Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 02-05-2017

  • Cập nhật : 02/05/2017

Trump điện đàm với các đồng minh ASEAN về vấn đề Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường tiếp cận đồng minh ở châu Á để bảo đảm sự hợp tác của họ trong việc gây áp lực với Triều Tiên.

tong thong my donald trump. anh: ap

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ hôm qua nói chuyện với Thủ tướng Thái Lan và Singapore về mối đe dọa của Triều Tiên trong các cuộc điện đàm riêng biệt. Ông cũng mời hai lãnh đạo đến Washington, các quan chức Mỹ cho biết, theo Reuters.

"Họ đã thảo luận cách để duy trì áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên", một quan chức Mỹ giấu tên nói.

Ông Trump ngày 29/4 nói chuyện với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và mời ông tới Nhà Trắng. Ngoài ra, một tuần trước, ông Trump cũng điện đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên.

"Chúng tôi cần sự hợp tác với nhiều đối tác trong khu vực nhất có thể để đảm bảo có sự chuẩn bị thật kỹ càng", Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus hôm qua nói.

Priebus cho biết các cuộc điện đàm được thúc đẩy bởi nguy cơ "hạt nhân và hủy diệt hàng loạt ở châu Á" và sau đó là Mỹ.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Triều Tiên cuối tuần trước tiến hành một vụ thử tên lửa nhưng thất bại. Washington đã điều tàu sân bay tới gần bán đảo Triều Tiên nhằm thị uy sức mạnh, răn đe Bình Nhưỡng. Mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng họ hiện chỉ có kế hoạch gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên, ông Trump trong cuộc phỏng vấn công bố vào hôm qua đã để ngỏ khả năng tấn công quân sự Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái quân sự khó xảy ra vì hậu quả nặng nề nó có thể gây ra.(Vnexpress)
------------------------------------

Trump để ngỏ khả năng tấn công quân sự Triều Tiên

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS ngày 29/4, vài giờ sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo gần thủ đô Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đó chỉ là "một vụ phóng nhỏ, không phải vụ thử hạt nhân".

Tuy nhiên, khi người dẫn chương trình John Dickerson hỏi liệu ông có cân nhắc hành động quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân không, ông Trump trả lời: "Tôi không biết. Ý tôi là, chúng ta sẽ chờ xem".

Khi được hỏi thông điệp ông muốn gửi tới Triều Tiên nhân kỷ niệm 100 ngày lên lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump nói "anh sẽ sớm biết thôi". Phóng viên hỏi thêm liệu đó có phải là hành động quân sự, ông Trump vẫn trả lời "anh sẽ sớm biết thôi".

Triều Tiên sáng 29/4 thử tên lửa nhưng nó phát nổ ở độ cao 71 km không lâu sau khi rời bệ phóng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Bình Nhưỡng "bất kính" với Bắc Kinh, đồng minh duy nhất của Triều Tiên và là quốc gia mà chính quyền Trump coi như đối tác trong nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của chính quyền Kim Jong-un.

Trước vụ phóng vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có phiên họp đặc biệt tại Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng sức ép lên Triều Tiên và tuyên bố "có thể áp dụng hành động quân sự nếu cần thiết".(Vnexpress)
-----------------------------

Ông Trump nói vấn đề Triều Tiên quan trọng hơn thương mại 

 Ông Trump cho rằng với nước Mỹ lúc này, việc giải quyết vấn đề Triều Tiên còn quan trọng hơn chuyện đạt được một thỏa thuận thương mại tốt với Trung Quốc.

tau ngam hat nhan uss michigan cap cang han quoc - anh: yonhap

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan cập cảng Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên chương trình ‘Face the Nation’ ngày 30-4 của đài CBS (Mỹ), ông Trump nói: “Tôi nghĩ là, thẳng thắn mà nói, vấn đề Triều Tiên có lẽ còn quan trọng hơn thương mại. Thương mại là chuyện rất quan trọng. Nhưng một cuộc đại chiến với hàng triệu, có thể là hàng triệu người bị giết hại thì sao? Vậy nên chúng tôi sẽ nói điều đó quan trọng hơn thương mại”.

Ông Trump cho rằng nếu Trung Quốc có thể giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên thì điều đó còn có giá trị hơn là đạt được một thỏa thuận thương mại tốt với Mỹ.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, ông Trump tuyên bố Trung Quốc đã ngừng việc thao túng tiền tệ ‘ngay khi’ ông đắc cử. Ông Trump nói: “Và tôi sẽ bảo rằng tôi chính là người đã bắt họ dừng lại’, đồng thời nhấn mạnh việc bây giờ không phải là lúc hợp lý để lên án hay chỉ trích Trung Quốc.

Ngày 30-4 truyền thông Triều Tiên tiếp tục đe dọa đánh chìm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ vừa được điều động tới bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã tăng cường những động thái đe dọa quân sự trong khu vực.

Trang web tuyên truyền Uriminzokkiri của Triều Tiên viết: “Thời khắc tàu ngầm USS Michigan cố tình nhúc nhích dù chỉ là một chút, nó sẽ hứng chịu số phận thảm khốc trở thành một đống sắt vụn và không thể nổi trở lại trên mặt nước nữa”.

Trang web này khẳng định: “Việc điều động gấp rút một tàu ngầm hạt nhân tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, cùng thời điểm với việc điều động nhóm tấn công do tàu sân bay dẫn đầu, rõ ràng có ý định tăng cường những đe dọa quân sự với nền cộng hòa của chúng ta”.

Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường USS Michigan cập cảng Busan của Hàn Quốc ngày 25-4 trước khi tiến ra biển bốn ngày sau đó. Chiếc tàu ngầm lớp Ohio này sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau. 

Bình Nhưỡng cảnh báo ‘cho dù đó là tàu sân bay hay tàu ngầm hạt nhân, chúng cũng sẽ bị biến thành đống sắt vụn trước sức mạnh quân sự bất khả chiến bại của chúng ta’.(Tuoitre)
--------------------------------

Nhật Bản và 5 nước Trung Á lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 1/5, Nhật Bản và 5 nước Trung Á (gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) đã ra tuyên bố chung lên án các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên thời gian gần đây là không thể chấp nhận.

Tuyên bố này được đưa ra sau hội nghị ngoại trưởng Nhật Bản và các nước Trung Á lần thứ 6 tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan. 

truyen thong nhat ban ngay 30/4 dua tin nhat ban se dieu tau san bay truc thang izumo (giua), tau chien lon nhat cua nuoc nay ke tu sau chien tranh the gioi thu hai, de ho tong mot tau tiep lieu cua my, trong boi canh cang thang gia tang o khu vuc lien quan van de hat nhan cua trieu tien. kyodo/ttxvn

Truyền thông Nhật Bản ngày 30/4 đưa tin Nhật Bản sẽ điều tàu sân bay trực thăng Izumo (giữa), tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, để hộ tống một tàu tiếp liệu của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực liên quan vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Kyodo/TTXVN

Trong tuyên bố, các bộ trưởng đã coi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cấm nước này thử các thiết bị hạt nhân và sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Tuyên bố cũng nêu bật tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cách đây vài thập kỷ. 

Trả lời báo giới sau hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định tuyên bố trên là một thành quả to lớn, cho thấy cộng đồng quốc tế sẽ đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. 

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là nguy hiểm nhất trong nửa thế kỷ kể từ cuộc chiến tranh liên Triều giai đoạn 1950-1953. 

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KNCA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết mặc dù sự đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn tồn tại lâu nay, song sự gây hấn của Mỹ chưa bao giờ cao đến mức này và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ tiến gần đến nguy cơ chiến tranh như trong giai đoạn diễn ra các cuộc tập trận Mỹ-Hàn gần đây. 

Kể từ đầu tháng 3 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung như "Đại bàng non" và "Giải pháp then chốt". Gần đây, Lầu Năm góc cũng đã triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc và điều nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đến ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump còn khẳng định "để ngỏ mọi phương án" giải quyết vấn đề liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, gây nên đồn đoán rằng Mỹ có thể tấn công quân sự Bình Nhưỡng bất cứ lúc nào. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy Mỹ là "kẻ cầm đầu gây hấn", gây nguy hại đến hòa bình và làm leo thang căng thẳng khu vực. Theo quan chức này, Triều Tiên đã đúng khi quyết định thúc đẩy năng lực hạt nhân vì mục đích phòng vệ.(TTXVN)

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục