên đã bơm nước ra khỏi một đường hầm, hoạt động được cho là chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân, trong các hình ảnh chụp hôm 25/4, AFP hôm nay dẫn tin từ trang 38 North cho biết.
Một lượng lớn nhân công cũng được thấy xuất hiện ở khu vực này, một số nhóm có thể chơi bóng chuyền.
"Chưa rõ hoạt động này cho thấy vụ thử hạt nhân đã bị hoãn lại, hay bãi thử trong tình trạng chờ hoặc là vụ thử sắp xảy ra", các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, Đại học Johns Hopkins cho biết.
Theo trang web 38 North, những hình ảnh mới nhất là "bất thường và gần như chắc chắn có sự kết hợp giữa âm mưu đánh lạc hướng và tuyên truyền" và là kết quả của truyền thông đưa tin về các hình ảnh chơi bóng chuyền trước đây.
Trong các bức ảnh chụp hôm 19/4 và 21/4, các công nhân cũng được trông thấy chơi bóng chuyền ở doanh trại và hai khu vực khác tại bãi thử.
Triều Tiên đang nhắm tới mục tiêu phát triển năng lực tên lửa tầm xa, có khả năng đánh trúng lãnh thổ Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Đến nay nước này đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, ba trong số này diễn ra trong năm nay.
Punggye-ri là khu phức hợp gồm các đường hầm và hạ tầng dành cho hoạt động thử hạt nhân trên các ngọn núi ở đông bắc Triều Tiên.
Tháng trước các chuyên gia của 38 North cho rằng Punggye-ri đã sẵn sàng để thử hạt nhân, trong bối cảnh các nước lo ngại Bình Nhưỡng có thể hành động trùng với dịp chào mừng ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành và ngày thành lập quân đội Triều Tiên.
Triều Tiên tuần trước phóng tên lửa đạn đạo nhưng thất bại.
Hôm 1/5, Triều Tiên cho biết có thể thử tên lửa "bất cứ lúc nào và ở bất cứ điểm nào" theo yêu cầu của lãnh đạo.(Vnexpress)
--------------------------
Những khó khăn với Mỹ nếu xảy ra chiến tranh với Triều Tiên
Kịch bản chiến tranh Triều Tiên đã được nghiên cứu trong nhiều năm, và Hoa Kỳ hiểu rất rõ những đe dọa nào đang chờ đợi họ nếu xảy ra cuộc chiến lâu dài tại quốc gia châu Á này.
Trong bài viết mới nhất đăng trên tờ Foreign Policy (Chính sách đối ngoại), nhà bình luận Thomas Ricks cho rằng, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nghiêm trọng, nếu xảy ra trường hợp có hành động quân sự chống lại Triều Tiên.
Nhà báo cho biết, trong nhiều năm quân đội Mỹ đã nghiên cứu khả năng xảy ra xung đột vũ trang với Triều Tiên và cũng tạo ra nhiều kế hoạch hành động. Ví dụ, kế hoạch mang số 5027 triển khai kịch bản chiến đấu với sự tham gia của hàng trăm hàng ngàn binh lính, khoảng một nửa hạm đội Mỹ và hơn một ngàn chiếc máy bay trong 90 ngày.
Tuy nhiên tác giả lưu ý, để áp dụng kế hoạch này vào hiện thực, quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, khi áp dụng tấn công phủ đầu thì không thể đảm bảo đánh bại được tên lửa và đầu đạn giấu trong đường hầm ở địa hình đồi núi. Thay vì không kích, chiến tranh điện tử và các biện pháp khác có lẽ có thể giảm thiểu tối đa khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên.
Bên cạnh đó, một vấn đề để ngỏ là cần phải làm gì với hàng ngàn khẩu pháo của Triều Tiên đang đặt gần các khu phi quân sự. Mặc dù trên thực tế, trong điều kiện tấn công trả đũa và các cuộc không kích của quân đội Mỹ, Triều Tiên chưa chắc đã có khả năng thành công khi bắn phá Seoul trong một thời gian dài để thực hiện lời hứa biến Seoul thành "biển lửa" mà Bình Nhưỡng đưa ra một vài năm trước đây, thì triển vọng cho đô thị hơn hai mươi triệu dân này vẫn có vẻ ảm đạm- nhà báo Ricks nhấn mạnh.
Sau đó, trong trường hợp Bắc tiến, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với việc cung cấp lương thực cho người dân và duy trì trật tự tại các khu vực chiếm đóng của họ. Thậm chí nếu các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có tham gia, thì trong mọi trường hợp, Mỹ vẫn phải đảm nhiệm công tác hậu cần - đơn giản là vì chẳng có mấy nước có khả năng làm tốt việc đó được như Washington.
Cuối cùng, có khả năng là nhiều người Triều Tiên sẽ không hài lòng nếu ông Kim bị lật đổ. Ví dụ, nếu phần phía đông bắc của đất nước này từ chối thỏa thuận ngừng bắn, thì không thể hình thành nên đội ngũ kiến tạo hòa bình. Nhà báo Ricks đi đến kết luận, rằng Hoa Kỳ hiểu rất rõ về những nguy cơ của cuộc chiến kéo dài ở khu vực châu Á.
Trong một diễn biến khác, Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ lực lượng không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương ngày 2/5 xác nhận 2 máy bay ném bom chiến lược loại B-1B của họ đã thực hiện các chuyến bay trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên một ngày trước đó. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) trước đó cùng ngày đã lên tiếng phê phán động thái này của phía Mỹ.
Người phát ngôn của lực lượng trên, Trung tá Lori Hodge cho biết những chiếc máy bay này xuất phát từ Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam để thực hiện một số nhiệm vụ huấn luyện với các đối tác của Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động thường kỳ và “không liên quan đến tình hình hay đất nước cụ thể nào”.
Yonhap dẫn lời một nguồn tin quân sự Hàn Quốc tiết lộ các máy bay này tham gia tập trận riêng rẽ với chiến đấu cơ Hàn Quốc và những máy bay thuộc tàu sân bay Carl Vinson trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ nhằm phô trương sức mạnh với Triều Tiên.
Một trong những chuyên gia có uy tín về vấn đề bán đảo Triều Tiên, Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á của Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Georgy Toloraya cho rằng tình hình quốc tế hiện nay cho phép Nga đóng vai trò quan trọng giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo này.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới Nga, chuyên gia này nhận định: "Nga có những ưu thế ngoại giao nhất định vào đúng lúc này, trong bối cảnh mọi việc đang diễn ra một cách hỗn loạn và không mấy rõ ràng". Ông Toloraya nhấn mạnh sự cần thiết của việc đối thoại với tất cả các bên, đặc biệt là với Hàn Quốc càng sớm càng tốt ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống tại nước này kết thúc và tình hình trở lại bình thường.
Ông Toloraya nói: "Nga đang ở vị thế thuận lợi nhất trong tình hình hiện nay. Chúng ta không muốn xung đột và chúng ta cũng không đứng về bất kỳ phía nào. Chúng ta có thể đối thoại với bất cứ ai, bất kể người Hàn Quốc hay Triều Tiên, người Mỹ hay người Nhật".(Infonet)