Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 24-08-2017

  • Cập nhật : 24/08/2017

Át chủ bài của ông Trump tại Afghanistan là gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-8 (giờ Mỹ) đã công bố chiến lược mới với Afghanistan, tăng thêm quy mô cho cuộc chiến đã kéo dài 16 năm, dài nhất trong lịch sử chiến tranh Mỹ.

Ông Trump muốn tăng thêm sức chiến đấu với phiến quân Taliban - gần đây thắng thế trước chính phủ Afghanistan - cũng như ngăn chặn không để Afghanistan trở thành một nơi ẩn náu của khủng bố.

Reuters dẫn lời Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein ngày 22-8 cho biết lần này ông Trump chủ ý tăng sức mạnh không quân cho Afganistan. Cụ thể có thể là sẽ tăng không kích và mở rộng huấn luyện không quân Afghanistan.

“Thật sự còn quá sớm để nói về chuyện tăng giảm” - tướng Goldfein nói trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng không quân Heather Wilson.

Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein. Ảnh: REUTERS
Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, tướng Goldfein cũng cho biết các tướng lĩnh quân đội Mỹ đang bắt tay vào chuyển đổi chiến lược của ông Trump thành hành động trên thực tiễn chiến trường. Bản thân ông cũng đang cân nhắc khả năng tăng sức mạnh không quân ở Afghanistan để hỗ trợ lực lượng Mỹ dưới mặt đất cũng như tăng huấn luyện cho phi công địa phương.

Mỹ trước giờ cũng rất tập trung sức mạnh không quân ở Afghanistan. Mỹ có một mạng lưới cơ sở không quân khắp Trung Đông ủng hộ chiến dịch tại Afghanistan, trong đó có ở Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Theo Bộ trưởng Wilson, từ những gì ông Trump nói có thể đoán các tướng lĩnh quân đội Mỹ tới đây sẽ được trao quyền nhiều hơn nữa trong không kích tại Afghanistan.

Tại cuộc họp báo, dù thừa nhận sự huấn luyện và hỗ trợ thiết bị của Mỹ mang lại lợi thế cho quân đội Afghanistan nhưng bà Wilson vẫn băn khoăn khả năng chiến thắng được cuộc chiến này. “Thật lòng tôi nghĩ cuộc chiến sẽ là một chặng đường dài” - bà cho biết.

Máy bay chiến đấu F-16 Flying Falcon của không quân Mỹ tại căn cứ không quân Bagram (Afghanistan) ngày 11-8-2016. Ảnh: REUTERS
Máy bay chiến đấu F-16 Flying Falcon của không quân Mỹ tại căn cứ không quân Bagram (Afghanistan) ngày 11-8-2016. Ảnh: REUTERS

Theo một số chuyên gia, việc Mỹ tăng sức mạnh không quân vào Afghanistan sẽ phần nào ảnh hưởng đến sức chiến đấu của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vì sẽ có một số lượng máy bay cũng như thiết bị tình báo được trưng dụng cho chiến dịch Afghanistan.

Ngày 21-8, ông Trump nói sẽ tăng áp lực lên Pakistan để nước này hợp tác hơn trong chống Taliban và khủng bố. Theo bà Wilson, trước mắt ông Trump vẫn hy vọng vào nỗ lực ngoại giao nhưng không loại trừ khả năng trong tương lai Mỹ sẽ dùng quân sự với Pakistan nếu nước này không nghe lời.(PLO)
-------------------------

Nếu Mỹ 'xé thỏa thuận', Iran chỉ cần 5 ngày để khôi phục chương trình hạt nhân

Người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran khẳng định, quốc gia này chỉ cần 5 ngày để tiến hành tái làm giàu uranium phục vụ hoạt động sản xuất vũ khí nếu như Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân đã được ký kết hồi năm 2015.

“Nếu cần có một kế hoạch đáp trả và thách thức, chúng tôi chắc chắn sẽ làm Mỹ ngạc nhiên. Nếu chúng tôi quyết tâm, chúng tôi có thể khôi phục 20% hoạt động làm giàu uranium chỉ trong 5 ngày”, AP dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Năng lượng hạt nhân của Iran, ông Ali Akbar Salehi phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 22/8.

Song ông Salehi khẳng định Iran không mong muốn xảy ra viễn cảnh này bởi “Iran đã không dễ dàng mới có được thỏa thuận hạt nhân và cũng không dễ để từ bỏ thỏa thuận này. Iran vẫn đang thi hành các điều khoản trong thỏa thuận và trung thành với thỏa thuận này”.  

tong thong iran hassan rouhani phat bieu truoc quoc hoi nuoc nay hom 20/8. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trước Quốc hội nước này hôm 20/8. 

Vào năm 2015, Iran đã ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức. Trong đó, Iran đồng thuận giảm khả năng làm giàu uranium xuống 5% cũng như cắt giảm kho hạt nhân để đổi lại cộng đồng quốc tế gỡ bỏ lệnh cấm vận.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định Iran có thể rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 chỉ trong “vài giờ”.

“Thế giới đã chứng kiến dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã phớt lờ các thỏa thuận quốc tế cũng như hạ thấp thỏa thuận hạt nhân, Mỹ hiện không còn là một đối tác tốt và nhà hòa giải đáng tin cậy”, ông Rouhani phát biểu sau khi Mỹ thông qua áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran hồi đầu tháng Tám.

Về phần mình, ông Trump đã đề xuất xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran ký kết năm 2015 hoặc tiến hành đàm phán lại đồng thời cho rằng, đây là thỏa thuận “tồi tệ nhất từ trước tới nay”.

Tổng thống Trump đã ký thành luật dự thảo tăng cường lệnh trừng phạt với cả Nga, Triều Tiên và Iran sau khi Iran phóng thử thành công rocket Simorgh, giúp đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Song Washington lại cho rằng Iran đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thời khẳng định, rocket Simorgh sẽ được Iran sử dụng để phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân.(Infonet)
------------------------------

Mỹ đòi LHQ thanh sát các cơ sở quân sự Iran

Mỹ muốn các thanh sát viên nguyên tử của LHQ thanh tra các cơ sở quân sự Iran để chắc chắn về tình trạng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của Iran.

Mỹ muốn biết liệu các thanh sát viên nguyên tử của LHQ có kế hoạch thanh tra các cơ sở quân sự của Iran để chắc chắn về việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của Iran hay không, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trả lời phỏng vấn Reuters ngày 22-8.

“Nếu quý vị nhìn vào hành xử của Iran trong quá khứ, cái mà quý vị thấy là việc Iran có hành động giấu diếm tại các cơ sở quân sự, các trường đại học…” – bà Haley nói với Reuters.

“Các địa điểm này có vấn đề. Liệu họ đã thanh tra các địa điểm này để chắc rằng các vấn đề này không còn tồn tại? Họ có quyền thanh tra các cơ sở quân đội. Họ có quyền thanh tra bất kỳ địa điểm nào đáng nghi, chỉ là họ có làm thế không?”.

Iran từng từ chối thẳng thừng chuyện cho thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở quân sự của mình. Các quan chức Iran từng nói với Reuters rằng bất kỳ hành động nào dạng này sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng.

“Tại sao họ nói thế nếu họ không có điều gì giấu diếm? Tại sao họ không cho IAEA đến đó?” – bà Haley đặt câu hỏi.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 28-6. Ảnh: REUTERS
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 28-6. Ảnh: REUTERS

Bà Haley cho biết sẽ đến Áo gặp các quan chức Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong ngày 23-8, một chuyến đi mà bà gọi là sứ mệnh tìm kiếm sự thật. Đây là một phần trong tiến trình rà soát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump ngay từ hồi tranh cử đã phản đối đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất Mỹ từng thương lượng”. Hồi tháng 4, ông Trump đề nghị rà soát lại liệu việc ngưng trừng phạt Iran theo thỏa thuận hạt nhân – được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama – có phục vụ quyền lợi quốc gia của Mỹ hay không.

Theo luật Mỹ, cứ mỗi 90 ngày Bộ Ngoại giao phải một lần báo cáo với Quốc hội về quá trình tuân thủ thỏa thuận của Iran. Hạn báo cáo tới là vào tháng 10, và ông Trump hy vọng chừng đó sẽ tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận.

Trái với ông Trump, ngày 22-8, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tin thỏa thuận Iran là “một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất cho hòa bình và ổn định”, “mỗi người liên quan cần nỗ lực hết sức bảo vệ và ủng hộ thỏa thuận”. Theo thỏa thuận, LHQ và các nước phương Tây đã dỡ bỏ phần lớn các lệnh trừng phạt với Iran. Iran hiện còn chịu lệnh cấm vận vũ khí và một số hạn chế khác từ LHQ.

Mỹ tháng trước trừng phạt Iran, nhưng tuyên bố không phải nhắm vào chương trình hạt nhân mà là chương trình tên lửa nước này. Tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh cáo Iran có thể bỏ thỏa thuận “trong vòng vài giờ” nếu Mỹ trừng phạt Iran thêm nữa.

Ngày 22-8, Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố nước này có thể khôi phục sản xuất uranium làm giàu cao chỉ trong 5 ngày nếu thỏa thuận hạt nhân bị phá hủy. (PLO)
------------------------

Chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc, bộ trưởng Sri Lanka bị sa thải

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngày 23-8 thông qua quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Wijeyadasa Rajapakse sau khi ông này chỉ trích một thỏa thuận của chính phủ với Trung Quốc.

Trước đó, Đảng Quốc gia Thống nhất (UNP) của Tổng thống Sirisena đã đề nghị loại bỏ ông Rajapakse khỏi văn phòng. UNP cáo buộc ông Rajapakse không làm tròn trách nhiệm bằng cách chỉ trích thỏa thuận và chính sách của chính phủ cũng như đồng nghiệp.

Tuần trước, UNP yêu cầu ông Rajapakse đính chính lại tuyên bố của mình trong ngày 21-8 nhưng ông không thực hiện, trái lại còn tiếp tục chỉ trích các bộ trưởng và chính sách của Tổng thống Sirisena vào cuối tuần rồi.

Chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc, bộ trưởng Sri Lanka bị sa thải - Ảnh 1.

Cảng biển Hambantota. Ảnh: ECONOMY NEXT

Hồi tháng 7, chính phủ Sri Lanka ký thỏa thuận bán 70% cổ phần cảng biển Hambantota chiến lược trị giá 1,5 tỉ USD cho Tập đoàn nhà nước China Merchant Port Holdings (CMPort) của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm để lấy tiền trả khoản vay từ Bắc Kinh khi Colombo bắt đầu xây cảng.

Thỏa thuận vấp phải không ít chỉ trích trong nước, khi các nghiệp đoàn cáo buộc chính phủ "bán tài sản quốc gia cho Trung Quốc". Đáp lại, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho rằng thỏa thuận là cần thiết trong bối cảnh việc xây dựng cảng dẫn đến khoản nợ 300 triệu USD.

Ngoài việc lên án thỏa thuận, ông Rajapakse còn tuyên bố sẽ "lấy lại cảng biển này vì lợi ích của Sri Lanka". Cảng Hambantota - nhìn ra Ấn Độ Dương - dự kiến đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc nhằm kết nối các cảng, đường bộ giữa Trung Quốc và châu Âu. Bắc Kinh đã đầu tư hàng triệu USD vào hạ tầng ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu tại đó khép lại năm 2009.

Chỉ trích thỏa thuận với Trung Quốc, bộ trưởng Sri Lanka bị sa thải - Ảnh 2.

Biểu tình phản đối bán cảng Hambantota hồi tháng 1-2017. Ảnh: AP

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka khiến Ấn Độ lo ngại vì New Delhi vốn coi Ấn Độ Dương là sân sau chiến lược của mình. Đứng trước tình cảnh này, Tổng thống Sirisena cố gắng không làm mếch lòng cả hai gã khổng lồ của châu Á.

Các quan chức Sri Lanka từng nhiều lần trấn an rằng vấn đề an ninh ở cảng Hambantota sẽ được Colombo xử lý thỏa đáng nhằm đánh tan nghi ngờ Bắc Kinh sẽ sử dụng nó như một căn cứ quân sự. Thỏa thuận cũng nói rõ hải quân Sri Lanka sẽ chịu trách nhiệm về an ninh ở cảng Hambantota.(NLĐ)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 24-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 24-08-2017

    Thủ tướng Israel sẽ đối chất với ông Putin về Iran; Hoa Kỳ “bơm” đợt năng lượng đầu tiên đến Ukraine; Chuyến thăm lịch sử, thúc đẩy quan hệ chiến lược Việt Nam – Indonesia; Taliban đe dọa: Afghanistan sẽ là “nghĩa địa” của Mỹ

  • Tin thế giới đáng chú ý 24-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 24-08-2017

    Ấn Độ tung 3 tỷ USD mua thêm 90 UAV Mỹ đối phó Trung Quốc; Liên Hợp Quốc chỉ trích liên quân Mỹ sát hại dân thường ở Syria; Lãnh đạo MiG tiết lộ về chiến cơ đánh chặn mới, có thể bay nhanh gấp 4 lần âm thanh; Nga lên phương án trừng phạt đáp trả Mỹ

Bài cùng chuyên mục